Bệnh nhân nhiễm botulinum đã quá thời gian vàng giải độc
Tin tức, Tin Việt Nam
author25/05/2023 16:36

Dù có thuốc giải độc, các bệnh nhân nhiễm botulinum đã quá thời gian “vàng” để sử dụng, theo các chuyên gia.

Thông tin trên cũng được một lãnh đạo Sở Y tế TP HCM xác nhận chiều 25/5.

Còn đại diện khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, người tham gia cuộc hội chẩn tối 24/5 cùng Bệnh viện Chợ Rẫy, nói một số ý kiến nhận định thuốc giải độc hiện không giúp ích cho bệnh nhân.

Ông cho biết thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) được khuyến cáo dùng càng sớm càng tốt, ngay khi bệnh nhân phát hiện bị nhiễm độc. Dùng càng chậm thì hiệu quả càng kém, chưa kể bệnh nhân đã thở máy được 10 ngày.

Thuốc giải độc tố botulinum (BAT – Botulism Antitoxin Heptavalent), giá 8.000 USD/lọ, rất hiếm ở Việt Nam. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Tương tự, Cơ quan y tế công cộng New South Wales, Australia, khuyến cáo thuốc BAT không nên dùng cho người bệnh sau 72 giờ nhiễm độc. Cơ quan này cho rằng các trường hợp nhiễm botulinum nên được sử dụng thuốc khẩn cấp. Việc truyền ngay lập tức sẽ ngăn chặn tình trạng liệt của bệnh nhân, là chìa khóa để điều trị thành công.

Trước đó, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng cho rằng người ngộ độc botulinum sử dụng thuốc giải độc sớm thì chỉ 48 đến 72 tiếng là có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt, không phải thở máy. Hoặc, bệnh nhân bắt đầu thở máy 1-2 ngày sau khi ngộ độc mà được dùng thuốc thì trung bình 5-7 ngày là có thể hồi phục và cai máy thở, tập vật lý trị liệu để trở lại sinh hoạt bình thường.

Tuy nhiên, do không có thuốc giải độc, các bác sĩ chỉ có thể điều trị hỗ trợ, chủ yếu nuôi dưỡng và cho bệnh nhân thở máy.

“Trước đây chưa có hỗ trợ về máy thở, xâm lấn đường hô hấp, bệnh nhân rất dễ tử vong”, bác sĩ Hùng nói, thêm rằng ngày nay có thể điều trị bằng phương tiện hỗ trợ như thở máy, nhưng kết quả không tốt như sử dụng thuốc giải. Ngoài ra, bệnh nhân thở máy kéo dài có thể dẫn đến nhiễm trùng thứ phát, suy dinh dưỡng.

Hiện Bệnh viện Chợ Rẫy từ chối trả lời vấn đề này, cũng không cho biết tình trạng sức khỏe các bệnh nhân. Còn Bộ Y tế đã đưa ra phác đồ điều trị trong trường hợp có và không có thuốc giải độc BAT.

Từ ngày 13/5 đến nay, lần lượt 6 người ở TP Thủ Đức ngộ độc botulinum do ăn giò lụa bán dạo và một người nghi do ăn mắm. Trong đó, ba em bé 10-14 tuổi được dùng thuốc giải độc, điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, hiện diễn tiến cải thiện. Ba ca còn lại chỉ được điều trị hỗ trợ vì cả nước cạn thuốc giải độc.

Tối qua, 6 lọ thuốc BAT được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gửi từ kho tại Thụy Sĩ và đã về đến TP HCM. Tuy nhiên một bệnh nhân không may tử vong trước khi kịp truyền thuốc giải.

Botulinum là loại độc tố thần kinh cực mạnh, sinh ra bởi vi khuẩn yếm khí – loại vi khuẩn ưa môi trường kín như thức ăn đóng hộp, hoặc môi trường thực phẩm không đủ tiêu chuẩn kiềm chế vi khuẩn phát triển.

Triệu chứng nhiễm độc là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Cuối cùng, bệnh nhân khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp. Các dấu hiệu này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên ăn chín uống sôi, chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng và an toàn. Thận trọng với thực phẩm đóng kín có mùi vị hoặc màu sắc thay đổi, đồ hộp bị phồng, hở.

(Nguồn: Vnexpress)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil