Lý do Biden quay lưng với Afghanistan
Tin thế giới, Tin tức
author16/08/2021 09:58

Cuối tuần trước, Biden bày tỏ lòng trắc ẩn với người dân Afghanistan giữa lúc Taliban chuẩn bị tiến vào Kabul, nhưng vẫn kiên quyết với kế hoạch rút quân.

“Thêm một năm, hoặc 5 năm nữa, sự hiện diện của quân đội Mỹ sẽ không tạo ra khác biệt nào nếu quân đội Afghanistan không thể bảo vệ được đất nước của chính họ. Đối với tôi, sự hiện diện không hồi kết của Mỹ trong cuộc xung đột nội bộ của một quốc gia khác là không thể chấp nhận”, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết hôm 14/8.

Một ngày sau, từ Trại David ở bang Maryland, Biden chủ trì một cuộc họp trực tuyến với các cố vấn an ninh quốc gia và chứng kiến sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Afghanistan. Kể từ hôm 10/8, Biden chưa công khai bình luận gì về cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Á này. Khi rời Nhà Trắng chiều 12/8 để trở về quê nhà ở thành phố Wilmington, bang Delaware, ông cũng không nhận câu hỏi nào.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng hôm 14/4, khi tuyên bố rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Afghanistan. Ảnh: AP.

Biden ban đầu ủng hộ Mỹ hiện diện tại Afghanistan, nhưng thay đổi quan điểm khi cuộc chiến với Taliban ngày càng bế tắc, trong khi những nỗ lực thành lập một chính phủ dân cử hiệu quả liên tục thất bại. Khi còn giữ chức phó tổng thống dưới thời Barack Obama, Biden cũng đã phản đối mở rộng cuộc chiến.

Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, Biden đã lên tiếng mạnh mẽ về việc phải hạn chế những cái giá mà các binh sĩ và gia đình họ phải trả vì những cuộc chiến của Mỹ. Sau khi tuyên bố rút hết quân khỏi Afghanistan hồi tháng 4, ông đã rơi nước mắt khi tới thăm Nghĩa trang Quốc gia Arlington, nơi chôn cất những nạn nhân trong cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq.

Beau Biden, con trai cả của ông chủ Nhà Trắng, từng là thành viên trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Delaware và được triển khai tới Iraq vào năm 2008. Biden cho rằng việc con trai ông tiếp xúc với các hố đốt rác trong quá trình triển khai có thể là nguyên nhân dẫn đến cái chết vì bệnh u não của anh.

Sau khi lên nắm quyền, lập trường của Biden trong vấn đề Afghanistan ngày càng trở nên vững chắc. Các cố vấn của ông cho biết không có giải pháp quân sự nào tại Afghanistan, trong khi Biden sẽ không cho phép có thêm người Mỹ thiệt mạng vì vấn đề này.

Đó là quan điểm được ủng hộ trong các cuộc thăm dò dư luận, mang âm hưởng của chính sách “Nước Mỹ trên hết” từ thời cựu tổng thống Donald Trump.

Một số quan chức chỉ ra rằng Trump khởi xướng việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, sau 20 năm hiện diện tiêu tốn hàng tỷ USD, cũng với lý do chấm dứt những mất mát không cần thiết về sinh mạng người Mỹ trên chiến trường. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken giải thích rằng Biden từ chối kéo dài một nhiệm vụ vô ích và thiếu sự ủng hộ của công chúng Mỹ.

“Các đối thủ chiến lược của chúng tôi trên khắp thế giới không mong gì hơn ngoài việc chứng kiến Mỹ hiện diện ở Afghanistan thêm 5, 10, 20 năm nữa. Đây đơn giản không phải lợi ích quốc gia”, Blinken trả lời phỏng vấn hôm 15/8, ngay trước khi Kabul bị bao vây.

Ngay sau khi Taliban chiếm được thành phố Jalalabad gần thủ đô Kabul, các trực thăng bắt đầu thực hiện nhiệm vụ sơ tán nhân viên khỏi đại sứ quán Mỹ, viễn cảnh mà Biden từng nói rằng sẽ không bao giờ xảy ra. Cờ Mỹ tại đại sứ quán ở Kabul cũng được hạ xuống, đánh dấu bước di tản cuối cùng. Lầu Năm Góc đã điều thêm binh sĩ đến Afghanistan để hỗ trợ cuộc rút quân đầy hỗn loạn.

Taliban tiến vào Kabul mà không gặp sự kháng cự nào từ lực lượng chính phủ và được cho là chắc chắn sẽ khôi phục quyền lực bị lật đổ 20 năm trước. Trong khi đó, người dân Afghanistan đổ xô đến sân bay, khiến nhiều máy bay di tản thậm chí không thể cất cánh. Tổng thống Ashraf Ghani, người cảm ơn Biden nồng nhiệt vì sự hy sinh của Mỹ tại Afghanistan trong chuyến thăm Nhà Trắng hồi tháng 6, cũng rời đất nước.

“Người Afghanistan sẽ phải tự quyết định tương lai của họ, về những điều họ mong muốn”, Biden phát biểu trong cuộc họp với Ghani, nói thêm rằng Mỹ sẽ giúp đỡ tài chính và những hỗ trợ khác.

Biden được cho là sẽ không thoát khỏi sự chỉ trích vì vấn đề Afghanistan như ông từng nghĩ, ngay cả khi người tiền nhiệm của ông cũng ủng hộ rút quân khỏi nước này, theo Nathan Sales, điều phối viên chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Trump.

“Chính quyền Biden chịu trách nhiệm cho chuyện này, bởi họ đã thay thế cách tiếp cận tùy tình hình của chính quyền Trump bằng quyết tâm rời khỏi Afghanistan bất kể hoàn cảnh thực địa ra sao”, Sales đánh giá.

Hạ nghị sĩ Cộng hòa Michael Waltz, sĩ quan dự bị của quân đội Mỹ từng thực hiện nhiều nhiệm vụ tại Afghanistan, cũng lên tiếng chỉ trích Biden, cho rằng Washington sẽ đánh mất đồng minh vì hành động rút quân đột ngột này.

Waltz cũng đánh giá Mỹ đã thất bại toàn diện trong việc bảo vệ những người Afghanistan dễ bị tổn thương đã hỗ trợ Mỹ hai thập kỷ qua. “Tôi không biết liệu ông ấy có nhận thức được điều gì thực sự sẽ xảy ra với họ hay không”, hạ nghị sĩ cho hay.

Dù vậy, Biden vẫn kiên quyết với lập trường của mình. Đây được cho là là cách tiếp cận khá cứng rắn và lạnh lùng từ một Tổng thống nổi tiếng vì sự đồng cảm.

“Để tôi hỏi những người muốn chúng tôi ở lại: Các bạn sẵn sàng mạo hiểm thêm bao nhiêu nghìn người con của nước Mỹ nữa? Các bạn sẽ để họ ở lại đó bao lâu? Nhiều thành viên trong quân đội của chúng ta có cha mẹ cũng từng chiến đấu tại Afghanistan 20 năm trước. Con cháu của họ cũng tiếp nối nữa hay sao? Mọi người có sẵn sàng đưa con mình tới đó không?”, Biden đặt một loạt câu hỏi trong bài phát biểu tại Nhà Trắng tháng trước.

Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm ngoái, khi được hỏi liệu Mỹ có trách nhiệm đối với phụ nữ và các bé gái Afghanistan trong bối cảnh Taliban có thể tiếp quản đất nước hay không, Biden trả lời không. “Tôi có phải chịu trách nhiệm hay không ư? Tôi không có trách nhiệm nào”, ông nói.

“Chúng tôi không có khả năng sử dụng lực lượng vũ trang của mình để giải quyết mọi vấn đề nội bộ trên thế giới. Vấn đề nằm ở lợi ích sống còn của Mỹ, hoặc lợi ích của một trong các đồng minh của chúng tôi, có bị đe dọa hay không”, Biden cho hay.


(Nguồn: Vnexpress/Theo Washington Post)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil