“Lạm phát” hoa hậu: Sớm bừng nở, chóng phai tàn
Tin tức, Tin Việt Nam
author23/07/2022 16:36

Sự thông thoáng, cởi mở quy định tổ chức cuộc thi nhan sắc của Nghị định 144 khiến cho lo ngại “nở rộ” các cuộc thi nhan sắc, “lạm phát” hoa hậu trở thành hiện thực khi chỉ 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã đón hàng chục hoa hậu đăng quang.


Ngày 25/3/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị phổ biến Nghị định số 144/2020/NÐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Một trong những điểm mới là việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp do UBND tỉnh, thành phố chấp thuận mà không cần phải xin cấp phép của Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Sự thông thoáng, cởi mở quy định tổ chức cuộc thi nhan sắc của Nghị định 144 khiến cho lo ngại “nở rộ” các cuộc thi nhan sắc, “lạm phát” hoa hậu trở thành hiện thực khi chỉ 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã đón hàng chục hoa hậu đăng quang.

“Lạm phát” hoa hậu
Bên cạnh những cuộc thi uy tín là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam, năm 2022 có nhiều cuộc thi mới được khởi động như: Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, Hoa hậu Trái đất Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Liên hiệp quốc Việt Nam… Đếm sơ, từ nay tới cuối năm, showbiz Việt cũng có ít nhất gần 60 tân hoa hậu, á hậu, hoa khôi, á khôi, người đẹp.


Theo tìm hiểu, mặc dù mang tên gọi khác nhau nhưng một số cuộc thi nói trên không có nhiều sự khác biệt. Số lượng thí sinh tham gia chỉ dừng lại ở con số trên dưới 30 người. Đã vậy, chất lượng thí sinh cũng không ít lần khiến khán giả… “hết hồn”. Các tiêu chí, giải thưởng cũng sẽ na ná nhau: Người đẹp tài năng, Người đẹp nhân ái, Người đẹp thể thao… Thậm chí, Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu… thậm chí còn sẵn sàng chấp nhận thí sinh từng phẫu thuật thẩm mỹ.

Sự trở lại ồ ạt của các cuộc thi nhan sắc cũng kéo theo hàng loạt gương mặt cũ trở lại cùng tranh tài. Không khó để tìm ra những “gương mặt thân quen” miệt mài “chạy show” ứng thí, tìm kiếm danh hiệu từ cuộc thi này đến cuộc thi khác, từ năm này qua năm khác.

Nam Em – nhan sắc đã “nhẵn mặt” trên đấu trường nhan sắc và nắm trong tay cả loạt danh hiệu như Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long 2015, Top 8 Miss Earth 2016 là một ví dụ. Năm nay, cô trở lại tranh tài ở Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam cùng với Hương Ly – quán quân Vietnam’s Next Top Model 2015; Quán quân Việt Nam Next Top Model 2016, Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam, top 10 Miss Supranational 2019 – Ngọc Châu; Á hậu 2 Hoa hậu biển Việt Nam 2016, đại diện Việt Nam tham dự Miss Supranational 2017 – Nguyễn Đình Khánh Phương…

Loạn hoa hậu, nỗi lo đến bao giờ?
Không phải đến bây giờ, việc bùng nổ cuộc thi nhan sắc mới khiến dư luận lo ngại chuyện “loạn hoa hậu”. Trước băn khoăn này, bà Phạm Kim Dung – Trưởng ban Tổ chức Hoa hậu Thế giới Việt Nam khi trả lời báo chí đã lạc quan cho rằng, đúng là việc có quá nhiều hoa hậu sẽ khiến chúng ta dễ bị loạn danh xưng và mất dần đi giá trị của danh hiệu cao quý này. Song, chúng ta cũng không nên quá lo ngại.

Theo bà Dung, chúng ta hãy để thị trường, khán giả quyết định sự tồn tại các cuộc thi. Cuộc thi nào chất lượng, mang giá trị thực cho xã hội sẽ phát triển, cuộc thi nào kém chất lượng, tự thân sẽ bị “đào thải”. “Bởi sau cùng, những nhan sắc tạo ra giá trị cho cộng đồng sẽ được quan tâm, còn những người theo chủ nghĩa cá nhân, không mang ý nghĩa gì cho xã hội thường không được chú ý”, bà Kim Dung nói thêm.
Đồng quan điểm, ông Trần Việt Bảo Hoàng – Phó ban Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cho rằng, nên để khán giả quyết định và công nhận các cuộc thi nhan sắc. Vì có 1, 10, 20 cuộc thi hay nhiều hơn thì những cuộc thi uy tín, hoa hậu xứng đáng thì mới được khán giả nhớ tới. Lúc này, bài toán duy trì cuộc thi lại quay trở lại điểm xuất phát, đó chính là đơn vị tổ chức.

Cũng có ý kiến tin rằng, việc cấp phép tổ chức cuộc thi hoa hậu được đưa về địa phương là tỉnh, thành phố quản lý có sâu sát hay không, sau cùng vẫn sẽ được cơ quan quản lý cấp Bộ làm công tác hậu kiểm. Việc thu hồi danh hiệu, hủy kết quả… nếu vi phạm các điều khoản đã được nêu tại Nghị định 144/2020/NĐ – CP sẽ là lời giải cho các cuộc thi sai phạm. Song, không ít người cũng hoài nghi rằng, nếu tiếp tục “cởi trói” như vậy, nỗi lo loạn hoa hậu sẽ còn kéo dài đến bao giờ là câu hỏi chưa có hồi đáp.

Cần sớm rà soát lại quá trình triển khai Nghị định số 144
Nghị định 144/2020/NĐ-CP về nghệ thuật biểu diễn “cởi trói” cho các đơn vị tổ chức. Thẩm quyền cấp phép được giao về cho địa phương, và cũng không còn giới hạn hai cuộc thi cấp quốc gia/năm như trước đây. Đó là một bước tiến lớn trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc chỉ trong thời gian ngắn, các cuộc thi mọc lên như nấm ít nhiều gây phản ứng tiêu cực. Các cuộc thi đều gắn với một tôn chỉ, mục tiêu nào đó, chẳng hạn quảng bá du lịch, thúc đẩy nhận thức về môi trường… nhưng rất ít hoạt động thực tiễn có ảnh hưởng sâu rộng được triển khai sau đó. Một số vấn đề đã nảy sinh trong thực tế.

Hơn một năm đi vào đời sống, Nghị định số 144/2020/NĐ-CP Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (có hiệu lực từ 1/2/2021) bộc lộ một số điểm bất hợp lý. Cuộc tranh chấp bản quyền cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam vừa qua là một trong những vấn đề cấp thiết đòi hỏi các nhà quản lý phải lên tiếng, cần giải quyết rốt ráo.

NSƯT Trần Ly Ly – Quyền Cục trưởng Cục NTBD cho biết, Cục đã nắm được câu chuyện tranh chấp bản quyền tổ chức thi hoa hậu vừa phát sinh. Đây chỉ là một khía cạnh trong lĩnh vực tổ chức thi người đẹp. Bà Trần Ly Ly cho biết, Cục NTBD đang xin ý kiến lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để rà soát lại quá trình triển khai Nghị định số 144. Cục NTBD sẽ làm việc với một số địa phương để rà soát việc thực hiện NĐ 144.

Bất cập không chỉ xảy ra ở lĩnh vực tổ chức thi người đẹp mà còn nảy sinh ở hoạt động biểu diễn khác. Giám đốc một nhà hát kịch lớn bậc nhất cả nước kể, từ khi NĐ 144 ra đời, Cục NTBD không còn cấp phép cho vở diễn nữa và người đứng đầu nhà hát chịu hoàn toàn trách nhiệm về vở diễn. Thế nhưng khi đưa vở diễn đi lưu diễn ở các địa phương, có nơi đòi hỏi đoàn phải biểu diễn lại cả vở để họ duyệt.

“Làm như vậy là không đúng tinh thần của NĐ 144, bởi chúng tôi chỉ cần có văn bản chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (ở đây là địa phương nơi diễn ra hoạt động biểu diễn). Hơn nữa điều này còn cho thấy hiện tượng đối với một số quy định, mỗi người, mỗi nơi hiểu một khác” – vị Giám đốc này nêu.

Tình trạng nêu trên có thể xuất phát từ thực tế chưa có thông tư hướng dẫn tường tận, bởi lĩnh vực hoạt động nghệ thuật biểu diễn được cho là có nhiều đặc trưng định tính hơn là định lượng. Đặt câu hỏi với lãnh đạo Cục NTBD về việc có cần thiết soạn thảo thông tư hướng dẫn NĐ 144 hay không, NSƯT Trần Ly Ly trả lời Cục sẽ rà soát và đánh giá NĐ trước rồi mới xem xét, đề xuất giải pháp.

Nghị định hay bộ luật ra đời luôn cần tầm nhìn xa, đón đầu xu hướng phát triển của đời sống, tuy nhiên nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật lâu nay vẫn bị cho là chạy sau thực tế, vừa ra đời đã lạc hậu. Đơn cử như Nghị định 79/2012/NĐ-CP ra đời năm 2012 đã lập tức có những điều khoản không sát thực tế, buộc phải sửa đổi. Bốn năm sau, Cục NTBD trình Nghị định số 15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79 quy định về biểu diễn nghệ thuật; trình diễn thời trang; thi người đẹp người mẫu; lưu hành kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Và rồi chỉ bốn năm sau lại có thêm NĐ 144 ra đời về hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

(Nguồn: Congluan)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil