Hà Nội có nên xây dựng nhà hát 1.600 chỗ bên Hồ Tây?
Kinh tế Việt Nam, Tin Việt Nam, Văn hóa và du lịch
author17/07/2022 13:27
“Dự án Nhà hát ở khu vực quận Tây Hồ là một trong những giải pháp thực hiện các mục tiêu, mong muốn của Hà Nội. Đây là công trình cần thiết trong bối cảnh xã hội ngày hôm nay”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đánh giá.

Thông tin đồ án quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm bán đảo Quảng An, trong đó xây dựng một nhà hát 1.600 chỗ ngồi nằm trên hồ Đầm Trị, sát Hồ Tây ngay khi vừa được công bố đã thu hut sự quan tâm lớn của dư luận.

Được biết, đề án quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500, có tổng diện tích nghiên cứu hơn 77 ha, trong đó quy mô lập quy hoạch trên 45 ha thuộc địa giới hành chính phường Quảng An và một phần của phường Tứ Liên.

Phạm vi ranh giới quy hoạch gồm: Phía đông bắc giáp đường Xuân Diệu; phía tây bắc giáp các khu đất ven đường Đặng Thai Mai và giáp hồ Thủy Sứ; phía tây nam giáp mặt nước Hồ Tây; phía đông nam giáp các khu đất ven trục không gian Đặng Thai Mai, khu biệt thự Tây Hồ.

ha noi co nen xay dung nha hat 1.600 cho ben ho tay hinh anh 1
Phối cảnh tổng thể đồ án quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An. Ảnh: UBND quận Tây Hồ.

Để lấy ý kiến cộng đồng, quận Tây Hồ đã tổ chức treo pano quy hoạch ở bốn địa điểm trong khu vực bán đảo Quảng An; công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử.

Anh Ngô Khiêm, cư dân sinh sống tại đường Lạc Long Quân, Hồ Tây chia sẻ: “Rất háo hức khi nghe thông tin về đề án xây dựng Nhà hát ở khu Đầm Trị, Hồ Tây. Người dân không chỉ có một địa điểm sinh hoạt tinh thần mà đây cũng là địa điểm thu hút khách du lịch”. Chị Hoàng Anh, chủ kinh doanh homestay ở Hồ Tây cho biết, điều chị quan tâm nhất là vấn đề môi trường: “Lượng khách nước ngoài ở khu vực Hồ Tây là rất lớn và ổn định, ngay cả khi Hà Nội bị tấn công bởi đại dịch Covid-19, bởi nơi đây có không khí trong lành, không gian thoáng, cảnh quan đẹp. Tôi vui mừng vì có thêm một địa chỉ tham quan giá trị ở Hồ Tây nói riêng và Hà Nội nói chung, song điều tôi quan tâm nhất là công tác môi trường và vấn đề bảo vệ mặt nước, hài hoà cảnh quan trong quá trình quy hoạch và xây dựng công trình”.

Còn chị Ngọc Trâm, quận Cầu Giấy, Hà Nội thì bày tỏ ý kiến: “Là một người yêu nghệ thuật, tôi hoàn toàn ủng hộ đề án xây dựng Nhà hát 1.600 chỗ ở Hồ Tây. Nếu Nhà hát đi vào hoạt động, tôi và gia đình có thêm một địa chỉ giải trí, sinh hoạt cộng đồng cao cấp. Các con tôi có cơ hội được tiếp xúc với âm nhạc, nghệ thuật nhiều hơn, hướng tới những giá trị tinh thần tốt đẹp hơn là suốt ngày đắm chìm với máy tính, điện thoại”.

Ông Trường Thành, cựu Trưởng phòng Nghiệp vụ cơ sở, Sở Văn hoá Hà Nội tỏ ra thận trọng: “Quan điểm của tôi đó là không gian văn hóa không thể cứ chiếm dụng không gian mặt nước công cộng mà cần phải có quy hoạch rất cẩn trọng”. Còn PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: “Hà Nội đang có rất nhiều kế hoạch trong công tác phát triển văn hóa, để thực sự trở thành một trung tâm văn hóa của cả nước, tiêu biểu cho văn hóa người Việt Nam. Chính vì vậy, Hà Nội đã có rất nhiều kế hoạch, từ việc ban hành các Nghị quyết của Thành ủy, ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô, được UNESCO ghi danh cho thương hiệu là Thành phố Sáng tạo năm 2019. Để đạt được các mục tiêu, mong muốn, khát vọng đó thì Hà Nội cần phải làm rất nhiều việc, từ việc xây dựng nguồn nhân lực tương xứng với quy mô văn hóa của Thủ đô đến việc tổ chức các sự kiện, hoạt động tầm cỡ khu vực và quốc tế. Trong đó, rất cần có các thiết chế văn hóa để thực hiện các mục đích kể trên.

ha noi co nen xay dung nha hat 1.600 cho ben ho tay hinh anh 2
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Chính vì thế, dự án Nhà hát ở khu vực quận Tây Hồ là một trong những giải pháp thực hiện các mục tiêu, mong muốn của Hà Nội. Đây là công trình cần thiết trong bối cảnh xã hội ngày hôm nay. Tất nhiên chúng ta cần tính toán đến những tác động cả về kinh tế, văn hóa, xã hội để dự án có thể phát huy tác dụng tốt nhất. Về sự cần thiết thì tôi cho rằng dự án là cần thiết”.

Theo quy hoạch, bán đảo Quảng An sẽ hình thành trục cây xanh, khu vui chơi giải trí, công viên văn hóa tâm linh, với trục không gian cảnh quan đảm bảo yêu cầu phục vụ cộng đồng (không ngăn chia chức năng sử dụng ngoài mục đích công cộng), kết hợp với khu vực phát triển thương mại, dịch vụ, khách sạn phục vụ du lịch nghỉ dưỡng.

Công trình nhà hát là điểm nhấn kiến trúc của đồ án quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An. Nhà hát có diện tích khoảng 13.000 m2 do kiến trúc sư nổi tiếng thế giới người Ý Renzo nổi Piano thiết kế, nổi trên mặt hồ Đầm Trị, sẽ là không gian trình diễn nghệ thuật, địa điểm tổ chức các sự kiện văn hóa của Thủ đô, đang được UBND quận Tây Hồ lấy ý kiến cộng đồng dân cư.

ha noi co nen xay dung nha hat 1.600 cho ben ho tay hinh anh 3
Phối cảnh công trình nhà hát ở hồ Đầm Trị, phường Quảng An, Tây Hồ. (Ảnh: UBND quận Tây Hồ).

Đồ án cũng đưa ra mục tiêu tổ chức không gian kiến trúc tại khu vực nhằm thiết lập trục không gian kết nối trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây – Hồ Tây – bán đảo Hồ Tây – Sông Hồng – thành Cổ Loa, góp phần bảo tồn, tôn tạo và khai thác các giá trị đặc trưng về văn hóa, cảnh quan, mặt nước Hồ Tây, hồ Đầm Trị…

Quy hoạch cũng sẽ kết nối không gian ngầm đô thị, bãi đỗ xe ngầm với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của thành phố; cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, bổ sung bãi đỗ xe, bảo vệ môi trường sinh thái mặt nước Hồ Tây và môi trường khu vực./.

(Nguồn: VOV)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil