Nguy cơ gây dị ứng của vaccine Covid-19 như thế nào?
Tin thế giới, Tin tức
author18/06/2021 09:44

Các hợp chất PEG và Polysorbate 80 trong vaccine Covid-19 là nguyên nhân gây dị ứng, do đó những người có tiền căn dị ứng với các hợp chất này hoặc từng nhiều lần bị phản vệ không rõ nguyên nhân nên cẩn trọng.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy, giảng viên bộ môn Sinh lý bệnh và Miễn dịch, Đại học Y Dược TP HCM cho biết, trong đại dịch, vaccine được xem là cứu tinh của nhân loại, tác dụng của vaccine trong việc giúp bảo vệ loài người trước các bệnh truyền nhiễm là không thể bàn cãi.

Tuy nhiên, khi chích vaccine Covid-19, người tiêm có thể gặp phải một số phản ứng không mong muốn. Thường gặp nhất là đau, sưng và đỏ ở chỗ chích, sốt nhẹ, đau nhức cơ, nhức đầu, một số người có thể mất khẩu vị, chán ăn. Triệu chứng có thể xuất hiện sau vài tiếng và kéo dài vài ngày, sau đó tự hết. Thông thường sẽ không cần điều trị gì.

Ngoài ra, một số trường hợp đặc biệt có thể bị dị ứng với vaccine Covid-19, khoảng 5 đến 30 phút sau tiêm. Trong đó, có người chỉ biểu hiện tại chỗ (mức độ nhẹ), như sưng, đỏ, ngứa và đau ở chỗ tiêm. Quầng đỏ có thể lan rộng xung quanh chỗ tiêm, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì sẽ không nguy hiểm tính mạng.

Những người bị nặng hơn sẽ có biểu hiện toàn thân, như đỏ da, ngứa da, nổi mày đay, nặng hơn có thể gây nghẹt thở, thở rít, chóng mặt, ngất do tụt huyết áp (sốc phản vệ). Ngoài ra, họ có thể có các triệu chứng khác như đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đánh giá trên 600.000 người đã tiêm vaccine Covid-19, 16% có phản ứng thông thường sau tiêm. Những phản ứng này mất đi sau 24 giờ tiêm. Việt Nam có một vài trường hợp có phản ứng nặng hơn đã được các bác sĩ xử lý ổn định; một ca tử vong do phản vệ sau tiêm. Ảnh: Hữu Khoa.


Theo bác sĩ Duy, hiện các nhà khoa học xác định hai hợp chất có khả năng gây dị ứng trong vaccine Covid-19 là Polyethylene glycol (PEG, macrogol) có trong vaccine của Moderna, Pfizer; Polysorbate 80 có trong vaccine của AstraZeneca và Johnson & Johnson.

PEG và Polysorbate 80 là các chất ổn định có trong vaccine, giúp nó giữ được hoạt tính trong quá trình bảo quản. PEG cũng được sử dụng rất nhiều trong các loại mỹ phẩm dùng hàng ngày (xà bông, kem đánh răng, dưỡng ẩm) và trong các loại thuốc thông dụng. PEG là một đa phân tử, có chứa các đoạn cấu trúc giống với các đoạn cấu trúc có trong phân tử Polysorbate. Do đó, các nhà khoa học cho rằng, một người dị ứng với PEG cũng có thể dị ứng chéo với Polysorbate 80.

Dù đã tìm ra nguyên nhân có thể gây dị ứng vaccine Covid-19, nhưng đến nay, các dữ liệu chưa đầy đủ để đưa ra khuyến cáo toàn diện “ai là người có nguy cơ dị ứng với vaccine Covid-19”. Đồng thời, ngành y tế cũng chưa có quy trình xét nghiệm nào đủ độ nhạy để phát hiện ra, bác sĩ Duy nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, những bệnh nhân từng biết là dị ứng với PEG và Polysorbate 80 sẽ có khả năng cao dị ứng với vaccine Covid-19, bác sĩ phân tích.

Đặc biệt, điểm giúp gợi ý một người dị ứng PEG là nếu người đó từng có tiền sử dị ứng hay phản vệ với nhiều loại thuốc khác nhau, hoặc dị ứng với nhiều loại mỹ phẩm có thành phần là PEG. Hoặc, những người có tình trạng phản vệ hay sốc phản vệ xảy ra vô cớ, không rõ nguyên nhân cũng là người có nguy cơ cao dị ứng với vaccine này.

Ngoài ra, những người đã từng phản ứng dị ứng nặng với các loại vaccine tiêm hoặc các thuốc sinh học cũng là đối tượng có nguy cơ cao dị ứng với vaccine Covid-19.

Bác sĩ Duy chia sẻ, bản thân anh có cơ địa dị ứng với nhiều dị nguyên, như mạt nhà, lông mèo. Anh mắc bệnh hen và viêm mũi dị ứng nhưng khi tiêm vaccine Covid-19, cơ thể anh vẫn bình thường. Trên thực tế cũng chưa có bằng chứng cho thấy các dị nguyên này sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng vaccine Covid-19. Thêm vào đó, vaccine không chứa các thành phần từ thức ăn hay dị nguyên không khí, nên sẽ không gây ra hiện tượng phản ứng chéo giữa các loại dị nguyên đó và vaccine Covid-19.

Với câu hỏi “có nên sử dụng các loại thuốc phòng ngừa dị ứng hoặc phản vệ do vaccine gây ra, trước khi tiêm vaccine Covid-19”, bác sĩ Duy cho rằng không nên và dẫn lại khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC). Lý do là các loại thuốc này không giúp ngăn chặn tình trạng phản vệ do vaccine, nhưng lại có khả năng làm “mờ nhạt” triệu chứng dị ứng như mày đay, khiến cho việc chẩn đoán và điều trị dị ứng, phản vệ sau tiêm bị chậm trễ.

Bác sĩ Phạm Lê Duy, 34 tuổi, ngoài công tác giảng dạy còn là bác sĩ tại Phòng khám Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM.


Một số trường hợp vừa mới tiêm xong vaccine thì có biểu hiện da tái xanh, chóng mặt, thậm chí ngất xỉu, bác sĩ Duy nhận định, đó có thể là do phản ứng thần kinh (vasovagal reaction) chứ không liên quan đến dị ứng và không phải là sốc phản vệ. Mặc dù cả phản ứng thần kinh và phản vệ đều có thể có ngất, tụt huyết áp, khó thở, nhưng chúng có một số điểm khác nhau biệt.

Phản ứng thần kinh có thể xảy ra trước khi tiêm, ngay trong khi tiêm hoặc vừa mới tiêm xong, với biểu hiện đặc trưng là da xanh tái, đổ mồ hôi lạnh, mạch chậm nhưng đều. Trong khi đó, phản ứng dị ứng, phản vệ thường xảy ra sau khi tiêm một chút, sớm nhất là 5 phút, và thông thường là 15-30 phút sau khi tiêm. Lúc này da người bị phản vệ thường đỏ, do giãn mạch sau đó mới xanh tái, mạch nhanh và không đều, có thể có tiếng thở rít, kèm sưng môi, sưng quanh mắt.

“Phản ứng dị ứng có thể xảy ra cho bất kỳ ai, cho dù là không có tiền căn dị ứng trước đó, và không ai có thể đoán trước được”, bác sĩ Duy nhấn mạnh.

Khi đi tiêm phòng vaccine, người tiêm sẽ được các sĩ hỏi tiền sử bệnh và khám sàng lọc, để đánh giá nguy cơ dị ứng cho từng người. Bác sĩ Duy lưu ý thêm, người tiêm chỉ nên tiêm vaccine ở những nơi có sẵn các trang thiết bị cấp cứu sốc phản vệ, và phải ở lại cơ sở y tế để được theo dõi ít nhất 30 phút sau tiêm.

Hôm qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam sắp triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn dân lớn nhất lịch sử. Kế hoạch diễn ra khi Việt Nam đã đàm phán thành công và sẽ có hơn 120 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm 2021, từ các hãng AstraZeneca, Pfizer, Moderna, từ Nga và Cơ chế Covax.

Tính đến 15/6, Việt Nam đã tiêm chủng cho trên 1,55 triệu người với gần 60.000 người đã tiêm đủ hai mũi. Số người đã được tiêm chủng (một mũi) tương đương 2,1% số người có chỉ định tiêm chủng. Mục tiêu chiến dịch là tiêm cho 70% dân số trưởng thành, tương đương 150 triệu liều vaccine Covid-19, để đạt miễn dịch cộng đồng.

(Nguồn: Vnexpress)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil