Chuyện gì đang xảy ra tại Peru
Tin thế giới
author08/12/2022 09:01

Trước cuộc bỏ phiếu luận tội, ông Pedro Castillo đã cố gắng giải tán Quốc hội Peru và đơn phương kiểm soát chính phủ. Thế nhưng, nỗ lực này kết thúc với việc ông bị phế truất.

7/12 là ngày mà phần lớn Peru đổ dồn sự chú ý vào Quốc hội, nơi một cuộc bỏ phiếu luận tội chống lại Tổng thống Pedro Castillo với tội danh tham nhũng đã được lên kế hoạch.

Nhưng ngay trước buổi trưa hôm đó, nhà lãnh đạo Peru có bài phát biểu bất ngờ trên truyền hình trước cả nước. Ông tuyên bố giải tán Quốc hội và thành lập chính phủ khẩn cấp, khiến các nhà lãnh đạo chính trị ở khắp mọi nơi, bao gồm cả đồng minh của ông, sửng sốt.

Động thái này sau đó bị lên án rộng rãi, được cho là âm mưu “đảo chính” để cố bám lấy quyền lực.

Các quan chức chính phủ từ chức hàng loạt. Tòa án Peru nhấn mạnh hành động này là vi hiến (trái quy định của Hiến pháp). Trong khi đó, lực lượng vũ trang và cảnh sát quốc gia đưa ra tuyên bố chung, cho thấy họ sẽ không ủng hộ ông Pedro Castill.

Đến cuối ngày, ông Pedro Castillo (53 tuổi), bị lật đổ khỏi chiếc ghế tổng thống và bị bắt giữ. Phó tổng thống Dina Boluarte đã tuyên thệ nhậm chức thay thế và trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo trong lịch sử Peru.

phe truat tong thong Peru anh 2
Tổng thống Pedro Castillo đã bị Quốc hội Peru phế truất. Ảnh: AP.
Sáu tổng thống chỉ trong vòng 7 năm

Năm 2021, ông Pedro Castillo – cựu giáo viên và nhà hoạt động công đoàn, người chưa từng có kinh nghiệm làm việc trong chính phủ – đã tranh cử vận động với cam kết chuyển đổi nền kinh tế “ốm yếu” và đẩy lùi tỷ lệ nghèo đói cao của người dân nông thôn Peru.

Ông đi tới chiến thắng với cam kết ưu tiên các gia đình khó khăn, khắc phục sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, theo New York Times.

Tuy nhiên, giờ đây, nỗ lực giành chính quyền của ông Castillo đã lặp lại những gì diễn ra trong thời cựu Tổng thống Alberto Fujimori 30 năm trước.

Theo Guardian, vụ việc của ông Castillo được so sánh với vụ tự đảo chính “autogolpe” ở Peru vào tháng 4/1992, khi cựu Tổng thống Fujimori giải tán Quốc hội, và điều binh sĩ cùng xe tăng đến các tuyến đường ở thủ đô Lima. Ông Fujimori điều hành đất nước cho đến năm 2000. Ông đang ở tù vì tội tham nhũng và vi phạm nhân quyền.

Nhưng Peru sau đó vẫn tiếp tục biến động bởi những vụ bê bối tham nhũng cấp cao trong nhiều năm. Kể từ năm 2016, Peru chìm trong cuộc khủng hoảng chính trị. Nước này có tới 6 tổng thống chỉ trong vòng 7 năm.

Quốc hội và tổng thống lần lượt cố bãi nhiệm lẫn nhau. Tổng thống Martín Vizcarra từng giải tán Quốc hội Peru vào năm 2019 và yêu cầu tổ chức cuộc bầu cử mới. Quốc hội mới đã bãi nhiệm ông Vizcarra vào năm 2020.

Đối với ông Castillo, Quốc hội đã cố gắng phế truất ông hai lần trước đó trong 16 tháng ông cầm quyền, nhưng không giành được đủ số phiếu để luận tội.

Ông Castillo là một trong số những người cánh tả ở Mỹ Latin lên nắm quyền nhờ lá phiếu từ các cử tri vỡ mộng và đã chán ngấy với nhiều thập kỷ bất bình đẳng, tỷ lệ thất nghiệp cao cùng tầng lớp chính trị ưu tú dần bị suy đồi bởi nhiều năm tham nhũng và đấu đá nội bộ.

Nhưng sau khi giữ chức, ông tỏ ra không mấy quan tâm đến việc thực hiện những cam kết trong chiến dịch tranh cử và nhanh chóng phải đối mặt với hàng loạt trở ngại khiến chính quyền của ông bị tê liệt, bao gồm các vụ bê bối tham nhũng cấp cao, điều tra tội phạm và thay đổi nội các.

phe truat tong thong Peru anh 3
Những người biểu tình ăn mừng việc ông Pedro Castillo bị bắt giữ. Ảnh: New York Times.

Trong một năm rưỡi nắm quyền, cựu Tổng thống Castillo đã phải thay đổi và bổ nhiệm tới 5 thủ tướng. Hầu hết thủ tướng có nhiệm kỳ kéo dài chỉ vài tháng, và có người làm thủ tướng chỉ 8 ngày.

Ông đã để các đồng minh chính trị thiếu kinh nghiệm giữ nhiều chức vụ. Một số người trong đó thậm chí phải đối mặt với cuộc điều tra về tham nhũng, bạo lực gia đình và giết người.

Công tố viên cũng cáo buộc cựu tổng thống Peru lãnh đạo một tổ chức tội phạm với các nhà lập pháp và thành viên gia đình, để trục lợi từ hợp đồng chính phủ và liên tục cản trở việc thực thi công lý. Chẳng hạn, con gái ông Castillo đã “bốc hơi” khỏi dinh tổng thống khi cô đối mặt với lệnh bắt giữ. Văn phòng ông Castillo sau đó tuyên bố rằng đoạn phim ghi lại đã bị mất.

Trước tình trạng đó, tỷ lệ ủng hộ ông Castillo đã giảm xuống 19% ở Lima, mặc dù ở vùng nông thôn, tỷ lệ này vẫn ở mức 45%, chỉ thấp hơn 4 điểm % so với một năm trước, theo cuộc thăm dò vào tháng 11 của Viện Nghiên cứu Peru.

Cuộc “đánh úp” kịch tính

Quốc hội đã lên lịch bỏ phiếu luận tội lần thứ 3 vào tuần trước sau khi cựu tổng thống Peru đe dọa giải tán cơ quan này.

Thế nhưng, chỉ vài giờ trước cuộc bỏ phiếu đó, ông Castillo tuyên bố giải tán Quốc hội và thành lập chính phủ khẩn cấp để điều hành bằng sắc lệnh, đồng thời áp đặt lệnh giới nghiêm quốc gia ngay lập tức.

phe truat tong thong Peru anh 4
Nhà lập pháp Rosselli Amuruz ăn mừng cùng đồng nghiệp sau khi các nghị sĩ đã thông qua phế truất Tổng thống Pedro Castillo hôm 7/12. Ảnh: AP.

“Chúng tôi đã đưa ra quyết định thành lập chính phủ khẩn cấp, tái thiết lập chế độ pháp trị và dân chủ để thực hiện các biện pháp sau: Tạm thời giải tán Quốc hội, thành lập một chính phủ trong tình trạng khẩn cấp đặc biệt, kêu gọi thời hạn ngắn nhất có thể để bầu cử Quốc hội mới với khả năng soạn thảo Hiến pháp mới”, ông Castillo nói.

Tuyên bố của ông Castillo đã đẩy nền dân chủ mong manh ở Peru vào cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong nhiều năm.

Nhưng rõ ràng, tuyên bố của ông không nhận được sự ủng hộ. Ngay sau động thái này, nhiều quan chức nội các đã từ chức, cáo buộc ông cố nắm quyền bất hợp pháp.

Hàng loạt đơn tố cáo từ các đối thủ chính trị cùng chuyên gia hiến pháp, cũng như tuyên bố chung từ lực lượng vũ trang và cảnh sát cho thấy ông thiếu quyền hợp pháp để thực hiện sắc lệnh của mình.

phe truat tong thong Peru anh 5
Cảnh sát đứng gác khi người dân tụ tập bên ngoài Quốc hội vào ngày 7/12. Ảnh: Reuters.

“Chúng tôi phản đối việc vi phạm trật tự hiến pháp và kêu gọi người dân tôn trọng hiến pháp chính trị, giữ bình tĩnh cùng tin tưởng vào các thể chế nhà nước”, cảnh sát sau đó cho biết trong tuyên bố riêng.

Đại sứ quán Mỹ tại Lima cũng lên án ông Castillo.

“Mỹ hối thúc mạnh mẽ Tổng thống Castillo đảo ngược nỗ lực đóng cửa Quốc hội và cho phép các thể chế dân chủ ở Peru hoạt động theo Hiến pháp”, đại sứ quán đăng bài trên Twitter. “Chúng tôi khuyến khích công chúng Peru giữ bình tĩnh trong thời gian bất ổn này”.

Tuyên bố của cựu tổng thống dường như gây sốc cho cả những đồng minh thân cận nhất của ông.

“Tôi là người bảo vệ trật tự dân chủ, Hiến pháp và tôi tin tưởng sâu sắc rằng chính trị không thể đứng trên luật pháp”, Benji Espinoza, luật sư riêng của ông Castillo cho đến khi ông từ chức hôm 7/12, nói với RPP.

Trên thực tế, ông Castillo dường như đã cân nhắc động thái này trong một thời gian. Tháng trước, ông công khai đe dọa giải tán Quốc hội và đã âm thầm cố gắng khảo sát các nhà lãnh đạo quân sự về việc ủng hộ ông, theo phương tiện truyền thông địa phương.

Sau khi bộ trưởng Quốc phòng từ chức vào cuối tuần trước với lý do cá nhân, tin đồn về cuộc đảo chính quân sự đã lan truyền trên mạng xã hội, khiến một số nhà lập pháp đối lập ở lại Quốc hội qua đêm vào hôm 4/12, vì lo ngại các lực lượng vũ trang có hành động bạo lực để đóng cửa phòng họp Quốc hội.

Nhưng không có bất cứ động thái nào như vậy diễn ra. Đến hôm 6/12, người đứng đầu quân đội Peru cũng từ chức với lý do cá nhân.

Cái kết đắng cho ông Castillo

Hôm 7/12, chỉ hai giờ sau tuyên bố của ông Castillo, Quốc hội Peru đã bỏ phiếu luận tội tổng thống. Với tỷ lệ 101 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 10 phiếu trắng, ông bị loại bỏ khỏi văn phòng tổng thống với lý do “mất năng lực đạo đức vĩnh viễn”, theo AP.

Người ta thấy ông rời dinh tổng thống trên ôtô và đi qua trung tâm thành phố Lima. Sau đó, ông được đưa vào đồn cảnh sát. Một bức ảnh trên Twitter cho thấy ông Castillo đang ngồi bên trong phòng và xung quanh ông là các sĩ quan cảnh sát. Văn phòng công tố tối 7/12 cho biết họ đã chỉ đạo bắt giữ ông với cáo buộc “nổi loạn”.

Ngay sau cuộc bỏ phiếu của Quốc hội, cựu cấp phó của ông đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời.

phe truat tong thong Peru anh 6
Bà Dina Boluarte đeo chiếc khăn đỏ khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Ảnh: Reuters.

“Việc nói chuyện, tham gia đối thoại để đạt được thỏa thuận là tùy thuộc vào chúng ta”, bà Dina Boluarte nói sau khi tuyên thệ. “Tôi yêu cầu có thời gian để giải cứu đất nước khỏi nạn tham nhũng và sự kém cỏi trong chính phủ”.

Bà Boluarte, 60 tuổi, kêu gọi đình chiến giữa các đảng phái chính trị của Peru nhằm thiết lập lại sự thống nhất quốc gia và đưa đất nước trở lại con đường tăng trưởng kinh tế.

Từng là luật sư, bà Boluarte tranh cử cùng ông Castillo vào năm ngoái.

Bà từng là phó tổng thống, đồng thời là bộ trưởng Phát triển và Hòa nhập xã hội của ông Castillo, nhưng đã từ chức sau khi cựu tổng thống thành lập nội các cuối cùng vào tháng trước.

Bà Boluarte không đặc biệt nổi tiếng. Trong cuộc thăm dò gần đây, người dân Peru ủng hộ phương án có một cuộc tổng tuyển cử mới hơn là để bà thay thế ông Castillo tại chức trong kịch bản ông bị luận tội.

(Nguồn: Zing)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil