Liệu châu Âu có quá tham vọng trong cuộc định hình cải cách vì tương lai?
Tin nổi bật, Tin thế giới
author11/05/2022 12:24
Hội nghị tương lai châu Âu vừa kết thúc được xem như một “cuộc diễn tập” chưa từng có về sự cải cách tại lục địa già với những đề xuất vạch ra một tương lai cho EU trong giai đoạn phát triển mới.

Tại hội nghị này, hàng loạt đề xuất gồm các mục tiêu cụ thể và hơn 320 biện pháp cho các tổ chức EU, vạch ra một tương lai cho EU trong một giai đoạn phát triển mới, trong đó không loại trừ cả việc sửa đổi các hiệp ước của EU.

Tinh thần chung của các đề xuất

Hội nghị về tương lai châu Âu vừa kết thúc đã đưa ra 49 kiến nghị trong 9 nhóm chủ đề và 325 giải pháp để thực hiện các kiến nghị đó. Đây là thành quả của 1 năm thảo luận của 449 công dân đến từ tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Các công dân châu Âu đã đưa ra các đề xuất về tất cả các chủ đề liên quan đến châu Âu, từ những chủ đề nhỏ mang tính biểu tượng, như việc đổi tên gọi của Uỷ ban châu Âu, cho đến những chủ đề mang tính vĩ mô như vai trò của châu Âu trên thế giới.

Về tổng thể, có một số chủ đề nổi bật được nhắc đến nhiều. Đầu tiên là vấn đề sinh thái. Các công dân châu Âu muốn châu Âu duy trì và thúc đẩy các mục tiêu tham vọng hơn nữa trong vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng với mục tiêu biến châu Âu thành châu lục đầu tiên trên thế giới đạt mức trung hoà các-bon vào giữa thế kỷ 21. Chủ đề lớn thứ hai là về quốc phòng. Các công dân châu Âu tham gia Hội nghị cho rằng châu Âu phải gia tăng chi tiêu quốc phòng, đạt được sự tự chủ chiến lược để trở thành một cường quốc địa chính trị trên thế giới. Trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine hiện nay, dĩ nhiên yêu cầu này càng trở nên cấp thiết hơn.

Tiếp đến, chủ đề lớn thứ 3 được nhiều công dân kiến nghị là về mặt cải cách dân chủ, tức làm sao để các công dân được tham gia nhiều hơn vào quá trình ra quyết định của khối. Một số đề xuất đáng chú ý, đó là việc tiến hành trưng cầu ý dân tại các nước EU đối với tất cả các chủ đề quan trọng của châu Âu, tức là gia tăng hình thức dân chủ trực tiếp. Đòi hỏi này có thể hiểu được bởi trong nhiều năm qua, bộ máy của Liên minh châu Âu bị chỉ trích rất nhiều về việc ngày càng trở nên quan liêu, độc đoán, quá thiên về kỹ trị nên áp đặt nhiều chính sách một cách máy móc, thiếu sự tham vấn và quan tâm đến tầng lớp bình dân tại các nước thành viên, đôi khi còn không coi trọng chủ quyền quốc gia của các nước. Đi xa hơn, cũng đã có những đề xuất về việc cải cách các Hiệp ước châu Âu, xoá bỏ cơ chế đồng thuận.

Nhìn chung, tinh thần chung của những đề xuất mà các công dân đại diện của châu Âu đưa ra là một sự đổi mới triệt để cách thức tổ chức, hoạt động của Liên minh, với việc đề ra các ưu tiên chiến lược hoàn toàn mới. Những kiến nghị này xuất phát từ thực tế rằng các công dân châu Âu đang ý thức rất rõ được các thách thức và nguy cơ tụt hậu mà EU phải đối mặt trong bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp và nguy hiểm hơn.

Bước ngoặt mang đến “làn gió mới”

Giới lãnh đạo EU gọi những đề xuất này là một bước ngoặt mang đến “làn gió mới” cho lục địa già. Tuy nhiên, những cải cách bao gồm cả sửa đổi các hiệp ước vấp phải những ý kiến gây tranh cãi. Chẳng hạn như các kiến nghị kêu gọi EU loại bỏ nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối trong các quyết định của khối, đã vấp phải sự phản đối của 1/3 các thành viên EU.

Trước hết chúng ta cần phân biệt rõ rằng, Hội nghị về tương lai châu Âu chỉ là một hình thức dân chủ của các nước châu Âu, một cách để các lãnh đạo châu Âu thể hiện rằng họ muốn công dân tham gia nhiều hơn vào tiến trình xây dựng châu Âu, rằng họ tôn trọng và muốn lắng nghe ý kiến của các công dân. Nhưng, tất cả các kiến nghị, đề xuất, giải pháp mà Hội nghị này đưa ra hoàn toàn không có bất cứ một ràng buộc pháp lý nào. Không có bất cứ điều khoản nào bắt buộc các lãnh đạo châu Âu phải tiếp thu và hiện thực hoá toàn bộ các kiến nghị do các công dân châu Âu đưa ra. Do đó, đây thực chất vẫn chỉ là một hình thức tham vấn công dân.

Ý tưởng này do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất vào đầu năm 2021, sau khi ông Macron từng cho thực hiện các cuộc tham vấn công dân tương tự tại Pháp vào năm 2019 sau bạo động “Áo vàng” và sau đó là về vấn đề môi trường, dưới tên gọi là “Hiệp ước công dân về khí hậu”. Nhưng ngay cả ở Pháp, các cuộc tham vấn này cũng không thực sự mang lại tác động lớn. Hầu hết đề xuất được các công dân đưa ra sau đó đều bị lãng quên hoặc được thực thi một cách chậm chạp.

Vì thế, đối với Hội nghị về tương lai châu Âu, việc các lãnh đạo châu Âu ca ngợi, tán dương nhiều về kết quả của Hội nghị không quan trọng bằng câu hỏi “liệu các lãnh đạo châu Âu sau đó có thực sự lắng nghe đề xuất từ các công dân châu Âu hay không”? Chúng ta đều hiểu rằng, đến cuối cùng, quyết định vẫn là do các lãnh đạo châu Âu đưa ra, dựa trên các tính toán lợi ích riêng, chứ không phải là do các công dân châu Âu quyết định.

Đối với vấn đề bỏ nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối, nhiều lãnh đạo châu Âu đã đề cập đến từ vài năm trước, khi xảy ra khủng hoảng người tị nạn Syria 2015 chứ không cần đợi đến kiến nghị của các công dân. Ngay khi đó, nhiều lãnh đạo châu Âu đã nhận thức được rằng nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối có thể dẫn đến việc làm châu Âu tê liệt khi bất cứ một quốc gia thành viên EU nào cũng có thể phong toả quyết định của cả khối.

Năm 2015, đó là khối các nước Visegrad gồm Ba Lan, Hungary, CH Séc, Slovakia khi các nước này kiên quyết không chấp nhận cơ chế phân bổ người tị nạn từ Uỷ ban châu Âu. Tiếp theo, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ năm 2020 và châu Âu thảo luận biện pháp vay nợ chung – trả nợ chung để huy động gói hồi phục 750 tỷ euro, một số nước như Ba Lan, Hungary lại đe doạ phủ quyết nếu châu Âu gắn việc phân bổ gói này với điều kiện về nhà nước pháp quyền, còn các nước như Hà Lan, Áo cũng đe doạ phủ quyết nếu châu Âu “chia” tiền cho các nước thành viên mà lại không có điều kiện đi kèm. Hiện tại là các mâu thuẫn liên quan đến cuộc chiến Ukraine. Do đó, trong vài năm qua đã có quá nhiều ví dụ về việc nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối có thể làm tê liệt các quyết định quan trọng của châu Âu và chắc chắn châu Âu phải tìm cách thay đổi.

Việc có đến 13 nước phản đối đề xuất loại bỏ nguyên tắc này có nhiều lí do. Các nước ở Đông Âu như Ba Lan, Hungary, CH Czech, Bulgaria, Croatia… đương nhiên vẫn muốn giữ nguyên tắc này vì đây là vũ khí mà các nước này bao năm qua sử dụng để buộc Uỷ ban châu Âu phải nhượng bộ vì về cơ bản, đây là các nước gia nhập EU sau này, có trình độ phát triển kinh tế kém hơn các nước Tây – Bắc Âu, có tiếng nói ít quan trọng hơn. Vì thế, nếu bỏ nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối thì các nước này lo sợ sẽ bị chèn ép và buộc phải tuân thủ luật chơi do các nước Tây Âu đặt ra. Ví dụ rõ nhất là các trường hợp Ba Lan và Hungary, vốn bao năm nay mâu thuẫn với châu Âu vì các cải cách tư pháp, truyền thông, quyền của người đồng tính…

Riêng 3 nước Bắc Âu là Đan Mạch, Thuỵ Điển, Phần Lan thì phản đối vì cho rằng các Hiệp ước châu Âu về cơ bản vẫn đang hoạt động hiệu quả và việc xem xét thay đổi các Hiệp ước hiện nay là quá sớm và không phù hợp. Về sâu xa, 3 nước Bắc Âu vốn là các nước theo đuổi nguyên tắc bình đẳng tuyệt đối giữa các nước thành viên trong Liên minh nên lo ngại việc từ bỏ cơ chế đồng thuận có thể tạo ra nguy cơ một số nước lớn trong EU, ở đây là bộ đôi Pháp – Đức, áp đặt ý chí lên các thành viên còn lại.

Những cuộc khủng hoảng buộc châu Âu phải thay đổi

Châu Âu là một khối gồm 27 quốc gia thành viên với trình độ phát triển kinh tế, điều kiện văn hoá – xã hội rất khác biệt. Để có được một Liên minh châu Âu như hiện nay là một quá trình hội nhập kéo dài nhiều thập kỷ, với các cải cách được tiến hành một cách lâu dài, bài bản. Do đó, đối với châu Âu, yêu cầu thực hiện nhanh, ra quyết định nhanh là điều không phù hợp với cách thức tổ chức của khối này. Trong quá khứ, các cải cách lớn thậm chí có thể đối mặt với nguy cơ đổ vỡ vào phút cuối cùng, như năm 2005 khi công dân các nước Pháp và Hà Lan bỏ phiếu chống trong cuộc trưng cầu ý dân về Hiến pháp châu Âu.

Dĩ nhiên các lãnh đạo châu Âu ý thức rất rõ về đặc điểm này của khối và về các hạn chế trong tốc độ ra quyết định. Trong 10 năm trở lại đây, từ khi xảy ra khủng hoảng nợ công, khủng hoảng tị nạn 2015, khủng hoảng Brexit, đại dịch Covid-19 rồi cuộc chiến tại Ukraine, đánh giá một cách khách quan là châu Âu đã có những cải thiện rất lớn trong tiến trình ra quyết định. Nhiều quyết định lịch sử đã được châu Âu đưa ra trong một thời gian ngắn kỷ lục với khối này, từ việc xây dựng Cơ chế bình ổn châu Âu, phân bổ người tị nạn, xây dựng cơ chế mua chung và phân phối chung vaccine ngừa Covid-19, vay nợ chung – trả nợ chung gói 750 tỷ euro để phục hồi hậu đại dịch và mới nhất là các phản ứng chung đối với Nga sau khi nổ ra cuộc chiến tại Ukraine. Do đó, nếu đánh giá thực chất, Liên minh châu Âu vẫn là một thiết chế hoạt động tương đối hiệu quả và có tầm quan trọng lớn trên thế giới.

Tất nhiên, tất cả các cuộc khủng hoảng nói trên đều đã làm lộ ra rất nhiều hạn chế và yếu kém của châu Âu và buộc châu Âu phải thay đổi. Hạn chế lớn nhất vẫn là tốc độ ra quyết định. Các quyết định gần đây dù đã nhanh hơn so với chính châu Âu nhưng vẫn chậm hơn nhiều so với các đối thủ khác. Vì thế, từ nhiều năm qua, ý tưởng về “một châu Âu, nhiều tốc độ” đang ngày càng được thảo luận nhiều, theo đó 27 nước thành viên EU sẽ được phân bổ thành các vòng tròn đồng tâm, với vòng tròn lõi là nhóm các nước sáng lập EU ở Tây Âu có trình độ phát triển cao như Đức, Pháp, Hà Lan, Italy, Bỉ… tiếp đến là các nước Bắc Âu – Nam Âu và vòng tròn ngoài cùng là các nước Đông Âu, Balkan. Ý tưởng này được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Italy Mario Draghi vận động mạnh mẽ và các lãnh đạo Đức cũng tỏ ý quan tâm. Nếu ý tưởng này được thực hiện, châu Âu có thể ra một quyết định và được thực thi ngay với một nhóm nước, trong khi các nhóm khác có thể tiến hành chậm hơn, chứ không cần đợi sự đồng thuận của toàn bộ 27 nước.

Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn với châu Âu là toàn bộ các khủng hoảng mà khối này phải đối mặt đều không phải chuyện nội bộ của riêng EU mà là các vấn đề mang tính châu lục, thậm chí toàn cầu. Do đó, EU cần phải mở rộng các vòng tròn này ra rộng hơn 27 nước thành viên. Đây chính là điều mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi là “Cộng đồng chính trị châu Âu”, tức một vòng tròn thu nạp cả những nước đang muốn gia nhập EU nhưng chưa đủ điều kiện như Ukraine, Gruzia, các nước Tây Balkan, cho đến cả quốc gia đã ra khỏi EU như Vương quốc Anh. Khi đó thì mới có thể giải quyết được các bài toán của cả khu vực hay thế giới. Các cuộc khủng hoảng vừa qua và hiện tại chắc chắn sẽ bắt buộc EU phải đi nhanh hơn nhưng liệu có thành công hay không thì cần phải chờ thời gian trả lời./.

(Nguồn: VOV)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil