Dân châu Âu ồ ạt tiêu tiền khi được mở phong tỏa
KINH TẾ
author14/07/2020 11:13

Tranh thủ giờ nghỉ trưa khi quay lại làm việc sau 2 tháng, Clémentine Sebert (Pháp) vào Ikea mua sắm đủ thứ, từ gối, kệ đầu giường, đến đèn, thảm.

“Tôi không quá lo lắng về tương lai”, Sebert nói. Cô đã quay lại vị trí cố vấn pháp lý trong công ty tháng trước, sau khi Pháp gỡ bỏ lệnh phong tỏa. Hiện tại, Sebert còn chuẩn bị thuê căn hộ mới.

Nhờ chương trình hỗ trợ của chính phủ với các doanh nghiệp trong khủng hoảng, cô vẫn giữ được việc làm và phần lớn lương trong khi phải nghỉ ở nhà. “Nếu mất việc, tôi sẽ không chi tiêu nhiều thế này được”, cô nói.

Người tiêu dùng châu Âu đang đổ xô mua sắm khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Việc này đem lại kỳ vọng phục hồi cho cả khu vực. Cơ quan thống kê châu Âu tuần này cho biết doanh số bán lẻ tại eurozone đã tăng vọt 17,8% trong tháng 5 so với tháng 4, do người dân mua đồ nội thất, quần áo và thiết bị máy tính. Mức tăng mạnh nhất thuộc về Pháp và Đức, với chi tiêu đã tăng lên gần mức trước phong tỏa.

Người mua bên trong một siêu thị ở Barcelona hồi tháng 5. Ảnh: NYT

Đà mua sắm hiện tại cũng xóa tan mối lo rằng người châu Âu ngần ngại mua sắm, như tình hình tại Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc chọn thắt chặt chi tiêu do mất việc hoặc bị giảm lương.

“Người tiêu dùng đang giúp châu Âu hồi phục nhanh hơn dự kiến”, Holger Schmieding – kinh tế trưởng tại Berenberg Bank cho biết, “Thật may là phong tỏa đã chấm dứt”.

Dù vậy, mọi người có thể tiếp tục mua sắm hay không vẫn là việc cần theo dõi. Tiêu dùng tại châu Âu hiện vẫn thấp hơn 7% so với tiền đại dịch. Tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo kinh tế eurozone sẽ co lại 8,7% năm nay – giảm đáng kể so với dự báo cách đây 2 tháng. Báo cáo này dựa trên giả thiết không có làn sóng Covid-19 thứ hai. Khả năng này được đánh giá “khá mong manh”.

Hiện tại, ít nhất thì người dân vẫn đang đổ đến các cửa hàng, quán café tại Pháp. Người trồng và bán hoa ở Hà Lan cũng ghi nhận nhu cầu tăng đột biến khi người dân muốn trang trí nhà cửa. Còn ở Đức, các gia đình đến siêu thị mua vật dụng mới, sau khi chính phủ giảm thuế VAT để kích cầu.

Tiêu dùng rất quan trọng với việc hồi sinh của châu Âu, đóng góp hơn nửa GDP khu vực này. Trong các đợt suy thoái trước, đầu tư và xuất khẩu thường là động lực hồi sinh chính. Tuy nhiên, đại dịch khiến biên giới phải đóng cửa, các doanh nghiệp dừng hoạt động. Vì thế, động lực này cũng không còn.

Các chính phủ châu Âu đã chi hàng tỷ USD để giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch, chủ yếu nhờ chính sách ngăn sa thải hàng loạt. Pháp, Đức, Đan Mạch, Italy và hầu hết các nước châu Âu đều đã gia hạn chương trình hỗ trợ việc làm đến cuối năm nay.

Nhờ chương trình này, Sebert vẫn hưởng 80% lương khi nghỉ việc ở nhà trong thời gian phong tỏa. Cô là một trong 14 triệu lao động tại Pháp hưởng lợi từ chương trình này. Dù hỗ trợ tại các nước khác không hào phóng bằng, chương trình này cũng đã bảo đảm thu nhập cho khoảng 60 triệu người tại châu Âu.

Làn sóng mua sắm cũng đã giúp một số lĩnh vực vực hồi phục. Tại Adecco – một trong những hãng tuyển dụng lớn nhất châu Âu, nhu cầu nhân lực nhà hàng và bán lẻ đã tăng mạnh từ giữa tháng 5. Việc này không có gì ngạc nhiên, do mọi người không thể mua sắm hay ăn ngoài trong phong tỏa. Còn giờ họ đã có thể làm điều này.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế học cho biết việc phục hồi hoàn toàn sẽ chỉ diễn ra khi có vaccine Covid-19. Cho đến lúc đó, người tiêu dùng vẫn sẽ thận trọng. Dù chi tiêu tăng vọt sau dịch, tiền tiết kiệm của người dân châu Âu trong ngân hàng cũng tăng theo, phòng trường hợp tình hình lại xấu đi.

Bên cạnh đó, không phải ai cũng được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ lương của chính phủ. Hàng trăm nghìn người, đặc biệt là lao động tự do hoặc bán thời gian, đã mất thu nhập vì Covid-19. Vì thế, họ không thể tham gia quá trình hỗ trợ đất nước phục hồi.

Tại Mỹ, tiêu dùng cũng tăng tới 17,7% trong tháng 5, sau khi các cửa hàng và nhà hàng mở cửa trở lại. Tuy nhiên, vài tuần qua, khi số ca nhiễm mới tăng trở lại, một số khu vực lại phải phong tỏa. Số liệu tiêu dùng vì thế có thể lại lao dốc.

Dù vậy, với châu Âu, việc số ca nhiễm mới không tăng mạnh cũng khiến nhiều người tự tin. Toni Kehler – quản lý một công ty ở Munich (Đức) vài ngày trước đã tới Berlin xem chiếc TV mà cả gia đình muốn mua từ lâu. Nhờ chương trình hỗ trợ của chính phủ, Kehler tin rằng sẽ không mất việc. “Chúng tôi đã lên kế hoạch mua TV lâu rồi. Chẳng có lý do gì để không mua bây giờ cả”, anh nói.

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil