Chuyên gia nêu điều kiện loại Covid-19 khỏi bệnh đặc biệt nguy hiểm
Tin tức, Tin Việt Nam
author19/03/2022 10:17

Có thể loại Covid-19 khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A khi số ca nhiễm ổn định, người dân được tiếp cận điều trị sớm, theo một số chuyên gia.

Chương trình phòng chống Covid-19 (2022-2023) được Chính phủ ban hành mới đây nêu chủ trương nghiên cứu chuyển bệnh truyền nhiễm này từ nhóm A (bệnh đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao) sang nhóm B (nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong).

Đồng tình với chủ trương này, PGS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự cố khẩn cấp y tế cộng đồng (Bộ Y tế), đánh giá Covid-19 tại Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp.

Tuy vậy, để xem là bệnh truyền nhiễm thông thường (bệnh đặc hữu hoặc bệnh lưu hành) thì dịch bệnh phải có tính chu kỳ ổn định hàng năm (như lây lan vào từng thời điểm cụ thể trong năm, tương tự cúm mùa); số ca nhiễm ổn định, nằm trong ngưỡng dự báo; không gây tác hại lớn tới kinh tế, xã hội và không cần sự ưu tiên giải quyết quá mức như hiện nay.

“Số ca mắc mới chưa ổn định, khó dự báo. Ca tử vong do Covid-19 trung bình mỗi ngày đang khoảng 100 ca, nhiều hơn ca tử vong do các bệnh truyền nhiễm thông thường khác”, ông Phu nói, cho rằng lúc nào virus xuất hiện biến chủng nhẹ hơn; có vaccine, thuốc điều trị tốt hơn, phổ biến rộng rãi, để người dân tiếp cận dễ dàng, tự điều trị tại nhà, ca tử vong ở ngưỡng thấp, thì có thể coi Covid-19 là bệnh thông thường.

PGS. TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự cố khẩn cấp y tế cộng đồng (Bộ Y tế). Ảnh: Gia Chính

Ông Phu đồng tình phương án Việt Nam dừng công bố ca nhiễm Covid-19 mới hằng ngày, bởi số ca nhiễm ghi nhận và thực tế có chênh lệch do người dân xét nghiệm dương tính nhưng không khai báo. Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn vẫn cần thống kê ca nhiễm để dự báo tình hình, tránh ca chuyển nặng và tử vong tăng.

PGS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y dược TP HCM nêu bốn điều kiện để loại Covid-19 khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A . Trước hết, người dân phải tự đảm bảo an toàn và được tiêm vaccine. Trong đó, vaccine là then chốt vì giảm lây lan dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19. Khẩu trang tuy ít hiệu quả hơn vaccine nhưng vẫn quan trọng.

Bên cạnh đó, người dân cần được tạo điều kiện để tự xét nghiệm và tiếp cận điều trị sớm nếu mắc bệnh. Tự cách ly sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng, còn điều trị sớm sẽ giảm tỷ lệ tử vong. Nhà chức trách cần xây dựng cơ chế để người dân tiếp cận dễ dàng với các loại kit xét nghiệm, nhất là những vùng nông thôn, nơi khó khăn; đồng thời hướng dẫn họ tự thực hiện đúng cách. Thuốc kháng virus cũng cần được bán rộng rãi.

PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y Dược TP HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM

Để phòng các biến chủng mới xuất hiện, có thể gây chuyển nặng và tử vong cao hơn, cơ quan chuyên môn phải xây dựng hệ thống giám sát dịch hiệu quả. Hệ thống sẽ nhanh chóng phát hiện biến chủng mới, đưa ra cảnh báo kịp thời, nhằm xây dựng phương án phòng chống tốt nhất. Năng lực chẩn đoán và các kỹ thuật sinh học phân tử cũng cần được đầu tư, nâng cao hơn nữa.

Theo PGS Dũng, để Covid-19 không còn là bệnh đặc biệt nguy hiểm, các đơn vị phải có năng lực ứng phó để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, xã hội, dịch vụ, mở cửa trường học liên tục, an toàn. Thời gian qua, dù các địa phương đã mở cửa nhiều dịch vụ, nhưng vẫn gián đoạn bởi dịch bệnh. Do đó, mỗi ngành nghề cần có bộ tiêu chí an toàn để duy trì hoạt động.

“Đặc điểm của bệnh truyền nhiễm nhóm A là lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao. Muốn Covid-19 thành bệnh thông thường, phải triệt tiêu được hai yếu tố này”, ông Dũng nói, dự đoán “6 tháng nữa, Việt Nam có thể loại Covid-19 khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm”.

Với quan điểm cởi mở hơn, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP HCM cho rằng “đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam loại Covid-19 khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A, coi là bệnh thông thường”. Nguyên nhân là dân số từ 12 tuổi đã cơ bản phủ đủ liều vaccine, cả nước đã tạo được miễn dịch cộng đồng. Thời gian qua, dù ca nhiễm tăng cao ở nhiều nơi, nhưng tỷ lệ ca bệnh chuyển nặng, nhập viện và tử vong đều giảm.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP HCM. Ảnh: Thành Nguyễn

“Các bệnh truyền nhiễm đều có tỷ lệ tử vong nhất định. Covid-19 là bệnh thông thường khi tỷ lệ ca bệnh chuyển nặng và tử vong xuống thấp, không gây quá tải hệ thống y tế. Việt Nam đã làm được điều này”, ông Khanh nhấn mạnh.

Một tuần qua, số ca nhiễm ghi nhận trên cả nước trung bình là 170.000 ca/ngày, tăng 38% so với tuần trước. Tuy nhiên, số ca tử vong trung bình mỗi ngày là 73 ca, giảm 12% so với tuần trước. Số ca tử vong tại Việt Nam tính đến hết ngày 18/3 là hơn 41.700 ca, chiếm 0,6% tổng số ca nhiễm.

Theo ông Khanh, khi xem Covid-19 là bệnh truyền nhiễm thông thường, người dân chỉ đeo khẩu trang khi cần thiết và thường xuyên vệ sinh cá nhân như rửa tay. Việc giãn cách khi tham gia sản xuất kinh doanh hoặc các hoạt động xã hội “là không cần thiết”.

(Nguồn: Vnexpress)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil