Nhật tranh cãi vì cấm nữ sinh buộc tóc đuôi ngựa
GIẢI TRÍ, Văn hóa và du lịch
author15/03/2022 10:19

Các trường ở Nhật gây tranh cãi khi tiếp tục duy trì lệnh cấm nữ sinh buộc tóc đuôi ngựa vì cho rằng phần gáy lộ ra “có thể kích thích ham muốn” của nam sinh.

Quy định cấm nữ sinh buộc tóc đuôi ngựa gây chú ý tại Nhật gần đây sau khi Motoki Sugiyama, cựu giáo viên cấp hai, lên tiếng phản đối. Sugiyama cho rằng cấm học sinh buộc tóc đuôi ngựa tương tự quy định nữ sinh nên mặc nội y trắng nhằm tránh bị lộ qua lớp đồng phục.

“Tôi luôn phản đối những quy tắc này. Nhưng do thiếu chỉ trích, điều này đã trở nên quá bình thường, các em học sinh không còn cách nào khác ngoài tuân thủ”, thầy Sugiyama chia sẻ.

Một cuộc khảo sát năm 2020, do Hiệp hội luật sư Fukuoka thực hiện, cho thấy khoảng 10% các trường tại khu vực miền nam Nhật Bản áp dụng quy định cấm buộc tóc đuôi ngựa.

Sugiyama từng dạy ở 5 trường khác nhau trong 11 năm tại thành phố Shizuoka, cách Tokyo khoảng 150 km về phía tây nam. Thầy cho biết tất cả các trường đều cấm để tóc đuôi ngựa. Sugiyama đã nhiều lần lên án, kêu gọi các trường học khai tử các quy tắc cũ kỹ, phân biệt giới tính, hạn chế học sinh thể hiện bản thân.

Các nữ sinh trên đường phố Kyoto, Nhật Bản. Ảnh: AFP.

Hồi tháng 6, trước sự phản đối kịch liệt của học sinh và phụ huynh, chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu tất cả các hội đồng giáo dục trực thuộc sửa đổi những quy định hà khắc. Một số trường đã hành động, nhưng tư tưởng kéo dài hàng thập kỷ không thể thay đổi nhanh chóng.

Cấm buộc tóc đuôi ngựa chỉ là một trong nhiều quy định được gọi là “buraku kousoku” (hắc nội quy), rất phổ biến tại các trường học Nhật Bản. “Buraku kousoku” bao gồm các quy định màu sắc nội y, tất, chiều dài váy, và cả hình dáng lông mày của nữ sinh. Quy định màu tóc cũng gây nhiều tranh cãi khi một số trường học yêu cầu học sinh phải có ảnh bằng chứng về màu tóc tự nhiên của mình nếu để tóc không “đen và thẳng” đến trường.
Sugiyama cho biết học sinh hiếm khi được giải thích về những quy tắc. Thầy cho rằng những nội quy này có phần không thỏa đáng bởi các trường cấm buộc tóc đuôi ngựa nhưng lại cho phép để kiểu tóc bob, kiểu tóc cũng lộ phần cổ.

Thuật ngữ “buraku kousoku” xuất hiện từ những năm 1870 khi chính phủ Nhật Bản thiết lập quy chế giáo dục có hệ thống đầu tiên và ngày càng trở nên nghiêm ngặt vào những năm 70, 80 nhằm giảm thiểu tình trạng bắt nạt và bạo lực trường học.

Asao Naito, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Meiji, nhận định “buraku kousoku” khác nhau giữa các trường học và từng thế hệ, nhưng mục đích đều giống nhau. Đó là không ai được nổi bật.

Naito nhớ lại thời tiểu học và trung học của ông cách đây khoảng 40 năm, khi nhiều nữ sinh bất hảo (sukeban) thường mặc váy dài. “Vì lý do đó, váy dài đã bị cấm và quy định ngắn lại. Nhưng hiện nay, các trường học không cho phép mặc váy ngắn và đang cố kéo dài chúng”, Naito chia sẻ.

Những người phản đối nói rằng các quy định khiến học sinh Nhật Bản có suy nghĩ rằng cơ thể mình cũng phải chịu kiểm soát. “Giới tính đã không còn mang tính cá nhân, mà trở thành một thứ bị áp đặt”, phó giáo sư Naito nhận định.

Thầy Sugiyama cho biết liên tục nhận được khiếu nại từ học sinh rằng nhà trường luôn phớt lờ yêu cầu của chính phủ Nhật Bản về thay đổi nội quy. “Nhiều trường thường bỏ qua những thông báo không ràng buộc về mặt pháp lý hoặc không có hình phạt đi kèm”, Sugiyama chia sẻ.

Trước làn sóng phản đối, một vài trường đã hành động. Đại diện trường cấp 2 Hosoyama, miền nam tỉnh Kagoshima, cho biết nhà trường đã tiến hành thay đổi các quy định đồng phục vào năm ngoái sau khi nhận được phàn nàn từ học sinh.

“Dù tóc đuôi ngựa, thắt bím vẫn bị cấm, nhưng nội y học sinh không bắt buộc phải là màu trắng nữa”, đại diện trường khẳng định.

(Nguồn: Vnexpress)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil