Biến thể Omicron và căng thẳng với Nga chi phối Thượng đỉnh EU
Tin thế giới
author16/12/2021 09:48
Các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu – EU ngày hôm nay bắt đầu phiên họp Thượng đỉnh 2 ngày tại Brussels với các chủ đề chính là ứng phó với Covid-19 và quan hệ căng thẳng với Nga xoay quanh vấn đề Ukraine.

Gần 2 năm sau thời điểm Covid-19 bùng phát ở châu Âu, cuộc chiến chống đại dịch vẫn tiếp tục là trọng tâm thảo luận của các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên EU trong phiên họp Thượng đỉnh cuối cùng của năm 2021. Trong lá thư mời nguyên thủ các nước dự Thượng đỉnh hai ngày 16/12 và 17/12 tại Brussels, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh, Covid-19 sẽ chiếm phần lớn thời gian thảo luận tại Thượng đỉnh EU trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan với tốc độ báo động tại nhiều nước châu Âu. 

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cũng đã đưa ra thông tin bi quan rằng, biến thể Omicron sẽ chiếm ưu thế tại châu Âu ngay trong nửa sau tháng 01/2022 khi số ca nhiễm biến thể Omicron tại một số nước tăng gấp đôi chỉ sau 2-3 ngày. Ngoài ra, số ca nhiễm do biến thể Delta gây ra cũng đang bùng phát ở rất nhiều quốc gia như Pháp, Đức, gây lo ngại hệ thống y tế các nước sẽ đứng trước nguy cơ quá tải trong dịp lễ cuối năm.

Nhằm đối phó với tình hình hiện nay, tại thượng đỉnh EU, các nhà lãnh đạo EU sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến dịch tiêm mũi vaccine tăng cường, coi đây là vũ khí lợi hại nhất để chống dịch. Các lãnh đạo EU cũng sẽ thảo luận đề xuất về việc sớm áp dụng việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 bắt buộc trên toàn bộ các nước EU từ đầu năm 2022. EU cũng sẽ đẩy mạnh cuộc chiến tuyên truyền, chống lại các thông tin sai lệch cũng như các thuyết âm mưu về vaccine Covid-19 hiện đang lan truyền rất mạnh trên các mạng xã hội tại châu Âu.

Sau Covid-19, chủ đề lớn thứ hai sẽ được các lãnh đạo EU tập trung thảo luận là căng thẳng trong quan hệ với Nga xoay quanh vấn đề Ukraine. Một ngày trước khi diễn ra Thượng đỉnh EU, các lãnh đạo khối cũng đã tổ chức Thượng đỉnh EU với các nước đối tác phía Đông, bao gồm 6 quốc gia thành viên cũ của Liên Xô trước đây. Tại Thượng đỉnh, EU tiếp tục đưa ra cam kết ủng hộ Ukraine, không chỉ trong quan hệ căng thẳng hiện nay với Nga mà còn về khả năng gia nhập Liên minh châu Âu trong tương lai. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cũng nhắc lại việc châu Âu đã sẵn sàng tất cả các biện pháp trừng phạt Nga nếu Nga tấn công quân sự Ukraine nhưng kêu gọi Nga giảm căng thẳng và tìm kiếm các giải pháp ngoại giao: “Hiện đã có cả một gói các trừng phạt liên quan đến các lĩnh vực năng lượng và tài chính sẵn sàng được sử dụng. Châu Âu sẽ đáp trả bất cứ sự tấn công nào bằng cách siết chặt và mở rộng các biện pháp trừng phạt hiện đang được áp dụng, cũng như sẵn sàng áp đặt thêm các biện pháp mới sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho Nga. Nhưng trên hết, chúng tôi kêu gọi Nga xuống thang và theo đuổi các kênh ngoại giao. Các xung đột cần được giải quyết một cách hòa bình”.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Nga, các lãnh đạo châu Âu cũng sẽ thảo luận chiến lược an ninh mới của châu Âu, dưới tên gọi “Strategic Compass”, trong đó trọng tâm là việc xây dựng một lực lượng phản ứng nhanh 5 ngàn quân của EU vào năm 2025, hoạt động độc lập với NATO và Mỹ. Dự kiến, tại Thượng đỉnh này, EU sẽ đưa ra các hướng dẫn chi tiết của chiến lược này.

Ngoài các chủ đề trên, một số vấn đề đáng chú ý khác như giá năng lượng tại châu Âu, quan hệ với Belarus, việc chuẩn bị cho Thượng đỉnh EU-châu Phi vào tháng 02/2022 cũng sẽ được bàn thảo. Hiện tại EU đang có kế hoạch cùng nhiều nước châu Phi lập Liên minh thịnh vượng và ổn định, thông qua việc chuyển giao các gói đầu tư cho châu Phi. 

Một chi tiết đáng chú ý khác là Thượng đỉnh EU lần này cũng sẽ đánh dấu lần đầu tiên Thủ tướng mới của Đức, ông Olaf Scholz tham dự trên cương vị nguyên thủ. Dự kiến, ông Olaf Scholz cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nước chuẩn bị giữ chức Chủ tịch luân phiên EU từ ngày 1/1/2022, sẽ đưa ra một số sáng kiến về giảm căng thẳng với Nga./.

(Nguồn: VOv)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil