Bị Mỹ cho “ra rìa”, EU đối mặt với “cơn đau đầu” chiến lược trong quan hệ với Trung Quốc
Tin thế giới, Tin tức
author17/09/2021 09:21

Bị Mỹ cho “ra rìa”, Australia “đâm sau lưng”, EU đang đối mặt với “cơn đau đầu” không mấy dễ chịu trong việc cân bằng các mối quan hệ giữa đối tác và đồng minh, trong và ngoài khối, quyền lực cứng và quyền lực mềm, tham vọng và khả năng.

“Cú đâm sau lưng”

Thông báo bất ngờ về việc Mỹ, Anh và Australia ký kết một thỏa thuận quốc phòng nhằm thúc đẩy nỗ lực đối phó với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã làm dấy lên nhiều cảm xúc. Tại châu Âu, thỏa thuận này đã khiến chính phủ Pháp giận dữ và các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cảm thấy bối rối về việc khối này nên làm gì với Trung Quốc.

Tổng thống Biden trong cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Australia Scott Morrison (trái) và Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) tại phòng Đông của Nhà Trắng ngày 15/9/2021. (Nguồn: CNN)

Thỏa thuận quốc phòng được công bố ngày 15/9 (giờ Mỹ), sẽ chứng kiến Mỹ và Anh cử các đội ngũ kỹ thuật tới Australia để hỗ trợ nước này chế tạo tàu ngầm hạt nhân. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chính phủ Australia đã hủy hợp đồng hàng tỷ USD mua tàu ngầm không chạy bằng năng lượng hạt nhân với một nhà sản xuất của Pháp.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã gọi thỏa thuận này là “một cú đâm sau lưng thực sự” từ Australia. Ông cũng chỉ trích Tổng thống Mỹ Joe Biden khi cho rằng việc thông báo đột ngột về thỏa thuận trên mà không tham vấn các đồng minh khác là “một quyết định đơn phương và tàn bạo”, điều mà “không khác là bao so với những gì cựu Tổng thống Trump từng làm”.

Thỏa thuận địa chính trị mới giữa Mỹ, Anh và Australia (hay còn gọi là AUKUS) đã cho thấy một “cơn đau đầu” chiến lược mà EU phải đối mặt. Giới chức EU nhận định với CNN rằng, thời điểm thông báo AUKUS được coi là rất mập mờ bởi đại diện cấp cao EU về đối ngoại dự kiến thông báo về chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của khối này vào chiều 16/9.

Theo một cách hiểu lạc quan nhất thì thỏa thuận trên có phần khiếm nhã và đột ngột với EU nhưng theo cách hiểu không mong muốn nhất, điều đó cho thấy, bất chấp những tham vọng toàn cầu của Brussels, EU vẫn không được xem xét nghiêm túc như một nhân tố địa chính trị quan trọng.

Dù là theo cách nào, EU đều cảm thấy bị xúc phạm. Một quan chức cấp cao EU nhận định rằng, những quốc gia trong thỏa thuận trên đều “rất quyết liệt” trong việc hình thành một liên minh “chống lại Trung Quốc”.

Trong khi đó, chiến lược của EU với Trung Quốc có một điểm khác biệt cơ bản so với Mỹ. Đó là EU chủ động tìm kiếm sự hợp tác với Trung Quốc, cũng như coi Bắc Kinh là một đối tác kinh tế và đối tác chiến lược.

Giới chức EU tin rằng, bằng cách làm ăn và làm việc với Trung Quốc, EU không chỉ có thể thuyết phục Trung Quốc thay đổi các vấn đề về nhân quyền và chính sách năng lượng mà còn sử dụng mối quan hệ tốt đẹp này với Bắc Kinh như một vùng đệm giữa Bắc Kinh và Washington, từ đó giúp EU có một vai trò địa chính trị quan trọng và rõ ràng.

Dù vậy, theo quan điểm của một số quan chức EU, thỏa thuận AUKUS đã hủy hoại bất kỳ nhận định nào cho rằng Brussels đã duy trì được sự hiện diện mang tầm ảnh hưởng trên thế giới.

“Thực tế là việc Mỹ sẵn sàng dành nhiều sự đầu tư mang tính chính trị vào mối quan hệ an ninh và quốc phòng với Anh và Australia trước khi tiến tới với EU đang ngày càng trở nên rõ ràng”, Velina Tchakarova, giám đốc Viện nghiên cứu của Australia về châu Âu và Chính sách An ninh nhận định.

Chuyên gia này cũng cho rằng bất chấp nhiều tiến triển trong việc hiểu về tầm quan trọng của khu vực này, “rõ ràng trước tiên EU phải trở thành một nhân tố đóng góp vào an ninh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thì mới được các đối tác trên coi trọng”.

EU có thể làm gì?

Đây là một câu hỏi có giá trị hàng triệu USD và là nguồn cơn cho nhiều bất đồng giữa các thành viên của EU. Hiện chưa có sự nhất trí về việc quốc phòng châu Âu là gì hoặc nên tổ chức như thế nào. Pháp – một cường quốc quân sự trong khối đang thúc đẩy chính sách quốc phòng hợp tác nhằm đem đến cho khối này những khả năng thực sự.

Một quan chức EU nhận định với CNN rằng, những diễn biến gần đây ở Afghanistan và thông báo về AUKUS chỉ càng củng cố hơn lập trường của Pháp về việc EU cần có khả năng tự bảo vệ các lợi ích của mình và xây dựng sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, Pháp thực sự lại là một “người ngoài cuộc” trong vấn đề này.

“Khi tôi nghe Tổng thống Macron và đội ngũ của ông ấy nói về quân đội thường trực, tôi không nghĩ điều đó có thể xảy ra. Các nhà lãnh đạo của từng quốc gia sẽ phải cử quân đội của họ tham gia chiến đấu. Khi đó EU sẽ không phải là bên bị đổ lỗi khi thương vong xảy ra”, một quan chức EU nhận định.

Các nhà ngoại giao và quan chức EU cũng xem xét khả năng các quốc gia thành viên sẽ hợp tác với nhau theo một quy trình hiệu quả hơn, tức là mỗi quốc gia sẽ mua một số trang thiết bị nào đó để tăng cường sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, họ vẫn vạch ra ranh giới về việc triển khai quân đội.

“Các quốc gia trung lập như Áo, Ireland, Phần Lan và Thụy Điển sẽ không bao giờ thoải mái về việc triển khai quân đội tới những khu vực xung đột. Những gì chúng ta có thể thực hiện với các đối tác EU là những hoạt động như huấn luyện quân đội ở các nước thứ ba và gìn giữ hòa bình ở biên giới”, một nhà ngoại giao EU nhận định.

Steven Blockmans, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách châu Âu giải thích, khi chiến lược quốc phòng của châu Âu phát triển, việc này sẽ dựa vào những hành động hợp tác ở quy mô nhỏ hơn so với ý tưởng của Pháp.

“Một quốc gia thành viên lớn khác là Đức luôn có qua điểm rõ ràng rằng, bất kỳ chính sách hợp tác nào, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh đều cần sự bao trùm lớn nhất có thể và có sự nhất trí của 27 thành viên”, chuyên gia Blockmans cho hay.

“Thông báo về AUKUS vì vậy đã buộc Pháp phải nghĩ lại về mối quan hệ quốc phòng với các nước trên và hợp tác chặt chẽ hơn với các nước thành viên để tăng mức độ tham vọng trong hợp tác quốc phòng của châu Âu”.

Việc nghĩ lại về chính sách quốc phòng cũng là một bài học đối với những nhà hoạch định chính sách về chiến lược đối ngoại tiếp theo của châu Âu.

Chuyên gia Tchakarova đánh giá, những nước lớn của châu Âu cần đưa ra những quyết định khó khăn về việc họ muốn tách biệt ở mức độ nào với “đối tác xuyên Đại Tây Dương quan trọng nhất trong hướng tiếp cận với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và đặc biệt là với Trung Quốc”.

Chuyên gia này cũng nhận định khi cạnh tranh Mỹ – Trung về quyền lực mềm ngày càng gia tăng, “kế hoạch nước đôi của Brussels trong mối quan hệ với Washington và Bắc Kinh sẽ không hiệu quả về dài hạn” nếu những quốc gia như Pháp và Đức muốn thắt chặt quan hệ với các đồng minh Mỹ, Anh và Australia.

EU đã dành nhiều năm nghĩ lại về một kế hoạch phức tạp nhằm cân bằng trong mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc cũng như củng cố quyền lực mềm. Tuy nhiên, thỏa thuận AUKUS, vốn dựa vào quyền lực cứng truyền thống, đã thay đổi điều đó.

Dù các quan chức EU cố gắng như thế nào để tách biệt việc này với những tham vọng to lớn trong những năm tới thì quyết định của Tổng thống Biden khi làm việc với các đồng minh truyền thống sử dụng quyền lực cứng trong một vấn đề lớn như vậy đã cho thấy một câu chuyện rõ ràng về việc quyền lực địa chính trị sẽ nằm ở đâu trong những năm tới.

Trong khi EU nắm giữ quyền lực lớn về kinh tế thì những sự kiện trong 24 giờ qua là một lời nhắc nhở không mấy thoải mái rằng, trong những lĩnh vực nhất định, Brussels vẫn còn một chặng đường dài nếu muốn cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc mà không bị chèn ép.

(Nguồn: VOV)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil