Nga – Ukraine “bài binh bố trận” trước trận chiến lớn ở miền Đông
Tin nổi bật, Tin nóng, Tin thế giới
author26/04/2022 15:16

Cả Nga và Ukraine đều triển khai lực lượng và chiến thuật để chuẩn bị cho trận chiến lớn ở miền Đông, sau khi giai đoạn một của chiến dịch quân sự kết thúc.


Lực lượng thân Nga trên xe bọc thép tại thành phố Mariupol, Ukraine (Ảnh: Reuters).

Khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2, Moscow được dự đoán sẽ “đánh nhanh thắng nhanh”. Tuy nhiên, sau 2 tháng xung đột, Nga đã quyết định chuyển hướng sang giai đoạn 2, tập trung giải phóng hoàn toàn vùng Donbass, Đông Ukraine.

Sau khi rút lực lượng khỏi thủ đô Kiev, Nga đã thu hẹp mục tiêu, tập trung vào chiến trường Donbass, nơi có các vùng lãnh thổ ly khai được Moscow công nhận chủ quyền.

Thay vì giao tranh ở các trung tâm đô thị đông đúc, các lực lượng Nga và Ukraine đang đối đầu trên những vùng đất nông nghiệp rộng rãi, bằng phẳng, xen kẽ là các thị trấn và thành phố nhỏ hơn, với dân số chỉ bằng một phần nhỏ của Kiev, Kharkov và Odessa. Bối cảnh này gợi nhớ đến chiến trường của Chiến tranh thế giới thứ 2 khi xe tăng và pháo binh đổ bộ các vùng đồng bằng của châu Âu.

Thay vì dàn mỏng lực lượng để “chọc thủng” biên giới, quân đội Nga và phe ly khai tại Ukraine được triển khai dọc theo một chiến tuyến tiếp giáp hình vòng cung. Trận địa này bắt đầu từ phía bắc thành phố Kharkov đến thành phố Izyum, bao quanh biên giới phía đông của Ukraine và kéo dài dọc theo bờ biển phía nam đến thành phố Kherson.


Bản đồ Ukraine (Ảnh: BBC).

Các chuyên gia cho rằng hai yếu tố đó đã đưa Nga, từ tình thế khó khăn trong giai đoạn một do các vấn đề về cung ứng, hậu cần, chỉ huy và tiếp tế, vào một vị trí thuận lợi hơn, ngay cả khi quân đội Nga ít được nghỉ ngơi, còn các lực lượng Ukraine tiếp tục được tăng cường vũ khí và công nghệ quân sự từ Mỹ và đồng minh.

“Khi chiến dịch quân sự bắt đầu, Nga đã quyết định tiến công từ nhiều phía nhằm làm suy yếu khả năng của quân đội Ukraine”, Rob Lee, cựu sĩ quan Thủy quân lục chiến Mỹ và là chuyên gia về quân sự Nga tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại có trụ sở tại Philadelphia, nhận định.

Chuyên gia Lee cho rằng, cục diện chiến trường đã thay đổi. Nga có nhiều lợi thế hơn so với quân đội Ukraine cả về pháo binh, xe tăng và vũ khí hạng nặng, đặc biệt khi giao tranh ở các khu vực đồng bằng rộng lớn thay vì trong các thành phố – nơi phương tiện thiết giáp kém hiệu quả hơn và các đội quân lớn thường phải đối mặt với các cuộc tấn công du kích chớp nhoáng.

Nga cũng có lợi thế khi triển khai chiến dịch trên vùng lãnh thổ do phe ly khai kiểm soát. Phe này đã tuyên bố chủ quyền đối với gần 1/3 khu vực Donbass từ trước khi cuộc chiến Nga – Ukraine bắt đầu.

Theo John Arterbury, chuyên gia về an ninh châu Âu tại Arlington, Mỹ, Nga sẽ không phải đối phó với những trở ngại về hậu cần như Moscow từng phải đối mặt trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự. Vào thời điểm đó, Nga đã tập trung tới 190.000 quân dọc theo biên giới Ukraine.

“Họ có thể được tiếp tế trực tiếp từ các khu vực ly khai và biên giới, mà không cần thông qua Belarus và các khu vực khác. Tuyến đường cung cấp hậu cần ngắn hơn sẽ cho phép họ dễ dàng kết nối hơn”, chuyên gia Arterbury nhận định.

Mặc dù Nga tuyên bố cuộc tấn công lớn ở miền đông Ukraine đã bắt đầu, nhưng cho đến nay vẫn chưa có trận chiến xe tăng lớn nào nổ ra. Tại Severodonetsk, khu vực cực đông đang nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Ukraine, sĩ quan Andrey cho biết, những ngày gần đây đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ hiện diện quân sự của Nga, bao gồm 100 xe bọc thép và lực lượng đặc nhiệm ở Kreminna, thị trấn đầu tiên Nga kiểm soát kể từ khi bắt đầu chiến dịch giai đoạn 2.

Nga cũng tăng cường sử dụng pháo binh và máy bay không người lái, thay vì mở các cuộc tấn công nhỏ – chiến thuật từng khiến Nga gặp bất lợi ở Kiev, sa lầy trong nhiều tuần và không thể đưa quân vào thủ đô của Ukraine.

“Trước đây, họ cố gắng di chuyển thật nhanh. Còn bây giờ họ đang đi chậm và chuẩn bị các công sự, dấu hiệu cho thấy một cuộc chiến kéo dài”, Andrey cho biết.

Thế trận của Ukraine


Binh sĩ Ukraine ở phía bắc Kiev (Ảnh: AP).

Trong khi đó, Ukraine đã củng cố hệ thống phòng thủ trong khu vực, dựa trên lực lượng quân sự vốn đã tập trung đông ở Donbass trong gần 8 năm chiến tranh với phe ly khai.

Trong những ngày gần đây, những đoàn xe chở vũ khí hạng nặng, bao gồm pháo, xe tăng, xe tải chở bệ phóng tên lửa và các loại xe bọc thép khác – nhiều chiếc được ngụy trang bằng cành cây – đã xuất hiện trên tuyến đường ở Kramatorsk, Slovyansk và Lyman.

Quân đội Ukraine đã áp dụng chiến thuật tương tự chiến thuật mà họ đã sử dụng trong cuộc chiến tại Kiev: phá hủy các cây cầu, tạo các rào cản trên đường cao tốc và che khuất các biển báo đường bộ để gây nhầm lẫn cho quân đội Nga.

Các lực lượng Ukraine cũng đào các chiến hào trên cánh đồng cạnh các đường cao tốc chính, với mục đích không cho xe thiết giáp Nga di chuyển trong địa hình này, trong khi những cơn mưa lớn vào mùa xuân ở Ukraine đã biến các cánh đồng thành vũng bùn lầy làm chậm đà tiến của các phương tiện hạng nặng.

Trận chiến sắp tới sẽ gây thêm áp lực cho quân đội Nga, sau những tổn thất của giai đoạn đầu chiến dịch.

“Lực lượng mà họ tập hợp đã giảm đi đáng kể so với thời điểm bắt đầu cuộc chiến”, Michael Kofman, giám đốc nghiên cứu về Nga tại tổ chức CNA ở Arlington, cho biết.

Ukraine cũng phải hứng chịu những tổn thất sau 2 tháng xung đột. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết khoảng 2.500-3.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng và khoảng 10.000 người bị thương. Tuy nhiên, các cơ quan tình báo phương Tây ước tính số thương vong cao hơn gấp đôi con số này.

(Nguồn: Dantri)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil