Hong Kong đau đầu với lô vaccine sắp hết hạn
Tin thế giới
author26/05/2021 08:53

Do chiến dịch tiêm chủng diễn ra chậm chạp, Hong Kong phải cân nhắc có nên bán lại các liều vaccine Covid-19 khi hạn sử dụng đang đến gần hay không.

Gần 4 triệu liều vaccine từ nhà sản xuất Trung Quốc Sinovac và BioNTech của Đức được chuyển đến Hong Kong từ tháng hai, nhưng khoảng một nửa trong số đó vẫn nằm trong kho khi chiến dịch tiêm chủng ở đặc khu này diễn ra chậm chạp. Sau ba tháng triển khai, chỉ khoảng 1,28 triệu người, tức 17% cư dân thành phố, đã tiêm mũi đầu tiên. Khoảng 921.500 người đã tiêm mũi thứ hai.

Vaccine BioNTech đến Hong Kong hồi tháng hai. Ảnh: SCMP.

William Chui Chun-ming, chủ tịch Hiệp hội Dược sĩ Bệnh viện, tin rằng thành phố phải đối mặt với ba lựa chọn, hoặc tiêu hủy vaccine khi hết hạn, hoặc tặng hay bán lại cho các nước có nhu cầu. Quan điểm cá nhân của Chui là nên bán lại số vaccine này cho các vùng dịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề trong khu vực, như Ấn Độ, Pakistan, Nepal hoặc Philippines.

“Những quốc gia đó thiếu vaccine chứ không thiếu tiền. Chúng ta có thể bán đi, dùng số tiền thu được để mua vaccine thế hệ hai trong tương lai”, ông nói.

Nhưng tiến sĩ Leung Chi-chiu, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, tin rằng Hong Kong chỉ cần xử lý đơn giản bằng cách yêu cầu nhà sản xuất dừng phân phối vaccine theo lịch trình định sẵn trước đó. Thành phố đã đặt mua từ BioNTech và Sinovac mỗi bên 7,5 triệu liều vaccine Covid-19, đủ để tiêm cho toàn bộ dân số 7,5 triệu người. Họ không tiết lộ chi phí đặt mua số vaccine này.

Hong Kong đến nay đã nhận được hai triệu liều BioNTech và hai triệu liều Sinovac, đã tiêm được lần lượt là 1,25 triệu và 953.300 liều. Vaccine BioNTech phải được bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C và có hạn sử dụng 6 tháng, trong khi Sinovac có hạn sử dụng hơn một năm. Giới chức cho biết vào tháng 4, một đơn đặt hàng 7,5 triệu liều AstraZeneca của Anh đã bị hủy bỏ.

Hong Kong hôm 25/5 thông báo mở rộng chương trình tiêm chủng, bao gồm những người đến từ Trung Quốc đại lục có giấy phép đi lại hai chiều và những người xin tị nạn đã ở thành phố từ trước.

Chui cho biết việc ngày hết hạn sử dụng đang đến gần khiến giới chức gần đây nỗ lực tăng cường tiêm chủng. Việc tiêu hủy vaccine sẽ là vấn đề đau đầu vì không thể đem chôn mà phải thiêu để tránh làm ô nhiễm môi trường bởi axit ribonucleic chứa trong đó.

Chính quyền thành phố tối 25/5 xác nhận vào rằng lô vaccine BioNTech họ sở hữu sẽ hết hạn vào giữa tháng 8. Giới chức cho biết họ sẽ thảo luận với các công ty dược phẩm về cách xử lý, một kịch bản là trì hoãn một số đơn đặt hàng hoặc không nhận bàn giao. Nhưng chính quyền đặc khu cũng sẽ cân nhắc phương án tài trợ vaccine cho các quốc gia có nhu cầu thông qua WHO.

“Do cần có thời gian để sản xuất vaccine, kiểm tra chất lượng, vận chuyển và hậu cầu, ngay cả khi sau này nhu cầu vaccine của công chúng đột ngột tăng cao, chúng ta cũng sẽ không thể bổ sung các loại vaccine phù hợp trong năm nay”, phát ngôn viên của Cục Thực phẩm và Y tế Hong Kong cho biết trong một tuyên bố.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine tại Sai Ying Pun, Hong Kong hồi đầu tháng. Ảnh: SCMP.

Mỹ tuần trước tuyên bố sẽ chia sẻ 80 triệu liều vaccine trên khắp thế giới, trong động thái được coi là để đối trọng “ngoại giao vaccine” Trung Quốc và Nga. Chui cho biết Mỹ, quốc gia có kho dự trữ vaccine Covid-19 ngày càng tăng, đã chia sẻ lượng vaccine AstraZeneca dư thừa với Canada. Hong Kong có thể xem xét cách thức này để xử lý số vaccine thừa.

Khi được hỏi liệu ông có cho rằng việc tồn vaccine trong thành phố có thể khiến Hong Kong khó mua vaccine thế hệ hai trong tương lai hay không, Chui cho biết kịch bản này khó xảy ra vì các hợp đồng mua sắm phần lớn phụ thuộc vào việc quốc gia và vùng lãnh thổ nào đặt hàng trước.

Leung, cựu chủ tịch ủy ban cố vấn của Hiệp hội Y tế Hong Kong về các bệnh truyền nhiễm, tin rằng thành phố không cần phải vội vàng ra quyết định, vì vẫn còn gần ba tháng nữa các liều BioNTech mới hết hạn.

Ông cũng chỉ ra rằng chỉ một phần nhỏ trong lượng vaccine đặt hàng từ BioNTech được chuyển đến theo đúng kế hoạch giao hàng từng giai đoạn, do vậy, lượng hàng tồn đọng không nhiều và việc giao hàng trong tương lai có thể được điều chỉnh hoặc trì hoãn theo nhu cầu của Hong Kong.

Không chỉ mỗi Hong Kong lo lắng về vaccine không sử dụng. Thái độ chần chừ tiêm chủng ở một số quốc gia châu Phi và hạn sử dụng ngắn đã dẫn đến việc hàng chục nghìn liều vaccine ở nhiều nơi bị tiêu hủy.

Giới chức quốc gia Đông Phi Malawi tuần trước tiêu hủy gần 20.000 liều AstraZeneca. Chúng là một phần của lô 102.000 liều do Liên minh châu Phi tài trợ vào cuối tháng ba, được đề hết hạn vào ngày 13/4, tức là Malawi có chưa đầy ba tuần để triển khai tiêm và họ đã sử dụng được khoảng 80% số đó.

John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, nói trong một cuộc họp báo vào cuối tháng trước rằng vẫn có thể sử dụng lô vaccine này đến ngày 13/7, dựa trên một phân tích sâu hơn do nhà sản xuất là Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) tiến hành. Nkengasong và WHO kêu gọi các quốc gia châu Phi không lãng phí vaccine được tặng. Tuy nhiên, chính phủ Malawi khẳng định không tiêm vaccine hết hạn cho người dân.

Tương tự, Nam Sudan cũng thải bỏ khoảng 59.000 liều AstraZeneca do Liên minh châu Phi cung cấp vào cuối tháng ba sau khi chúng hết hạn vào tháng 4. Trong khi đó, Đan Mạch đang tìm cách chia sẻ vaccine AstraZeneca với các quốc gia khác sau khi nước này ngừng sử dụng do lo ngại về tác dụng phụ như đông máu.

Tại Đài Loan, các quan chức y tế hồi tháng trước bày tỏ quan ngại rằng một phần lớn trong số 310.000 liều AstraZeneca mà họ nhận được sẽ bị lãng phí do tình trạng tiêm chủng chậm chạp. Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng đã tăng lên sau đợt lây nhiễm mới nhất, đây là vấn đề đáng lo vì số vaccine này sẽ hết hạn vào tháng 6.


(Nguồn: Vnexpress/Theo SCMP)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil