Giả thuyết mới về ca Covid-19 đầu tiên ở Vũ Hán
Tin thế giới
author19/11/2021 09:39

Nghiên cứu mới cho rằng ca Covid-19 đầu tiên trên thế giới có thể là một tiểu thương chợ Vũ Hán, không phải nhân viên kế toán như điều tra của WHO.

Trong bài báo được đăng trên tạp chí Science hôm 18/11, nhà khoa học Michael Worobey, chuyên gia hàng đầu về truy vết tiến hóa của virus tại Đại học Arizona, Mỹ, nhận định người đầu tiên đổ bệnh vì nCoV là tiểu thương buôn bán tại chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, không phải một kế toán sống cách đó vài km như kết luận trước đây.

Worobey đưa ra nhận định này sau khi xem xét những gì đã được công khai trên các tạp chí y khoa, cũng như các video phỏng vấn trên một tờ báo Trung Quốc với những người được cho là hai ca Covid-19 đầu tiên được ghi nhận.

Cuối tháng 12/2019, các bác sĩ tại một số bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, phát hiện những trường hợp viêm phổi lạ ở người làm việc tại chợ hải sản Hoa Nam, khu chợ ẩm thấp chuyên bán hải sản, gia cầm, thịt và động vật hoang dã. Ngày 30/12, quan chức y tế công cộng Vũ Hán yêu cầu các bệnh viện báo cáo bất kỳ trường hợp mới nào liên quan chợ.

Lo sợ tái phát bùng dịch SARS, giới chức Trung Quốc lệnh đóng cửa chợ Hoa Nam từ ngày 1/1/2020. Bất chấp những biện pháp đó, ca “viêm phổi lạ” vẫn tăng tại Vũ Hán.

Ngày 11/1/2020, giới chức Vũ Hán cho biết các ca nCoV đầu tiên được phát hiện từ ngày 8/12. Hồi tháng 2, họ xác định bệnh nhân đầu tiên là một kế toán họ Chen, xuất hiện triệu chứng ngày 8/12 và không có mối liên hệ nào với chợ.

Nhân viên y tế hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 vào xe cấp cứu ở Vũ Hán, Trung Quốc tháng 3/2020. Ảnh: AFP.


Hồi tháng 1, các điều tra viên do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lựa chọn đã đến Trung Quốc tìm hiểu về nguồn gốc Covid-19 và phỏng vấn Chen. Báo cáo hồi tháng 3 của WHO mô tả Chen là ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận.

Bác sĩ tại bệnh viện Xinhua Hồ Bắc cho biết Chen xuất hiện triệu chứng từ ngày 8/12/2019, nhưng một bác sĩ cấp cao tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, nơi Chen điều trị, nói rằng kế toán viên này xuất hiện triệu chứng vào khoảng ngày 16/12/2019.

Khi được hỏi về trường hợp Chen, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết họ dựa trên bình luận của Liang Wannian, trưởng nhóm điều tra WHO – Trung Quốc, người dẫn đầu cuộc phỏng vấn với các bác sĩ bệnh viện Xinhua. Liang nói trong cuộc họp báo hồi tháng 2 rằng ca Covid-19 sớm nhất xuất hiện triệu chứng vào ngày 8/12 và “không liên quan” đến chợ hải sản Hoa Nam.

Trong báo cáo sau đó, các chuyên gia WHO kết luận virus rất có thể lây lan sang người từ động vật, nhưng không thể xác nhận chợ Hoa Nam là nơi Covid-19 khởi phát. Họ cũng nói khả năng virus rò rỉ trong phòng thí nghiệm “cực kỳ khó xảy ra”.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới của mình, tiến sĩ Worobey lập luận rằng mối quan hệ của tiểu thương chợ hải sản Hoa Nam, cũng như phân tích mới về mối liên hệ của những bệnh nhân nhập viện sớm nhất với khu chợ, cho thấy đại dịch Covid-19 có thể bắt nguồn từ đó.

“Ở thành phố 11 triệu dân này, nửa số ca ban đầu đều liên quan đến một địa điểm có kích thước bằng sân bóng đá”, tiến sĩ Worobey nói. “Sẽ rất khó giải thích mô hình đó nếu đợt bùng phát không bắt đầu từ chợ hải sản Hoa Nam”.

Lối vào chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán hồi tháng 1/2020, khi khu vực này bị đóng cửa để phòng dịch. Ảnh: AFP.


Là chuyên gia về nguồn gốc bệnh cúm và HIV, Worobey đã đọc nghiên cứu được các bác sĩ và giới chức y tế Vũ Hán công bố hồi tháng 5/2020 về các ca ban đầu. Ông bối rối khi thấy đoạn mô tả về bệnh nhân có vẻ giống Chen, người đàn ông 41 tuổi không có liên hệ gì với chợ Hoa Nam. Nhưng các tác giả báo cáo ghi ngày Chen xuất hiện triệu chứng là 16/12, không phải 8/12.

Worobey sau đó tìm thấy video cuộc phỏng vấn Chen được truyền thông Trung Quốc đăng vào tháng 3/2020. “Tôi bị sốt ngày 16”, Chen cho biết trong cuộc phỏng vấn, nói thêm rằng mình sống cách chợ nhiều km, làm việc trong văn phòng tài chính của một công ty và chưa bao giờ đến chợ Hoa Nam. Ngoài sốt, Chen cảm thấy tức ngực và đến bệnh viện ngay hôm đó.

Vào tháng 5, hai tháng sau khi WHO công bố báo cáo điều tra nguồn gốc Covid-19, 18 nhà khoa học nổi tiếng, gồm Worobey, đăng một thư ngỏ trên tạp chí Science, phàn nàn rằng nhóm của WHO thiếu sót khi loại bỏ giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm, yêu cầu xem xét nghiêm túc khả năng này.

Theo nghiên cứu của Worobey, ca Covid-19 sớm nhất không phải Chen, mà là người phụ nữ bán hải sản Wei Guixian, xuất hiện triệu chứng vào 11/12/2019. Wei cho biết trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc rằng các triệu chứng nghiêm trọng bắt đầu vào 11/12, nhưng cảm thấy mệt từ 10/12. Báo cáo của WHO cũng liệt kê một ca vào ngày 11/12 liên quan đến chợ Hoa Nam.

Worobey xác định Bệnh viện Trung ương Vũ Hán và Bệnh viện Xinhua Hồ Bắc từng ghi nhận 14 trường hợp viêm phổi không rõ nguyên nhân trước ngày 30/12. Tại mỗi bệnh viện, 4 trong số 7 trường hợp liên quan đến chợ Hoa Nam.

Phát ngôn viên WHO cho biết sẽ “khó bình luận” về ca Covid-19 đầu tiên, vì nhóm điều tra WHO bị hạn chế quyền truy cập dữ liệu y tế và quan trọng là các nhà điều tra phải tiếp tục tìm kiếm ca nhiễm sớm hơn.

Một số chuyên gia nói rằng công việc điều tra của tiến sĩ Worobey là đúng đắn và ca Covid-19 đầu tiên được ghi nhận rất có thể là một người bán hải sản.

Peter Daszak, chuyên gia về bệnh tật thuộc nhóm điều tra WHO, nói rằng ông cảm thấy thuyết phục với phân tích của tiến sĩ Worobey, và rằng nhóm điều tra WHO đã sai. “Mốc thời gian 8/12 là một sự nhầm lẫn”, ông nói.

Theo Daszak, nhóm điều tra WHO không hỏi Chen ngày xuất hiện triệu chứng. Thay vào đó, họ được các bác sĩ từ bệnh viện Xinhua ở Hồ Bắc, nơi điều trị các ca ban đầu nhưng không có Chen, cung cấp mốc thời gian 8/12. “Sai lầm nằm ở đó”, tiến sĩ Daszak nói.

Tiến sĩ Daszak cho biết đối với các chuyên gia WHO, cuộc phỏng vấn Chen không mang lại manh mối nào. Chen không có mối liên hệ rõ ràng nào với chợ Hoa Nam, phòng thí nghiệm hay tụ điểm đông người. Chen thích dành thời gian lướt Internet và chạy bộ, cũng không di chuyển nhiều.

Daszak nói nếu nhóm nghiên cứu xác định tiểu thương bán hải sản Wei là ca đầu tiên, họ sẽ quyết liệt theo đuổi các câu hỏi như cô ấy làm việc ở quầy hàng nào và sản phẩm cô bán đến từ đâu.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng phân tích do Worobey đưa ra vẫn chưa đủ để trả lời được câu hỏi lớn hơn là đại dịch bắt đầu như thế nào. Họ cho rằng virus có thể đã lây nhiễm cho “bệnh nhân số 0” trước người bán hải sản, sau đó lây lan trong chợ. Các nghiên cứu về những thay đổi trong bộ gene của virus cho thấy lần lây nhiễm đầu tiên có thể xảy ra vào khoảng giữa tháng 11/2019, vài tuần trước khi tiểu thương Wei bị nhiễm.

“Tôi không đồng ý với phân tích cho rằng tiểu thương Wei là ca nhiễm đầu tiên. Nhưng tôi cũng không cho rằng có bất kỳ dữ liệu nào xác đáng, đầy đủ để khẳng định bất cứ điều gì, ngoài vấn đề chợ hải sản Hoa Nam rõ ràng là sự kiện siêu lây nhiễm”, Jesse Bloom, nhà virus học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, cho biết.


Nhân viên y tế kiểm tra các thành viên nhóm điều tra WHO tại Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 2. Ảnh: AFP.

Tiến sĩ Bloom cũng lưu ý đây không phải lần đầu tiên báo cáo của WHO, được thực hiện với sự hợp tác của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, bị phát hiện có sai sót, gồm nhầm lẫn về mối liên hệ của bệnh nhân với chợ hải sản Hoa Nam. “Thật hoang mang khi trong tất cả ca nhiễm này, luôn có mâu thuẫn về thời điểm bắt đầu”, ông cho hay.

Các nhà khoa học khác cho biết còn lâu mới có thể chắc chắn về nguồn gốc đại dịch bắt nguồn từ chợ Hoa Nam.

“Tiến sĩ Worobey đã tái hiện được những gì có thể từ dữ liệu có sẵn và đó là giả thuyết hợp lý như bất kỳ giả thuyết nào khác. Nhưng tôi không nghĩ chúng ta sẽ biết chuyện gì đang xảy ra, bởi đã hai năm rồi và mọi thứ vẫn mờ mịt”, tiến sĩ W. Ian Lipkin, nhà virus học tại Trường Y tế Công cộng Mailman thuộc Đại học Columbia, cho biết.

Alina Chan, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Broad ở Cambridge, bang Massachusetts, một trong những người ủng hộ mạnh mẽ điều tra khả năng nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm, nói rằng những chi tiết mới về các ca nhiễm từ tháng 1 sẽ giúp các nhà khoa học truy tìm nguồn gốc đại dịch.

“Vấn đề chính mà nghiên cứu của Worobey chỉ ra là thiếu quyền truy cập dữ liệu và có sai sót trong báo cáo của WHO – Trung Quốc”, Chan cho hay.


(Nguồn: Vnexpress/Theo NY Times)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil