Nga vẫn là nhà cung cấp than lớn nhất của Đức
Uncategorized
author27/02/2023 15:55

Nga vẫn giữ vị trí là nhà cung cấp than lớn nhất của Đức trong năm 2022, bất chấp các lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào giữa năm 2022.

Dẫn dữ liệu từ Hiệp hội Các nhà nhập khẩu than Đức (VDKi), Đức đã mua tổng cộng 44,4 triệu tấn than vào năm 2022, tăng 8% so với năm trước. Trong khi đó, nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga giảm 37% so với số liệu năm 2021, nước này vẫn mua khoảng 13 triệu tấn từ các quốc gia châu Âu, chiếm khoảng 29% tổng lượng nhập khẩu. Lượng than nhập khẩu từ các nhà cung cấp khác của Đức đã tăng, nhưng vẫn giảm so với lượng từ Nga.

Đức đã buộc phải tăng cường sử dụng than trong những tháng gần đây do tình trạng thiếu năng lượng và giá điện tăng cao. (Ảnh: Getty Images/Bloomberg)

Mỹ cung cấp 9,4 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ, trong khi Colombia trở thành nhà cung cấp lớn thứ 3 với 7,2 triệu tấn, tăng 210%. Các lô hàng từ Nam Phi cũng tăng đáng kể 278% so với cùng kỳ, lên 3,9 triệu tấn. Australia là nhà cung cấp than lớn thứ 4 với 6,3 triệu tấn.

Lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn than đá của Nga vào Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực kể từ ngày 10/8/2022. Đây được coi là một phần của gói trừng phạt liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Trước đó, hồi tháng 4/2022, các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU đã đồng ý lệnh cấm vận than của Nga trong động thái đầu tiên nhắm vào mục tiêu xuất khẩu năng lượng quan trọng của quốc gia này.

EU vẫn phụ thuộc vào than của Nga để sản xuất điện, với nguồn cung của Nga chiếm tới 70% lượng nhập khẩu than vào khối này, báo cáo của tổ chức nghiên cứu Bruegel (Bỉ) khẳng định, đồng thời cho biết Đức và Ba Lan là 2 quốc gia phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Theo Ủy ban châu Âu (EC), EU đã nhập khẩu khoảng 45% lượng than, ước tính trị giá khoảng 4 tỷ euro (4,1 tỷ USD) từ Nga năm 2021, trong đó Hà Lan, Đức và Ba Lan là các khách hàng lớn nhất. Nếu tính đến lệnh cấm vận, dường như hầu hết than của Nga đã được chuyển đến Đức trước hoặc ngay sau ngày 10/8.

Đức đã buộc phải tăng cường sử dụng than trong những tháng gần đây do tình trạng thiếu năng lượng và giá điện tăng cao, nguyên nhân là do nguồn cung khí đốt từ Nga giảm sau lệnh trừng phạt của phương Tây.

Trong nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng, Đức thậm chí đã ra lệnh nối lại hoạt động tại các mỏ than nhàn rỗi vào tháng 9/2022. Theo Cục Thống kê Liên bang Đức (Destatis), nước này hiện sản xuất hơn 1/3 lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện. Việc loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than đã bị hoãn lại cho đến tháng 3/2024./.

(Nguồn: Dangcongsan)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil