20 năm cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ và mỗi đe dọa “di căn” toàn cầu
Tin nổi bật, Tin thế giới
author31/08/2021 09:17

Cách đây 20 năm, Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên bố sẽ tiến hành một “cuộc chiến chống khủng bố”, nhưng hiện nay, sự thất bại là điều dường như không thể phủ nhận khi các nhóm khủng bố tăng lên cả về số lượng và phạm vi hoạt động trên khắp thế giới.

Cựu Tổng thống Bush tuyên bố chiến tranh chống khủng bố sau vụ tấn công 11/9/2001 ở New York và Washington, được cho là do lãnh đạo Al-Qaeda đến từ Afghanistan Osama bin Laden tiến hành, người đã được Taliban cho trú ẩn vào thời điểm đó.

Cuộc chiến do Mỹ dẫn ở Afghanistan đã lật đổ Taliban ở Afghanistan và làm suy yếu khả năng của Al-Qaeda nhưng nó không thể xóa sổ những nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan bạo lực, các nhà phân tích nhận định.

“Họ đã tiêu diệt được Bin Laden. Nhưng nếu nói về mục tiêu chấm dứt chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan xuyên quốc gia thì đây hoàn toàn là một thất bại”, Abdul Sayed, nhà nghiên cứu tại Đại học Lund ở Thụy Điển nhận định khi nói về việc tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden do các lực lượng đặc biệt của Mỹ tiến hành tại Pakistan năm 2011.

Hình ảnh Tòa Tháp đôi của Mỹ bị tấn công ngày 11/9/2001. Ảnh: Getty

Năm 2011, sau cái chết của Osama bin Laden, chính cựu Tổng thống Barack Obama cũng thừa nhận rằng cái chết của người đứng đầu Al-Qaeda sẽ không đưa cuộc chiến này đến hồi kết. Tháng 5/2011, cựu Tổng thống Obama khẳng định, “cái chết của bin Laden không đánh dấu sự kết thúc những nỗ lực của chúng ta” bởi “sự nghiệp đảm bảo an ninh cho đất nước chúng ta vẫn chưa hoàn thành”.

Hiện nay, chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan đã trở thành một mối đe dọa toàn cầu, gây ra bởi các nhóm và cá nhân khác nhau trên khắp thế giới.

Nước Mỹ nói riêng và thế giới phương Tây nói chung đã không chứng kiến bất kỳ cuộc tấn công nào với quy mô như vụ 11/9/2001 vào những năm sau đó, các nhà phân tích nhận định, song cho rằng điều đó không có nghĩa là “cuộc chiến chống khủng bố” đã thành công.

“Những mục tiêu mà cuộc chiến này tự đặt ra cho mình đã không thể đạt được. Chủ nghĩa khủng bố đã không thể bị đánh bại. Mối đe dọa này vẫn không ngừng phát triển”, Assaf Moghadam, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quốc tế Chống khủng bố tại Israel đánh giá.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington ước tính, năm 2018, số các nhóm khủng bố đang hoạt động trên thế giới là 67, mức cao nhất kể từ năm 1980. Số tay súng dao động từ 100.000 – 230.000, tăng 270% so với ước tính vào năm 2001.

Một sự kiện bước ngoặt là sự xuất hiện của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq và Syria, tổ chức khủng bố đối đầu với Al-Qaeda và có ảnh hưởng ngày càng gia tăng khi mạng lưới Al-Qaeda suy yếu sau cái chết của bin Laden.

Một trong những nhân tố dẫn đến sự ra đời của IS là một loạt sai lầm nghiêm trọng, trong đó có cuộc chiến của Mỹ tại Iraq năm 2003 nhằm lật đổ Saddam Hussein. Ảnh: AFP

Một trong những nhân tố dẫn đến sự ra đời của IS là một loạt sai lầm nghiêm trọng, trong đó có cuộc chiến của Mỹ tại Iraq năm 2003 nhằm lật đổ Saddam Hussein.

“Cuộc chiến này đã khiến cho Al-Qaeda hồi sinh, đồng thời tạo nền tảng cho sự ra đời của IS”, Seth Jones, giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại CSIS cho hay.

Các chuyên gia nhận định, chiến lược này chỉ quan tâm đến đối đầu trực diện mà không tính đến những mầm mống nuôi dưỡng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan như chiến tranh, quan liêu, tham nhũng.

“Những cuộc xung đột như ở Syria có thể tạo điều kiện cho sự tập hợp và huy động của hàng nghìn phiến quân trong thời gian ngắn trong khi thế giới bên ngoài hầu như không thể làm gì”, Tore Hamming, một học giả tại Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu về Cực đoan hóa nhận định.

“Vấn đề lớn nhất không phải là quân sự. Một trong những cơ chế mạnh mẽ nhất để ngăn cản việc tuyển mộ của lực lượng phiến quân Hồi giáo là cung cấp cho mọi người những lựa chọn thay thế tốt hơn. Vũ khí không giải quyết được điều đó”, nhà quan sát Hamming đánh giá.

Bản chất của mối đe dọa đã biến đổi kể từ cuộc khủng bố 11/9, thời điểm mà những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan đồng nghĩa với Al-Qaeda dưới sự lãnh đạo của Osama bin Laden. Tuy nhiên, sau khi IS xuất hiện, ngày càng có nhiều nhóm khác nhau tuyên bố sẽ trung thành với IS hoặc Al-Qaeda.

Sự lan rộng về địa lý của mối đe dọa này cũng thay đổi. Các nhóm này không chỉ giới hạn hoạt động ở Trung Đông nữa mà còn trở nên phổ biến khắp châu Phi, hầu hết thế giới Arab cũng như Nam Á và Đông Nam Á.

Theo nhà phân tích Moghaham: “Chúng ta không chỉ nói về một số lượng nhỏ những kẻ chúng ta có thể đặt trong danh sách theo dõi khủng bố nữa. Mối đe dọa đã di căn. Chúng ta có một số lượng lớn các quốc gia ở những nơi khác nhau đang đối mặt với những thách thức của chủ nghĩa cực đoan bạo lực”.

Châu Phi đã trở thành một chiến trường mới cho những kẻ Hồi giáo cực đoan ở khu vực Sahel và Maghreb, Somalia, Libya, Mozambique và Cộng hòa Dân chủ Congo.

“Rõ ràng mối đe dọa đã dịch chuyển từ Trung Đông sang châu Phi và tôi nghĩ điều này đã không dự đoán được. Đây là một thất bại trong việc dự đoán về sự xuất hiện của một chiến trường mới và việc châu Phi có thể trở thành hang ổ mới của những kẻ Hồi giáo cực đoan”.

20 năm sau tuyên bố tiến hành cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố của cựu Tổng thống George W. Bush, thế giới đã thay đổi. Tất cả sự tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố đã chuyển sang sự mệt mỏi trước những cuộc chiến bất tận. Vài tuần trước lễ kỷ niệm vụ 11/9, Taliban, lực lượng từng bị đánh bại nhanh chóng sau cuộc khủng bố năm 2001, đã trở lại nắm quyền lực ở Afghanistan giữa bối cảnh Mỹ đang rút quân khỏi đất nước này.

Trong khi vào năm 2001, rõ ràng chủ nghĩa khủng bố là kẻ thù số 1 của Mỹ và các đồng minh thì hiện nay, Mỹ ngày càng gia tăng căng thẳng với Iran, Nga và trên hết là với Trung Quốc.

Theo quan điểm của Tổng thống Joe Biden và ở một mức độ rộng hơn là của cả 2 tổng thống tiền nhiệm, những cuộc chiến của cựu Tổng thống Bush là một sự xao lãng đáng kể khỏi cuộc cạnh tranh với một Trung Quốc đang phát triển ngày càng nhanh mà hiện nay đã trở thành mối đe dọa thách thức vị thế của Mỹ trong thế kỷ 21, lớn hơn nhiều so với các tổ chức Hồi giáo cực đoan bạo lực.

Mối quan tâm đến “cuộc chiến chống khủng bố” dường như cũng suy giảm dần khi sự chú ý chuyển hướng sang Trung Quốc, Andrew Bacevich, nhà sử học và là người đồng sáng lập Quỹ Quincy về Nghệ thuật lãnh đạo đất nước nhận định về sự thay đổi mạnh mẽ này.

Quân đội Mỹ trên máy bay vận tải C-17 trên đường tới Afghanistan vào tháng 4/2010. Ảnh: New York Times

“Mỹ đã dịch chuyển những ưu tiên của mình từ đối phó với các nhóm khủng bố ở nước ngoài sang đối phó với Trung Quốc trước tiên, sau đó là Nga và Iran”, nhà quan sát Seth Jones bình luận.

Chuyên gia này cũng cho biết: “Đã có một cuộc tranh luận lớn trong cộng đồng tình báo Mỹ về việc liệu có nên tiếp tục dịch chuyển khỏi nhiệm vụ chống khủng bố hay không, cả trong việc thu thập thông tin tình báo lẫn việc nhắm vào các mục tiêu của Al-Qaeda và IS”.

Elie Tenenbaum, học giả nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp nhận định: “Về mặt chiến dịch và chiến lược, cuộc chiến chống khủng bố năm 2001 – 2002 phần nào đạt được mục tiêu của nó. Al-Qaeda đã suy yếu nghiêm trọng và không thể tiến hành bất kỳ cuộc tấn công nào với quy mô tương tự vụ 11/9”.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, trên thế giới, những kẻ Hồi giáo cực đoan đã tăng gấp 3 lần so với năm 2001 và số vụ tấn công cũng như số nạn nhân cũng tăng gấp 3 lần.

Quay lại năm 2001, việc sử dụng vũ lực gần như đạt được sự nhất trí trong Quốc hội sau ngày 11/9 khi Tổng thống Bush tuyên bố, “hoặc các bạn đứng về phía chúng tôi, hoặc các bạn đứng về những kẻ khủng bố”. Điều này đã làm gia tăng ngân sách quốc phòng nhằm giúp Mỹ phát triển công nghệ máy bay không người lái và đưa nước này trở thành quốc gia duy nhất có khả năng tấn công gần như mọi nơi trên thế giới. Chiến lược này có hiệu quả hay không? Câu trả lời là có. Mỹ đã tránh được những cuộc tấn công khủng bố khác, trùm khủng bố Osama bin Laden đã bị tiêu diệt ở Pakistan và Afghanistan đạt được một số tiến bộ xã hội, trong đó có những tiến triển về quyền của phụ nữ.

Dù vậy, những cuộc chiến này đã khiến hơn 800.000 người thiệt mạng, nhiều nhất là dân thường Iraq và Afghanistan trong khi Mỹ tốn kém hơn 6.400 tỷ USD, nghiên cứu của Đại học Brown cho biết cuối năm 2019. Trên quy mô toàn cầu, các cuộc tấn công khủng bố không chấm dứt mà tăng mạnh kể từ sau vụ 11/9.

Thậm chí, ngay cả khi Mỹ và phương Tây rút quân khỏi Afghanistan, chấm dứt sứ mệnh 20 năm “hao người tốn của” thì cuộc chiến chống khủng bố vẫn chưa đi đến hồi kết.

Ngày 26/8/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đứng ở Phòng Đông của Nhà Trắng, nhìn thẳng vào camera và dõng dạc tuyên bố: “Với những kẻ tiến hành cuộc tấn công này cũng như bất kỳ kẻ nào muốn làm tổn hại nước Mỹ, hãy nhớ điều này: Chúng tôi sẽ không tha thứ. Chúng tôi sẽ không quên. Chúng tôi sẽ săn lùng và khiến các người phải trả giá”.

Những bình luận của Tổng thống Biden được đưa ra sau vụ đánh bom do nhóm khủng bố có tên là IS-K thực hiện, khiến nhiều người Afghanistan, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em cùng ít nhất 13 binh lính Mỹ thiệt mạng tại sân bay Kabul. Đây là một cuộc tấn công đẫm máu được tiến hành bởi một nhóm khủng bố được biết tới với quan điểm cứng rắn và những cách thức tấn công nguy hiểm. Điều này cũng cho thấy những vấn đề lớn hơn, vượt ngoài cuộc rút quân hỗn loạn của phương Tây khỏi Afghanistan.Khói bốc lên từ sân bay Kabul sau cuộc đánh bom liều chết ngày 26/8. Nguồn: Reuters

Bất chấp những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Biden hay khả năng quân sự vượt trội của Mỹ, cuộc tấn công liều chết gần đây này đã một lần nữa cho thấy, một nhóm khủng bố tương đối nhỏ có thể dễ dàng gây nên thương vong như thế nào. 20 năm hành động quân sự của Mỹ và các đối tác quốc tế, với mục tiêu loại bỏ chủ nghĩa khủng bố đã khiến Al-Qaeda và IS chịu tổn thất nặng nề, tiêu diệt nhiều tay súng và lãnh đạo của các tổ chức này, cũng như ngăn cản chúng mở rộng lãnh thổ hay tiến hành các cuộc tấn công vào các nước phương Tây. Tuy nhiên, cả hai lực lượng này đều cho thấy khả năng thích nghi của mình khi biến thành nhiều tổ chức phân nhỏ hơn với những nhánh như IS-K. Trước những đe dọa của Tổng thống Biden, dường như IS-K sẽ không sớm lùi bước.

Tại Afghanistan, những cuộc tấn công trên cũng cho thấy viễn cảnh của một vòng xoáy bạo lực mới sắp bùng phát ở nước này. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc hồi tháng 6, trong khi “Taliban và Al-Qaeda vẫn giữ sự liên hệ chặt chẽ và không có dấu hiệu sẽ cắt đứt mối quan hệ này” thì Taliban và IS-K là kẻ thù của nhau trong cuộc cạnh tranh lấp đầy khoảng trống quyền lực tại nhiều khu vực của Afghanistan.

Ngoài ra, mặc dù Al-Qaeda và IS đều không có phương tiện để tiến hành các cuộc tấn công vào phương Tây trong tương lai gần như cuộc khủng bố ở Paris ngày 13/11/2017 mà IS đã đứng ra nhận trách nhiệm, nhưng cảnh sát và các cơ quan tình báo đang đối mặt với những kẻ gọi là “những con sói đơn độc” và các nhóm phiến quân biệt lập khác, thường là những kẻ tuyên truyền cực đoan trên internet hay những kẻ tấn công người khác bằng dao, súng hoặc các phương tiện đi lại.

Rõ ràng, việc khởi đầu một cuộc chiến bao giờ cũng dễ dàng hơn việc chấm dứt nó và chúng ta có thể phải chấp nhận một thực tế rằng, đây có thể là cuộc chiến không có hồi kết khi “bóng ma” khủng bố đã len lỏi khắp thế giới./.

(Nguồn: VOV)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil