Chợ Sapa tại Praha: ở đây đến thịt ba chỉ cũng ăn bằng đũa
CỘNG ĐỒNG, GIẢI TRÍ, Văn hóa và du lịch,
author22/06/2022 16:18

Những ai chưa bao giờ đến chợ Sapa chắc là chỉ biết đến nơi đó qua các bài viết trên báo chí là nơi phát hiện ra ma túy, hàng giả và thịt hỏng. Tuy nhiên nhiều người Séc rất yêu thích nơi này, họ còn tổ chức các buổi thăm quan cùng các hướng dẫn viên. Tôi cũng đã đăng ký tham gia và mong rằng sẽ hiểu hết được sự kỳ diệu của nơi được gọi là “Hà Nội Séc” này.

“Ở đây đúng là giống như ở Việt Nam,” người phụ nữ 38 tuổi tên là Klára đã khẳng định như vậy với tôi, cô ấy là nhân viên ngân hàng và chúng tôi cùng khoảng 10 người nữa đã lạc cả tiếng đồng hồ trong mê cung của các quầy hàng hình hộp bằng sắt, các quầy bán rong và các khu nhà bê tông. Quầy hàng nào trông càng tàn tạ thì các biển hiệu lại càng sặc sỡ.

Buổi trưa của ngày thứ bảy, tại chợ Sapa đã nhộn nhịp từ sáng sớm. Ô tô, xe chở hàng, xe máy, xe đạp và cả người đi bộ lạng lách nhau mà hoàn toàn không xảy ra va chạm nào. Và trong cái sự tưởng như là hỗn loạn đó người Việt nam và người Séc cùng hòa quyện một cách tự nhiên.

Chúng tôi đi qua hàng loạt dãy hàng treo quần áo như bất tận, chúng cho chúng tôi quay lại thời kỳ mà các cửa hàng của người Việt Nam có mặt hầu như trong tất cả các thành phố lớn. Klára so sánh Sapa với những chợ giống như vậy ở Việt Nam, cô ấy biết cô ấy đang nói gì. Bốn năm trước cô muốn thư giãn đầu óc nên đã vác ba lô và đến châu Á nửa năm.

“Tôi đã trải qua 2 tháng ở Việt Nam. Trong chợ trời thì không có quần áo, nhưng đồ ăn thì cũng được bán như ở đây”. Cô ấy đang nói đến các quầy hàng rong bán đồ ăn. “Tôi phải nói là rất khó tìm được món ăn mà bạn sẽ thích vì bạn sẽ không biết người ta sẽ mang ra cho bạn món gì.”
Điều đó sẽ không xảy ra trong Sapa. Trong sự hỗn loạn của các biển hiệu thì đối với chúng tôi một ngôn ngữ khó hiểu chiếm ưu thế, tuy nhiên chúng đều được dịch lại bằng tiếng Séc.

Thành phố nhỏ tại nhà máy chế biến thịt cũ

Chỉ vài ngày trước buổi thăm quan các báo đưa tin là hải quan đã thu một container chứa đầy hàng giả của một người bán hàng tại đây. Hồi tháng Hai thì Cơ quan quản lý thú y của Séc đã tìm thấy khoảng 300 cân thịt không rõ nguồn gốc.

Những bài báo như vậy hay xuất hiện thường xuyên, vì thế tôi đã hỏi Klára xem cô ấy nghĩ như thế nào. “Tất nhiên đó là một vấn đề, nhưng mà có thể nó đã được nhắc đến nhiều hơn một chút.” Cô ấy nghĩ như vậy và cho rằng ngoài kia cũng không tốt hơn Sapa là bao.

Cho đến những năm 90 của thế kỷ trước. Tại nơi giữa quận Libuš và Písnice của Praha là một nhà máy chế biến thịt và trại nuôi gà. Khi nhà máy đóng cửa, cộng đồng người Việt Nam đã nắm giữ khu vực này. Trước tiên họ đã xây dựng các cơ sở bán buôn quần áo và giầy dép, sau đó các nhà hàng, dịch vụ khác dần dần hình thành và cuối cùng đã lập ra một tiểu thành phố như hiện tại. Một thành phố với các dịch vụ như cắt tóc, mát xa, chi nhánh của các hãng bảo hiểm và các văn phòng môi giới du lịch, các trung tâm ngoại ngữ và hơn hết còn có một ngôi chùa nhỏ.

Toàn bộ nơi này mặc dù nằm tại giữa châu Âu nhưng vẫn đủ ngoại lai để thu hút những người Séc tò mò và ham mê ẩm thực. Những ai không thích lòng vòng mà muốn biết luôn những thứ tốt nhất có thể thuê hướng dẫn viên.

Hướng dẫn viên Marcela Vuong giới thiệu với chúng tôi một số loại trái cây lạ. Tên thường bị thiếu – bảng giá cũng vậy.

Cô hướng dẫn viên của chúng tôi tên là Marcela và là người Việt Nam thế hệ thứ 2, thường được gọi là người trẻ chuối – bên ngoài vàng, bên trong trắng. Bố mẹ của cô thuộc thế hệ đầu tiên sang Séc trong những năm 70. Họ cũng quen nhau ở bên này.

“Đó là một chương trình trao đổi và giúp đỡ giữa 2 nước xã hội chủ nghĩa. Các công nghệ và quy trình sản xuất từ Tiệp khắc được nhập về Việt nam và đổi lại người Việt nam có thể sang Tiệp.” Cô Marcela Vuong, 33 tuổi đã giải thích như vậy. Cô đã mở lớp dạy nấu các món ăn Việt Nam được 8 năm, sau này còn có thêm dịch vụ hướng dẫn viên thăm quan Sapa. Một chuyến thăm quan vào thứ bảy có giá là 900 korun và kéo dài 3 tiếng đồng hồ.

Đừng tìm bảng giá

Cô hướng dẫn viên sinh ra trong cuối thời kỳ cộng sản, sau đó đã cùng gia đình trở lại Việt Nam, tuy nhiên từ năm cô lên 6 tuổi họ đã định cư luôn tại Séc.

“Bố mẹ tôi vào những năm 90 cũng buôn bán quần áo, họ có 1 gian hàng, sau đó là một cửa hàng nhỏ, họ cũng đã thử bán večerka và quầy ăn nhanh, đúng là đã làm qua tất cả các nghề của người Việt nam.” Cô nói với sự cường điệu. Tuy nhiên cô đã nghiêm túc nói thêm:” Nhìn lại tôi thật ngưỡng mộ họ, cách họ có thể xây dựng nên tất cả mọi thứ.”

Cô cũng không giấu diếm việc những người bạn của cô hầu như là người Séc và cô chỉ nói tiếng Việt với bố mẹ của mình. Họ dù ở Séc cũng vẫn giữ những truyền thống của người Việt. Một trong những điều quan trọng nhất là tôn trọng người đã mất.

“Ở trong các cửa hàng večerka và các quán ăn nhanh mọi người có thể thấy những bàn thờ nhỏ. Đó không phải là tôn giáo mà là thờ cúng người đã khuất. Trong những ngày giỗ, năm mới hay ngày lễ, người Việt sẽ nấu rất nhiều món ăn, sau đó sẽ đặt lên bàn thờ, thắp hương và cầu chúc cho gia đình thịnh vượng.” Marcela đã mô tả và thêm rằng, dù các nước Châu Á được biết đến là theo đạo Phật, nhưng thật ra hầu như xã hội đều vô thần. Đây là một trong những yếu tố chung của 2 nền văn hóa sẽ xuất hiện xuyên suốt chuyến thăm quan.

Mặc dù người hướng dẫn viên là người Séc gốc Việt từ nhỏ nhưng cô vẫn ưu tiên các món ăn Việt Nam bởi ngoài trường hợp ngoại lệ đều không có gluten và sữa. “Thỉnh thoảng tôi cũng sẽ ăn thịt tẩm bột chiên hoặc thịt bò băm sống” cô chia sẻ, “nhưng ví dụ như món salad khoai tây cùng sốt mayonnaise tôi không bao giờ ăn được. Em trai tôi khi học mẫu giáo còn lau bơ trên bánh mỳ vào khăn giấy,” cô vừa cười vừa kể.

Ẩm thực cũng là điều được chú ý nhất trong buổi thăm quan hôm nay. ” Tôi nghĩ rằng các bạn đã cảm thấy rất đói rồi,” cô tuyên bố sẽ liệt kê các món mà hôm nay chúng tôi sẽ được thưởng thức. Sau đó cô dẫn đầu nhóm và đi luồn vào giữa các dãy nhà. Chỉ cần vài lần rẽ ngoặt trong các con đường hẹp là tôi đã cảm thấy như bị lạc trong “Hà nội Séc” này.

Ở Sapa, bạn sẽ tìm thấy những người bán hàng ngồi cả ngày trong đống hàng vải

Trước tiên chúng tôi dừng lại tại một quầy hàng bán hoa quả ngoại quốc, trên đó không có bảng giá. “Đó là điều hoàn toàn bình thường, ở đây họ không tuân thủ những cái đó đâu,” Marcela giải thích, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là khách hàng có thể tự ra giá mà là họ sẽ được biết giá khi thanh toán.
“Giờ không còn trả giá, mặc cả như xưa nữa. Điều đó chỉ có thể xảy ra khi bạn mua quần áo, nhưng đối với thực phẩm sẽ không.”

Cá chép châu Á từ Třebon

“Ở đây có một lối sinh hoạt hỗn loạn” Karel 22 tuổi bồi thêm, anh ta nói khi đang nắm tay bạn gái của mình Adela. Thực tế là anh đang ở một nơi yêu thích của mình. “Tôi và bố mẹ thường đến đây 4 năm rồi, cho nên cũng đã quen thuộc và đã đi nhiều, tuy nhiên chúng tôi muốn thử một chút mới mẻ,” cậu thanh niên từ Kladno cho biết và vé thăm quan chợ hôm nay là được mẹ anh tặng nhân dịp Giáng sinh.

Anh cũng nghe thấy các thông tin về những thứ không sạch sẽ được tìm thấy khi bị kiểm tra, tuy nhiên khi được hỏi họ có sợ các món ăn hôm nay không thì cả hai đều khẳng định là: Không.

“Tôi chỉ sợ món súp, vì tôi không ăn cá chép,” Karel nói khi đến cửa hàng thưởng thức ẩm thực đầu tiên của chúng tôi mà cô hướng dẫn viên hứa sẽ hướng đến là quán ăn nhanh – Bún Cá.

“Nó đã hoạt động gần 20 năm, từ khi thành lập Sapa. Bún là một loại mỳ tròn từ gạo, Cá là ryba. Hải Phòng là thành phố, quê của chủ quán ăn này,” cô phiên dịch thông tin từ bảng quán và thêm rằng, cá tức là cá chép. Quán nổi tiếng với món nước dùng từ cá và đặc biệt rành cho người Séc thì ở đây họ còn nấu thêm súp bò.

Cá chép trước đây là từ châu Á, nhưng cá chép ở Sapa là từ Třebon, điều này có vẻ hợp lý hơn là nhập cá từ nửa vòng trái đất về đây. Đông thời đây cũng là một trong những điểm giao thoa ít ỏi giữa 2 nền ẩm thực khác nhau.

Khi tôi hỏi Marcela là người Việt Nam sau những năm tháng ở Séc có yêu thích món ăn nào không và sau một hồi suy nghĩ cô đã lắc đầu: “Không. Tôi không nghĩ ra thứ gì.”

Và rồi cả món súp cá cũng không giống món mà chúng ta quen thuộc. Ngoài những sợi bún, trong bát còn nổi lên những cọng thì là, rau mùi, ngũ vị hương (quế, thảo quả, hoa hồi, muối, tiêu), có thể thêm vào ớt, nhỏ vài giọt chanh và nhúng bánh mỳ có vị như langos. Nhưng cái chính là bát súp còn có thêm các miếng cá chép thái mỏng.

Tôi phải thừa nhận rằng kết hợp 2 loại món ăn của Séc lại với nhau – súp cá chép và cá chép rán – đúng là tôi chưa bao giờ nghĩ đến…

Khi nói đến đồ ăn ở đây, người Séc thường không biết họ đang nhìn gì.

Người trẻ tuổi không tham gia vào bán hàng

Chúng ta đã bắt đầu đánh thức vị giác vì thế có thể tiếp tục trải nghiệm các món ăn khác. Chúng tôi dừng lại ở một quán ăn nhanh nổi tiếng bởi một món mà theo Marcela là món phổ biến ở Sapa. Gia đình chủ quán làm 2 món nem cuốn. “Một loại có nhân là thịt băm, mọc nhĩ nấm hương là món ăn thường dành cho buổi sáng. Loại thứ 2 là cuộn dày hơn có thịt bò xào, salad và rau mùi,” cô mô tả và gọi đồ ăn cho tất cả mọi người.

“Chúng tôi hay đến các quán ăn Việt nam nhưng chưa bao giờ đến Sapa, kể cả đến để mua sắm,” anh Radovan 26 tuổi chia sẻ, cùng với vợ Monika họ đến từ Barrandov. “Tôi có một khách hàng người Việt Nam, tôi hay bảo dưỡng điều hòa cho họ và họ toàn cho tôi ăn miễn phí. Tôi cũng đã thấy hơi ngại”, anh cười.

Anh tin tưởng đồ ăn trong chợ, thỉnh thoảng những bài báo về vệ sinh thực phẩm cũng không làm anh e ngại. “Tôi không sợ. Đến nay, tôi rất thích những món này,” anh nói cùng với những cái nem được chúng tôi chấm vào nước mắm cá.

Trong quán rất tất bật, những miếng bánh gạo mỏng để làm bánh cuốn được nhân viên chuẩn bị trên một cái nồi giống như để làm palačinka, sau đó sẽ đổ bột nước từ bột gạo và nước. Họ có mấy cái nồi như vậy, vì thế những miếng bánh cuốn được làm ra liên tục.

Tại một góc trong quán một cô gái đang tuổi teen đang ngồi, có thể là con gái của chủ quán, nhưng cô nhìn giống người máy hơn. Một tay cầm điện thoại đang mở và tay còn lại vô thức và có vẻ đã làm hàng nghìn lần đút những chiếc bát nhựa vào túi ni lông.

Một lúc sau tại khu bán quần áo Marcela kể cho chúng tôi là thế hệ trẻ người Việt Nam đã có những sở thích khác và không còn muốn phục vụ khách hàng từ sáng đến tối nữa. Ít nhất là đối với các cửa hàng quần áo cô rất khẳng định như vậy.

“Giờ ít ai cần đến, những thứ đó đang thừa, các chuỗi cửa hàng rẻ bán ra với giá vài đồng. Bản thân tôi nghĩ là chỉ vài năm nữa, khi mà những thứ này sẽ biến mất và kết thúc cùng với thế hệ người Việt Nam đã và đang đến tuổi nghỉ hưu.”

Trứng vịt lộn hãy nấu thật kỹ

Khi vừa ra khỏi các gian hàng quần áo, chúng tôi dừng lại tại một quầy hàng bán hoa quả, ở đó xuất hiện một loại quả rất lạ và bắt mắt với mùi đặc trưng – quả sầu riêng.

“Nó hay bị nhầm với quả mít, nhưng quả này nhỏ hơn, có gai nhọn và mùi thối,” Marcela giới thiệu đặc trưng của quả này, theo như lời của cô thì có người sẽ rất thích, có người sẽ rất ghét và tại một số nơi ở châu Á loại quả này còn bị cấm ví dụ ở trong khách sạn hoặc trên các phương tiện công cộng. Nếu bổ quả ra thì mùi sẽ rất nồng, nhưng kể cả khi quả sầu siêng còn nguyên cũng ngửi được mùi của nó qua lớp vỏ – nó giống như mùi rau thối, tuy nhiên mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau…

Nếu chúng ta đã nói đến các thứ “kinh khủng” thì một trong những khách thăm quan có hỏi là ở đây có thể mua được trứng bắc thảo không. Marcela phải sửa lại là đó là món ăn của người Trung quốc (trứng sống được vùi trong hỗn hợp đặc biệt để nó tự chín), tuy nhiên người Việt Nam lại ăn trứng vịt lộn.

“Ở đây họ cũng có, mọi người có thể mua để mang về. Nhưng phải nấu thật kỹ,” cô vừa cười vừa khuyên vì dường như nhận ra sự kỳ lạ của những thứ đó tại đây. “Hoặc là mọi người có thể thử tiết canh,” cô giới thiệu tiếp các món ngon khác.

Thật tuyệt khi ở đây có thể nói một cách cởi mở về những khác biệt giữa 2 nền văn hóa Séc-Việt. Lúc chúng tôi dừng lại trước cánh cửa của nhà kho trữ cá, hải sản, nơi mà một nhân viên đang thô lỗ di chuyển những con cá chép còn sống, cô hướng dẫn viên nhận xét: “Nếu nói đến vấn đề đối xử với động vật, ở châu Á nó không được nhân đạo lắm. Ở đó họ giết chúng mà không quan tâm nhiều đến việc con vật đó cảm thấy như thế nào. Tại châu Âu thì khác, mọi thứ tốt hơn với động vật.”

Trong cửa hàng thực phẩm lớn cô giới thiệu cho chúng tôi những thứ dễ chịu hơn. “Tôi bật mí cho các bạn 3 thứ quan trọng nhất trong văn hóa ẩm thực của Việt Nam đó là: rau thơm, nước mắm cá và đỗ tươi,” cô kể trước những sọt đựng rau xanh và nhặt lên một bó rau muống.

“Một loại rau tuyệt vời. Nó chỉ cần khoảng 3 phút, một là trần nhanh rồi chấm nước mắm hoặc là xào với tỏi.”

Ở đây chúng tôi nhìn thấy còn có rau cải, rau cần hoặc rau cải cúc. “Những thứ này chúng tôi dùng nấu canh, thường là sử dụng nước xương sườn và chúng tôi sẽ thái nhỏ rồi bỏ vào,” cô chia sẻ với nhóm 12 người chúng tôi khi đã đứng chật cả lối đi của cửa hàng khiến các nhân viên phải hỏi liên tục có thể đi qua không.

Trong các buổi tiệc có thể có đến 10 món ăn

“Bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau ăn trưa, mọi người còn bụng để ăn không?” Cô hướng dẫn viên chọc chúng tôi khi đỉnh điểm của chuyến thăm quan được diễn ra tại một nhà hàng trang nhã với nhiều bức tranh lớn.

“Đây mới là Sapa thật. Một khu vực miền núi gần cửa khẩu Trung Quốc, nơi đó có nhiều người dân tộc và trên những cánh đồng được trồng lúa,” cô chỉ vào bức tranh với những đỉnh núi xanh ngoạn mục.

Trong bữa ăn trưa chung truyền thống, mọi người ăn đầy đủ vào bát của mình theo khẩu vị của họ.

“Đây là những món cơ bản hay được nấu ở nhà. Nếu có tiệc thì sẽ có 5, hoặc 10 món,” cô nhận xét các món ăn trên đĩa khi được nhân viên mang ra.

“Trên bàn ăn chúng tôi lúc nào cũng có cơm gạo thơm. Sau đó sẽ là thịt ba chỉ rang với tôm, rau xào, cá kho, rau thơm, nước mắm tỏi và ớt…” cô nêu tên các món ăn và tôi nhận ra có thịt ba chỉ là món sau cá chép trùng với ẩm thực Séc. Tôi hơi xấu hổ vì là một trong số ít không biết dùng đũa và phải ăn bằng dĩa, nhưng dù sao đây cũng là lần đầu tôi đến “Việt Nam”.

Bây giờ chỉ còn chặng cuối cùng. Chúng tôi thưởng thức bánh rán nhân đậu xanh và cà phê sữa đặc tại một quầy hàng và chúng rất ngọt, đến mức tôi phải nghi ngờ về ẩm thực Việt Nam nằm trong danh sách những nước có ẩm thực lành mạnh nhất.

Trải nghiệm ẩm thực sẽ là điều ấn tượng nhất đối với khách thăm quan Sapa, nếu mục đích của họ không phải là những đồ may mặc giá rẻ, đồ chơi vui nhộn hay chong chóng sặc sỡ.

Nó còn kèm thêm điều kiện – bạn phải quen ai đó, giống như Marcela Vuong, một người sẽ chỉ cho bạn những điểm đến đặc sắc và an toàn. Lúc đó bạn sẽ cảm thấy một Việt Nam thu nhỏ tại nam Praha là một nơi khá thân thiện.

(BBT TamdaMedia)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil