Nga “căng mình” đối phó phương Tây sau một tháng hứng “bão” trừng phạt
Tin nóng, Tin thế giới
author30/03/2022 11:50

Nga đã có các biện pháp khác nhau để đối phó với áp lực từ lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng những thách thức trước mắt tiếp tục mang tới “bài toán khó” cho Moscow.


Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: RT).

Hơn một tháng kể từ khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga vẫn đang tìm thêm những cách mới để đối phó với lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ từ phương Tây.

Trong những tuần qua, Nga đã có biện pháp đáp trả với các lệnh trừng phạt thông qua việc công bố hàng loạt lệnh cấm xuất khẩu thiết bị y tế, ô tô và nông nghiệp, cũng như cảnh báo có thể hạn chế tàu nước ngoài ở các cảng của Nga.

Để giúp giảm bớt thiệt hại tài chính của lệnh trừng phạt, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã yêu cầu “các quốc gia không thân thiện” trả tiền mua khí đốt tự nhiên của Nga bằng đồng rúp. Đây được xem là động thái về cơ bản sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế bằng cách tăng nhu cầu về đồng nội tệ.

Ngoài ra, có những tin tức gần đây nói rằng Nga dường như đã nhờ Trung Quốc để giúp Moscow vượt qua những thách thức về tài chính từ các lệnh trừng phạt phương Tây, dù cả Bắc Kinh và Moscow đều bác bỏ thông tin này.

Giờ đây, giới quan sát đang đặt ra câu hỏi rằng, liệu những chiến lược Nga đang áp dụng có thành công hay không và nếu chúng không được như kỳ vọng thì điều đó có ảnh hưởng tới quyết định của Nga liên quan tới chiến dịch quân sự hay không.

Chuyên gia Peter L. Hahn từ Đại học Ohio (Mỹ) cho biết, không có gì nghi ngờ khi các biện pháp trừng phạt mạnh nhất – bao gồm cấm các tổ chức Nga tham gia dịch vụ tài chính toàn cầu Swift, đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga, rút hoạt động của công ty và chuỗi cung ứng – đang gây tổn hại cho nền kinh tế của Moscow và buộc ông Putin phải hành động.

Trả lời Newsweek, ông Hahn cho biết, bất chấp những thiệt hại tài chính mà đất nước đang gánh chịu, Nga vẫn có thể tiếp tục kéo dài chiến dịch ở Ukraine bằng các biện pháp né tránh hoặc chống lại những diễn biến trên. Thành công của ông Putin trong việc “vô hiệu hóa tác động của các lệnh trừng phạt” sẽ tác động tới khả năng Nga tiếp tục hành động quân sự ở Ukraine, theo ông Hahn.

“Ông Putin có thể bắt tay với Trung Quốc hay các quốc gia trung lập và thân thiện để bù đắp vào khoảng trống mà phương Tây gây ra. Ông Putin cũng có thể dùng dầu và khí đốt của Nga như là đòn bẩy chống lại các quốc gia phương Tây đang phụ thuộc vào nguồn này”, ông Hahn nói.

Tuy nhiên, Natalie Jaresko, cựu Bộ trưởng Tài chính Ukraine, cho rằng việc giao thương với Trung Quốc khó có thể giúp Nga thay thế những thiệt hại kinh tế mà họ đã phải đối mặt, hoặc sẽ tiếp tục đối mặt khi phương Tây “cô lập” Moscow.

“Sẽ không có sự thay thế cho thị trường phương Tây. Nó có thể sẽ làm nền kinh tế của Nga chậm lại trong dài hạn và gây ra sự thay đổi có tính thế hệ”, bà Jaresko nói với Newsweek.

Lá bài “thanh toán bằng đồng rúp”

Trong những tuần sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, Nga tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu và phương Tây như bình thường. Điều này có thể sẽ sớm thay đổi.

Tổng thống Putin đã yêu cầu các nước “không thân thiện” phải trả tiền mua khí đốt bằng rúp chứ không phải bằng USD hay EUR như trong hợp đồng đã ký kết trước đó.

Giờ đây, khi hạn chót của việc thanh toán bằng rúp sắp tới gần, Nga đã phát đi cảnh báo về việc Moscow có thể dừng cung cấp khí đốt cho châu Âu trừ khi họ được trả bằng rúp.

Mục tiêu của Nga rất rõ ràng là họ muốn tăng giá trị của đồng rúp sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đã gây ra hàng loạt khó khăn với nền kinh tế Moscow cũng như làm sụt giá đồng nội tệ. Vì vậy, Nga muốn gây áp lực lên phương Tây để buộc họ phải trả bằng rúp, nếu không họ sẽ phải trả giá.

Liên minh châu Âu đang lên kế hoạch cắt giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên từ Nga trong năm nay khi họ chuẩn bị cho một cuộc “chia tay” hoàn toàn với nhà cung cấp năng lượng lớn nhất. Nhưng thực tế không phải dễ dàng với châu Âu khi họ sẽ phải “vật lộn” để tồn tại lâu dài nếu không có khí đốt của Nga, và việc tìm kiếm các nguồn thay thế là một thách thức lớn về mặt hậu cần. Nếu Nga cắt nguồn cung, kịch bản suy thoái với EU là có khả năng cao xảy ra, nhất là với nền kinh tế “đầu tàu” của khối như Đức – nước phụ thuộc lớn vào năng lượng Nga.

Điều này đặt EU vào thế khó khi hạn chót sắp tới gần. Liệu họ sẽ chấp nhận yêu cầu của Nga để khiến rúp tăng giá, hay họ sẽ đối mặt với kịch bản bị cắt nguồn cung năng lượng – rủi ro rất lớn và có thể mang tới thiệt hại nghiêm trọng.

Tuy nhiên, quan hệ mua bán dầu khí giữa Nga và EU thực chất là “đôi bên cùng có lợi”.

“Châu Âu cần khí đốt của Nga, nhưng Nga cũng cần châu Âu mua nó. Nước này không thể dễ dàng chuyển hướng dòng khí đốt từ người tiêu dùng châu Âu sang một nơi khác”, chuyên gia Emily Holland từ Đại học Tác chiến Hải quân Mỹ, nhận định.

Các nước khối G7 gồm Anh, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản đã tuyên bố sẽ không làm theo yêu cầu của Nga vì nó sẽ phá bỏ hợp đồng khí đốt hiện có với Moscow, vốn yêu cầu trả bằng USD và EUR.

Bà Holland cảnh báo rằng, việc thay đổi điều khoản có nghĩa là hợp đồng khí đốt có thể sẽ phải thương lượng lại và có thể sẽ có những điều khoản bất lợi cho Nga, ví dụ như bên mua sẽ yêu cầu thời hạn ngắn hơn. Điều này có thể gây bất lợi cho nền công nghiệp năng lượng Nga về lâu dài.

(Nguồn: Dantri)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil