Dòng khí đốt đảo ngược từ Tây sang Đông, Nga hay châu Âu đang chính trị hóa năng lượng?
Tin thế giới
author02/11/2021 09:07

Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, một trong những đường ống dẫn khí đốt tự nhiên lớn nhất của Nga đã bắt đầu đổi hướng, đưa khí đốt ra khỏi Tây Âu và chuyển về phía Đông, theo các hãng thông tấn Nga.


Khí đốt tự nhiên – vốn đã thiếu hụt ở châu Âu từ mùa thu năm nay, bắt đầu chuyển hướng khỏi Đức từ ngày 30/10 và quay trở lại phía Đông – một sự đảo ngược bất thường đối với một hệ thống đường ống dẫn lớn của Nga.

Vì sao dòng khí đốt chuyển hướng?

Thông tin trên được truyền thông Nga đưa tin. Dù vậy, bản thân các thông tin mà báo chí Nga đăng tải không có gì đáng lo ngại và Gazprom, ngày 30/10 cũng cho biết công ty này đang thực hiện yêu cầu theo đơn đặt hàng của châu Âu. Một hãng truyền thông Nga thậm chí còn cho rằng sự đảo ngược dòng chảy khí đốt trong đường ống Yamal-Châu Âu chỉ là vấn đề ngắn hạn do thời tiết ấm áp hơn ở Đức vào cuối tuần qua.

Sự đảo ngược dòng khí đốt diễn ra trong bối cảnh giá khí đốt ở châu Âu đang tăng cao và có những cáo buộc cho rằng Điện Kremlin đang hạn chế nguồn cung cấp khí đốt vì các mục đích chính trị. Một trong những mục đích của Nga là nhằm là thúc đẩy EU phê duyệt dự án mới, Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), đưa khí đốt trực tiếp từ Nga đến Đức, không đi qua Đông Âu.

Các nhà phân tích cho rằng, Điện Kremlin có thể đang gửi đi một thông điệp về năng lượng tái tạo, rằng việc chuyển hướng quá nhanh khỏi khí đốt tự nhiên sẽ khiến Châu Âu dễ bị ảnh hưởng bởi nguồn cung cấp năng lượng mặt trời và gió không ổn định.

Theo các nhà phân tích, trong nhiều tuần qua, Nga đã chậm cung cấp khí đốt tự nhiên, dẫn đến tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu. Sự đảo ngược hướng của dòng khi đốt trong hệ thống đường ống Yamal-Châu Âu được coi là một hằn mới trong quan hệ giữa Nga và Châu Âu. Đường ống này vận chuyển khí đốt từ Nga tới Đức, đi qua Belarus và Ba Lan, chiếm khoảng 20% khả năng cung cấp trên bộ của Nga cho Liên minh châu Âu. Điều này cho thấy nếu hệ thống đường ống này bị tạm dừng, nó có thể gây ra tình trạng thiếu khí đốt đáng kể ở châu Âu.

Thông tin của hãng thông tấn TASS không đưa ra lời giải thích nào về sự đổi hướng dòng khí đốt. Hãng này dẫn thông tin từ công ty năng lượng Gascade có trụ sở tại Đức cho biết các dòng khí đốt đã ngừng lại và thậm chí còn đảo ngược trong đường ống Yamal-Châu Âu, đưa khí đốt về phía Đông, từ Đức đến Ba Lan.

Gascade không phản hồi đề nghị bình luận.

Ai đang chính trị hóa năng lượng?

Điện Kremlin từng bị cáo buộc chính trị hóa khí đốt. Trong những năm 2000, Nga đã 2 lần cắt nguồn cung cấp cho chính thân phương Tây ở Ukraine, gây ra tình trạng thiếu khí đốt trên diện rộng khắp Đông Âu và khi đó, người dân khu vực đã phải chịu một mùa đông giá lạnh trong những căn hộ không được sưởi ấm vào giữa tháng 1.

Để tránh các lệnh cấm vận năng lượng của Nga, nhiều nước Đông Âu mâu thuẫn với Điện Kremlin về mặt chính trị đã mua khí đốt thông qua các hợp đồng với các nước châu Âu khác, thay vì mua trực tiếp từ Nga. Thực tế này trở nên phổ biến sau cuộc cách mạng Ukraine năm 2014, khi quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên tồi tệ.

Ukraine đã chuyển hoàn toàn sang “hợp đồng đảo ngược”. Tên của loại hợp đồng này được gọi như vậy là vì khí đốt của Nga được các công ty Tây Âu mua và sau đó dòng khí đốt được “đảo ngược” hoặc gửi trở lại phía Đông.

Hãng thông tấn Nga Interfax cho rằng, nguyên nhân của sự chuyển hướng dòng khí đốt hôm 30/10 là do các hợp đồng đảo ngược này. Khách hàng ở Ba Lan đã chuyển hướng dòng khí đốt khi nhu cầu ở Đức giảm do thời tiết ấm áp, khiến dòng chảy đổi hướng.

Các thỏa thuận này chỉ có hiệu lực khi khí đốt tự nhiên của Nga chảy qua các đường ống từ Đông Âu để vận chuyển sang phương Tây. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Nga đã tìm cách chuyển nguồn cung cấp khí đốt tới các đường ống dưới biển của họ nối trực tiếp với Tây Âu mà không cần đi qua Đông Âu và loại bỏ khả năng thực hiện các thỏa thuận đảo ngược. Đây là lúc Dòng chảy phương Bắc 2 phát huy tác dụng.

Dù vậy, những người chỉ trích nói rằng đường ống chạy dưới biển Baltic tới Đức không thực sự cần thiết, nhưng được Nga xây dựng để tăng cường đòn bẩy năng lượng của Điện Kremlin ở Đông Âu.

Đường ống hiện đã hoàn thành và Nga đang tìm kiếm sự chấp thuận của các cơ quan quản lý tại Đức và EU để đưa hệ thống này vào hoạt động. Tổng thống Vladimir Putin cho rằng, cuộc khủng hoảng khí đốt của châu Âu là do các cơ quan quản lý không phê duyệt Dòng chảy phương Bắc 2 một cách kịp thời.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí đốt trở nên nghiêm trọng hơn trong suốt mùa thu vừa qua ở châu Âu, Tổng thống Putin tuyên bố Nga có thể giúp đỡ, nhưng với điều kiện các công ty và chính phủ châu Âu đồng ý thực hiện các hợp đồng dài hạn đối với nguồn cung cấp từ các đường ống dẫn dưới biển.

Theo các nhà phân tích, điều đó có thể đảm bảo thị trường cho khí đốt của Nga trong nhiều năm tới bất chấp việc các nước trong khu vực chuyển hướng sang các nguồn năng lượng tái tạo./.


(Nguồn: VOV/Theo New Yorrk Times)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil