4 cách Nga xây ‘pháo đài kinh tế’ chống trừng phạt
Kinh tế thế giới
author23/04/2022 16:04

Vài tuần qua, ông Putin dành thời gian đáng kể để trấn an dư luận rằng các lệnh trừng phạt gây tổn hại cho chính phương Tây hơn là Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang chuẩn bị cho đất nước của mình chặng đường thích ứng dài hạn. “Phương Tây không có ý định rút các chính sách gây áp lực kinh tế lên Nga”, ông nhận định với các lãnh đạo hàng không nước này gần đây. Vì vậy, nền kinh tế Nga cần “lập kế hoạch dài hạn dựa trên các cơ hội bên trong”.

Chính sách tự lực cánh sinh của ông Putin là điều có thể đoán trước được. Kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, nước này đã chuẩn bị các biện pháp ứng phó với việc phương Tây gia tăng trừng phạt. Chiến lược đó được mệnh danh là “Pháo đài nước Nga”.

Tuy nhiên, quy mô của cuộc “phản công” kinh tế do phương Tây tiến hành kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu từ 24/2, cùng với làn sóng gia tăng các công ty cắt đứt kinh doanh với Nga để đề phòng rủi ro về uy tín hoặc các lệnh trừng phạt trong tương lai, thực sự là một cú sốc.

“Không ai dự đoán được phương Tây có thể đưa ra những biện pháp trừng phạt đến thế này”, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thừa nhận vào tháng 3, khi đề cập đến việc Nga bị đóng băng một nửa trong số 600 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Nga cho biết họ sẽ thách thức các biện pháp trừng phạt đối với dự trữ ngoại hối của mình trước tòa. Nước này cũng dọa kiện nếu vỡ nợ do đóng băng tài sản.

Cùng với đó, đây là một số cách mà các công ty, ngành công nghiệp và các quan chức Nga đang xoay sở để nền kinh tế Nga bình thường nhất có thể, theo CNN.

Thiết kế lại chuỗi cung ứng sản xuất


Dây chuyền lắp ráp của nhà máy ôtô LADA Izhevsk, ở Izhevsk, Nga ngày 22/2. Ảnh: Reuters

Thương hiệu xe hơi nội địa Lada mang tính biểu tượng của Nga từ thời Liên Xô phụ thuộc rất nhiều vào các bộ phận nhập khẩu. Avtovaz, công ty sản xuất nó, thuộc sở hữu của nhà sản xuất ôtô Pháp Renault. Vấn đề là các công ty ôtô của nước này cùng sử dụng một hệ thống nhà cung cấp phụ tùng duy nhất, theo Evgeny Eskov, Tổng biên tập tạp chí ôtô Auto Business Review của Nga.

Vào ngày 24/3, trước thông tin Renault sắp rút lui khỏi thị trường Nga, Avtovaz tiết lộ hãng đang phải nhanh chóng thiết kế lại một số mẫu xe để họ bớt phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu.

Công ty không nói rõ chi tiết về kế hoạch này, nhưng cho biết chúng sẽ dần hoàn thiện trong những tháng tới. Theo công ty, những mẫu xe được thiết kế lại sẽ là phiên bản đơn giản hơn của những chiếc xe hiện tại, không có các tính năng bổ sung như ABS (hệ thống chống bó cứng phanh – một trong những hệ thống an toàn chủ động trên ôtô).

Thu hút người dùng mạng xã hội trong nước

Cho đến gần đây, Instagram là mạng xã hội hàng đầu ở Nga tính theo lượng người dùng hàng tháng, theo công ty phân tích mạng xã hội Brand Analytics. Vkontakte – phiên bản nội địa của Facebook ở Nga, đứng thứ hai.

Sau khi khủng hoảng Ukraine nổ ra, cơ quan quản lý truyền thông của Nga cắt quyền truy cập vào Facebook và Instagram vào tháng trước. Chớp thời cơ, Vkontakte tìm mọi cách để thu hút những nhà sáng tạo nội dung.

Công ty đưa ra chính sách tính trước hoa hồng cho các nội dung kiếm tiền nào cho đến cuối tháng 4 và cung cấp quảng cáo miễn phí cho bất kỳ nhà sáng tạo nội dung nào chuyển từ nền tảng khác đến, hoặc kích hoạt trang của họ kể từ ngày 1/3. Họ còn tung ra các hướng dẫn khởi động kinh doanh trên Vkontakte.

Dữ liệu riêng của Vkontakte cho thấy điều này đã mang lại hiệu quả. Người dùng hàng tháng của họ đạt kỷ lục hơn 100 triệu vào tháng 3. Theo Brand Analytics, Instagram đã mất gần một nửa số người dùng nói tiếng Nga thường xuyên từ ngày 24/2 đến ngày 6/4.

Tất nhiên, nhiều người dùng Instagram tại Nga vẫn đang hoạt động trên nền tảng này bằng cách sử dụng VPN. Olga Levakova, Chủ một doanh nghiệp bán vải thủ công cao cấp theo phong cách Nga cho biết sau “cú sốc” và “hoảng sợ” ban đầu khi Instagram bị cấm, cô vẫn tiếp tục sử dụng nền tảng này thông qua VPN để tiếp cận hầu hết khách hàng nước ngoài.

Levakova từng cân nhắc đóng cửa trang Instagram sau khi nó bị ngập trong những bình luận và thông điệp phản chiến. Tuy nhiên, các đơn đặt hàng vẫn đến, và cô cho rằng còn quá sớm để biết liệu công việc kinh doanh bị ảnh hưởng hay không.

Phát triển thị trường thẻ tín dụng nội địa


Hệ thống Mir ra mắt năm 2015. Ảnh: Zuma Press

Nga đã chuẩn bị cho sự cô lập về tài chính kể từ khi một số ngân hàng lớn nhất của họ bị trừng phạt sau vụ sáp nhập Crimea. Nhờ vậy, hệ thống thẻ thanh toán quốc gia và hệ thống thẻ ngân hàng, được gọi là “Mir”, đã phát triển theo cấp số nhân.

Theo ngân hàng trung ương Nga, hơn 113 triệu thẻ Mir đã được phát hành vào năm 2021, tăng từ tổng số 1,76 triệu vào cuối năm 2016. Năm ngoái, khoảng một phần tư lượng thanh toán qua thẻ ở Nga được thực hiện bằng thẻ Mir.

Theo các chuyên gia, sự tăng trưởng này một phần do Nga tạo ra. “Họ không làm cho nó hấp dẫn lắm với những người Nga bình thường trước chiến sự. Thay vào đó, chính phủ bắt buộc nhân viên khu vực công, người hưu trí và bất kỳ ai nhận trợ cấp phải sử dụng thẻ Mir”, Maria Shagina, Thành viên cấp cao tại Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan, cho biết.

Điều đó có nghĩa là khi Visa và Mastercard thông báo vào đầu tháng 3 rằng họ sẽ ngừng các giao dịch và hoạt động ở Nga, thì đã có một giải pháp thay thế. Nhưng Mir có hạn chế là chỉ hoạt động ở Nga và một số nước khác, chủ yếu thuộc khối Liên Xô cũ.

Việc thiếu phạm vi tiếp cận toàn cầu cũng cản trở nỗ lực của Nga trong việc xây dựng một giải pháp thay thế cho hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Phiên bản riêng của họ, được gọi là SPFS, mới có 400 đơn vị tham gia vào năm ngoái, so với 11.000 của SWIFT. “Hiệu ứng mạng không có vì những đơn vị nước ngoài không muốn tham gia”, Shagina nói.

Tạo thêm việc làm trong khu vực công

Theo Elina Ribakova, Phó kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế ở Washington, thất nghiệp hàng loạt vẫn chưa xuất hiện ở Nga. Đây vốn là một trong những điều mà Điện Kremlin lo ngại nhất, vì nó có khả năng thúc đẩy bất đồng chính kiến.

“Họ càng kiềm chế các cuộc biểu tình, tôi càng hiểu rằng họ đang lo lắng về tình trạng thất nghiệp”, bà nói. Hơn 15.000 người đã bị bắt ở Nga trong những tuần đầu của cuộc xung đột vì tham gia vào các cuộc biểu tình chống chiến tranh.

Thành phố Moskva đang cố gắng giải quyết vấn đề thất nghiệp tiềm ẩn bằng chương trình đào tạo lại và thuê những người từng làm việc tại các công ty phương Tây đã ngừng hoạt động. Thị trưởng Moslva Sergey Sobyanin ước tính có tới 200.000 việc làm đang gặp rủi ro.

Giải pháp của ông là cung cấp cho những người lao động này một thứ gì đó “hữu ích” để làm. Một số vị trí hành chính công được đề xuất như quản lý hồ sơ hộ tịch, làm việc tại một trong những công viên của thành phố hoặc tại các trung tâm y tế tạm thời mới bắt đầu thành lập gần đây. Chính quyền thành phố dành ra 41 triệu USD để tạo ra những công việc này và đào tạo lại người lao động.

Đối với những người Nga đã xây dựng sự nghiệp tại McKinsey hoặc Goldman Sachs trước khủng hoảng thì đây sẽ là một thay đổi đột ngột. Nhưng Ribakova nói rằng sẽ không tệ đến vậy. Bà tin rằng phần lớn lao động cấp quản lý đó sẽ rời khỏi Nga.

Cho đến nay, Nga đã xoay xở để chống lại các lệnh trừng phạt ban đầu với hệ thống tài chính không bị sụp đổ. Điều đó phần lớn nhờ vào việc ngân hàng trung ương đã ngay lập tức tăng lãi suất lên 20%, trước khi hạ xuống 17%, và áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt.

Nhưng điều này không có nghĩa là Nga đã qua giai đoạn thách thức nhất. Theo IMF, nền kinh tế này có thể giảm 8,5% trong năm nay. Sự sụp đổ có thể còn lớn hơn nếu châu Âu cấm nhập khẩu dầu của họ. Lạm phát đang ở mức 17,5%, điều mà ngay cả ông Putin cũng thừa nhận gây tổn hại cho người dân.

Một rủi ro chính khác, theo các chuyên gia, là sự phụ thuộc của Nga vào các sản phẩm nhập khẩu trong khi nhiều sản phẩm đang bị trừng phạt. Giải quyết nguồn cung này có thể còn khó hơn việc điều hành vĩ mô đối với Điện Kremlin.

“Tôi có cảm giác rằng giới chức Nga sẽ rẽ vào các ngõ ngách đang có quái vật ẩn mình. Và họ không biết chính xác khi nào con quái vật đó sẽ tấn công.”, Ribakova nói.

(Nguồn: Vnexpress)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil