Phương án thay thế giải pháp 2 nhà nước đối với xung đột Israel-Palestine
Tin thế giới
author28/05/2021 09:41

Một tác giả phương Tây mới đây đề xuất phương án tương tự như hệ thống các bang (canton) của Thụy Sĩ và cách tiếp cận của cựu Tổng thống Áo Renner để làm giải pháp lâu dài khả thi cho xung đột Israel-Palestine, thay thế giải pháp 2 nhà nước.

Một nam giới cầm cờ Palestine trong một cuộc biểu tình thân Palestine. Ảnh: NurPhoto


LTS: Báo điện tử VOV đã giới thiệu phần lược dịch bài viết của tác giả Reuven Brenner đăng trên tờ Asia Times vào ngày 26/5/2021, trình bày các ý tưởng về một giải pháp khả dĩ và bền vững thay thế cho “giải pháp 2 nhà nước” trong xử lý vấn đề xung đột giữa Israel và Palestine.


PNA liệu đã là một nhà nước theo đúng nghĩa?

Xin được bắt đầu bằng thuật ngữ “nhà nước”. Một nhà nước phải có sự độc quyền sử dụng vũ lực. Chỉ khi ấy, một chính quyền mới có thể vận hành và có thể khả tín đàm phán về biên giới. Nhưng người Palestine chỉ có một đội quân ở Gaza, một số đội quân nữa ở Lebanon, và một đội quân ở Syria. Không có đội quân nào trong số này (kể cả ở Gaza) là nằm dưới sự quản lý của “Chính quyền Dân tộc Palestine” (tiếng Anh của cụm từ này là “Palestinian National Authority”, viết tắt là PNA; tiếng Trung Quốc thì gọi đó là Cơ cấu Quyền lực Dân tộc Palestine, chứ không dùng cụm từ “Chính quyền Dân tộc Palestine” như trên báo chí Việt Nam bấy lâu nay – người dịch).

Cho tới nay chưa có ai đề xuất giải pháp “2 nhà nước” mà lại đưa ra ý tưởng về cách thức giải giáp các lực lượng quân sự Palestine nhưng không thuộc quyền kiểm soát của PNA (tức “Chính quyền Dân tộc Palestine” theo cách dùng của nhiều tờ báo Việt Nam hiện nay – người dịch).

Ít người nhớ rằng Israel vào năm 1948 cũng đối mặt với một vấn đề tương tự. David Ben-Gurion – vị thủ tướng đầu tiên của Israel, từng ra lệnh cho Lực lượng Phòng vệ Israel (tên chính thức của quân đội Israel, viết tắt theo tiếng Anh là IDF – người dịch) nã đạn vào con tàu Altalena vào tháng 6/1948 khi tàu này đang chở vũ khí tới cho lực lượng Irgun – một tổ chức không chịu hạ vũ khí và sáp nhập vào quân đội Israel (IDF).

Sự kiện trên, với ý tưởng về việc người Do Thái bắn vào chính người Do Thái vào thời điểm chỉ vài năm sau khi 6 triệu người Do Thái bị diệt chủng trong các trại tập trung (của phát xít Đức) thực sự là gây sốc. Irgun cuối cùng phải chấp nhận hạ vũ khí. Thế độc quyền vũ lực của nhà nước mới (Nhà nước Israel) kể từ đó chưa bị thách thức lần nào nữa.

Jordan đã trải qua một giai đoạn tương tự khi mà vương quốc này bị đe dọa sau khi chấp nhận cho tổ chức vũ trang Fatah được đóng trên lãnh thổ của mình. Vào tháng 9/1970, quân đội Jordan đánh lại nhóm Fatah và đuổi họ ra khỏi lãnh thổ nước mình. Thế rồi Fatah phải bỏ sang Lebanon cùng với các phái quân sự khác.

Ai Cập và Jordan là các nhà nước, nhưng họ đã đạt được hòa bình với Israel từ lâu rồi. Các biên giới mà Israel đàm phán với Ai Cập và Jordan không tương ứng với đường biên giới trước năm 1967 (năm nổ ra cuộc Chiến tranh 6 ngày – người dịch). Ai Cập không còn muốn kiểm soát Dải Gaza, và Jordan không muốn kiểm soát Bờ Tây.

Đã vậy, đến đây cả Bờ Tây lẫn Dải Gaza không phải là các vùng lãnh thổ sát liền nhau.

Israel từng dỡ bỏ các khu định cư của mình ở Dải Gaza khi rời bỏ nơi này vào tháng 8/2005. James Wolfensohn – Chủ tịch trước đây của Ngân hàng Thế giới và đặc phái viên của Liên Hợp Quốc giám sát việc rút lui này, đã sắp xếp việc mua và chuyển giao 1.000 tòa nhà xanh công nghệ cao sử dụng 3.500 nhân công Gaza từ chỗ thuộc sở hữu của người định cư Do Thái sang Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA). Các ngôi nhà xanh này được trông mong sẽ đóng góp vào tương lai của Gaza nhưng người dân nơi đây đã vào cướp đồ trong các tòa nhà này.

Biên giới giữa Israel và Gaza tương tự như trước cuộc chiến tranh năm 1967 ngoại trừ việc Ai Cập không còn kiểm soát khu vực này và đã đóng cửa biên giới với khu vực này. Ngoài ra có một điểm khác nữa là sau một cuộc đảo chính, phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas đã thiết lập quyền kiểm soát đối với Dải Gaza, và “Chính quyền Dân tộc Palestine” không còn kiểm soát vùng này nữa.

Châu Âu thay đổi thái độ 180 độ, theo hướng ủng hộ Israel

Châu Âu nhận ra rằng có một số giải pháp cho vấn đề Trung Đông mà không cần xử lý vấn đề Palestine trước tiên.

Các tổng thống của Đức, Cộng hòa Séc, và Slovakia đã xuất hiện ở Israel để tuyên bố sự đoàn kết của họ trong xung đột mới đây giữa Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza. Tổng thống Áo thậm chí còn cho treo cờ Israel trên các tòa nhà công vụ. Slovenia và các nước châu Âu khác tuyên bố ủng hộ vô điều kiện cho Israel bằng những ngôn từ mạnh mẽ chưa từng có tiền lệ. Hungary bất đồng với Hội đồng châu Âu chỉ vì yêu cầu ngừng bắn.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gọi các loạt phóng rocket của Hamas từ Gaza vào lãnh thổ Israel là “những vụ tấn công khủng bố”, và Annalena Baerbock – ứng viên cho chức thủ tướng Đức, đã gọi an ninh của Israel là “lợi ích quốc gia của nhà nước Đức hiện đại”.

Sự bẻ ngoặt thái độ này trong thế giới quan của châu Âu xảy ra vì nhiều lý do khác nhau. Một trong số các lý do đó là xung đột ở Syria không liên quan gì đến người Palestine mà là bắt nguồn từ xung đột nội bộ giữa các bộ lạc Arab – tình hình này cũng ngập tràn ở Yemen và Iraq.

Rồi các vấn đề ở Iran (không thuộc khối Arab) với tình trạng chảy máu chất xám khỏi nước này kể từ thập niên 1970 cũng không liên quan đến vấn đề Palestine.

Đã vậy, các nước châu Âu trong thời gian qua lại háo hức học theo mô hình “quốc gia khởi nghiệp” thành công của Israel, kéo theo những sự hợp tác khoa học chưa từng thấy.

Việc phát hiện các nguồn năng lượng ở Đông Địa Trung Hải đã dẫn tới hợp tác giữa Israel, Ai Cập, Hy Lạp và Síp. Hy Lạp và Israel còn đang có cả hợp đồng quốc phòng. Pháp và Đức trước đó đã có những hợp đồng tương tự.

Trong bối cảnh ấy, liệu có phương án nào nữa ngoài giải pháp 2 nhà nước?

Hamas áp dụng chiến lược hiểm hóc chống phá Israel từ bên trong
VOV.VN – Tổ chức vũ trang Hamas (Palestine) thừa hiểu rằng họ không đủ sức đánh bại Israel do Israel sở hữu quân đội rất mạnh và đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước Arab. Do vậy, Hamas quyết định dùng chiến lược mới chống phá Israel từ bên trong thay vì từ bên ngoài.

Bài học từ lịch sử

Karl Renner (1870-1950) là ngoại trưởng Áo sau Thế chiến I và tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa Áo mới (1945-1950). Ông gợi ý giải pháp sau đây cho Đế chế Áo-Hung trước tình trạng chủ nghĩa dân tộc gia tăng trước Thế chiến I.

Chính sách truyền thống của Đế chế này là dùng cơ sở hạ tầng, việc làm, và giảm thuế để bù đắp lại các nỗi đau khổ dân tộc chủ nghĩa. Vào năm 1914, hơn 3 triệu công chức đang quản lý trường học, bệnh viện, cơ quan phúc lợi xã hội, cơ quan thuế, ngành đường sắt và bưu điện trong Đế chế. Nhưng cách tiếp cận này đã thất bại.

Renner đề xuất rằng Đế chế này nên có một vùng kinh tế vượt qua ranh giới tộc người, nhưng đồng thời vẽ lại bản đồ Đế chế quanh các vùng đất đồng nhất về ngôn ngữ, tộc người, và văn hóa, thực hiện phân quyền trong chi tiêu và ra quyết định.

Renner nghĩ rằng cách làm này có thể xoa dịu bất mãn dân tộc chủ nghĩa ở 9/10 Đế chế Áo lúc đó. Ở những nơi mà người dân sống hòa quyện với nhau khó chia tách thành các vùng thì có các điều khoản và thể chế đặc biệt để bảo đảm quyền bình đẳng và một chính quyền không thiên vị.

Kế hoạch trên của Renner có những điểm tương đồng với hệ thống liên bang của Thụy Sĩ trong nhiều thế kỷ.

Tại Thụy Sĩ, các “bộ lạc” nói tiếng Pháp, Đức và Italy đều có thực thể lãnh thổ của riêng mình. Có một bang Italy, nhiều bang Đức, và một vài bang Pháp.

Cách tiếp cận của Renner nếu vận dụng vào Trung Đông sẽ tạo ra một “bang” Gaza và một bang Bờ Tây, với Vương quốc Jordan đóng vai trò một nhà nước liên bang độc quyền về vũ lực quân sự.

Hiện khái niệm người Palestine vẫn có sự tranh cãi. Với 30% người Jordan (theo một số ước tính) hoặc 60% người Jordan (theo các ước tính khác) là người Palestine, thì Jordan có vẻ như là nhà nước duy nhất có cơ hội hiện thực hóa giải pháp đa bang cho vấn đề Palestine.

Nếu con số 60% ở trên là chính xác thì giải pháp “2 nhà nước” sẽ bị xói mòn nhiều bởi vì thực ra người Palestine đã có sẵn một Tổ quốc, một nhà nước rồi (đó là Vương quốc Jordan).

Phương án đa bang liệu có khả thi?

Giải pháp đa bang nói trên không liên quan đến “giải pháp Jordan” với nội dung là xua đuổi người Palestine khỏi Bờ Tây sang lãnh thổ Jordan.

Giải pháp đa bang này cần được xem xét trong bối cảnh sau: Các nhà sáng lập Israel và Quốc vương Abdullah của Jordan đã có một thỏa thuận ngầm rằng Israel sẽ chung sống hòa bình bên nhà nước Jordan. Giới lãnh đạo trước đây của Israel coi Jordan như vùng đệm giữa Israel và phần còn lại của thế giới Arab.

Ở đây có một điểm thú vị nữa. Bất chấp bạo lực gia tăng giữa người Do Thái và người Arab trong một số thành phố Israel, một cuộc điều tra vào năm 2020, do Viện Chính sách Nhân dân Do Thái tiến hành, chỉ ra rằng 51% trong số người Israel gốc Arab không còn gọi bản thân là người Palestine nữa mà chỉ gọi họ là người Arab Israel, 23% nhận diện bản thân là người Israel, và chỉ có 7% nhận mình là người Palestine.

Tất cả các điều nêu trên cho thấy giải pháp đa bang có những cơ sở nhất định để hiện thực hóa./.


(Nguồn: VOV/Asia Times)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil