Người Việt sở hữu công nghệ tách tế bào gốc từ màng cuống rốn
Người Việt 5 châu
author02/09/2021 11:15

Từ phát minh nổi tiếng toàn cầu năm 2005, đến nay doanh nghiệp của PGS.TS Phan Toàn Thắng sở hữu 50 bằng sáng chế, trị giá hơn 11.800 tỷ đồng.

Mùa hè năm 2005, những tạp chí y khoa danh tiếng thông tin, một công ty biotech (công nghệ sinh học) Singapore vừa nghiên cứu thành công công nghệ tách tế bào gốc từ “rác” y học là màng cuống rốn. Tác giả phát minh đó nhà khoa học gốc Việt, bác sĩ Phan Toàn Thắng.

PGS.TS Phan Toàn Thắng.


Thời điểm 20 năm trước, công nghệ tế bào gốc bắt đầu phát triển và trở thành xu hướng mới trong nghiên cứu khoa học của thế giới. Theo các nhà khoa học, hơn 60.000 tỷ tế bào trên mỗi cơ thể người sẽ chết, lão hóa, hoặc tổn thương và cần được thay thế. Do vậy, việc tìm tế bào gốc từ tế bào trưởng thành được nhiều nhà khoa học thực hiện, song không đạt chất lượng như mong muốn và giá thành lại quá cao.

Từng công tác nhiều năm tại Viện Bỏng Quốc gia, chứng kiến đa số bệnh nhân bị tổn thương về da là trẻ em và người nghèo, bác sĩ Thắng ấp ủ mong muốn tìm ra phương án chữa bệnh hiệu quả với chi phí thấp. Tình cờ, năm 2004, có người gửi dây rốn tới phòng nghiên cứu của công ty ông. Nhà khoa học thử dùng kỹ thuật tách tế bào da từ màng dây rốn và thành công, dù việc tìm ra môi trường nuôi cấy phù hợp với loại tế bào gốc này tốn không ít thời gian.

Việc tìm ra công nghệ này có ý nghĩa lớn trong việc sử dụng tế bào gốc vào nghiên cứu và điều trị, là câu trả lời cho những khó khăn và trở ngại của công nghệ tế bào gốc hiện hành. Tế bào gốc từ cuống rốn, thứ từng bị coi là “rác y học”, đã đưa tên tuổi PGS.TS Phan Toàn Thắng lên một tầm cao mới. Lượng tế bào gốc dồi dào từ công nghệ này mở ra những cánh cửa mới trong điều trị các bệnh lão suy, phòng chống lão hóa, chữa các bệnh nan y, mãn tính như ung thư, đái tháo đường, Alzheimer, thấp khớp…

Với phát minh này, CellResearch Corporation, nơi ông Thắng làm Giám đốc Khoa học, đã chi hàng trăm nghìn USD để đăng ký bản quyền tại nhiều nước như Mỹ, Anh, Nga, Australia… “Nhưng từng đó chưa là gì so với lợi ích kinh tế mà giải pháp này mang lại cho chúng tôi”, ông Thắng cho biết. Theo Business Times, năm 2017, doanh nghiệp này đã có giá trị 700 triệu USD Singapore, tương đương 11.857 tỷ đồng.

Trong trailer Nguy – Cơ số 11 mùa 2, PGS.TS Phan Toàn Thắng chia sẻ, thay vì có những loại tài sản thực thể như nhà cửa, xe cộ, đất đai…, CellResearch chỉ có mấy tờ giấy sở hữu trí tuệ và trí tuệ của các nhà sáng lập.

Nhưng cũng nhờ những tài sản “phi thực thể” đó, doanh nghiệp công nghệ sinh học của ông đã được nuôi sống và duy trì phát triển trong gần 20 năm qua. Hành trình lập nghiệp của nhà khoa học Việt Nam đã trải qua những khó khăn như thế nào? Làm thế nào để thương mại hóa các nghiên cứu khoa học? Đâu là chìa khóa giúp nhà khoa học hiện thực hóa được những ý tưởng để ứng dụng vào thực tế? Những câu hỏi này sẽ được trả lời trong trong talk Nguy – Cơ số 11, mùa 2, phát sóng sáng 2/9 trên VnExpress.

(Nguồn: Vnexpress)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil