Quốc gia cuối cùng vẫn theo đuổi chiến lược loại bỏ Covid-19
Tin thế giới, Tin tức
author06/10/2021 10:20

Trong đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đã thành công trong việc đưa số ca mắc về 0, trở thành những “thiên đường không Covid-19” khi nhiều nước trên thế giới vẫn chật vật đối phó với dịch bệnh này.


Với biến thể Delta có mức độ lây lan nhanh chóng, cùng sự phát triển của các loại vaccine ngừa Covid-19, chỉ còn 1 nước duy nhất vẫn theo đuổi chiến lược “Zero Covid-19” (đưa số ca mắc về 0), đó là Trung Quốc.

Trong bối cảnh New Zealand đang chuẩn bị chuyển hướng khỏi chiến lược “Zero Covid-19”, sự kiên định của Trung Quốc khiến nhiều người đặt câu hỏi Bắc Kinh có thể theo đuổi chính sách này trong bao lâu khi nó đòi hỏi phải đóng cửa biên giới, các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và liên tục làm ngắt quãng các hoạt động kinh tế và xã hội.


Người dân xét nghiệm Covid-19 tại thành phố Cáp Nhĩ Tân ngày 24/9/2021. Ảnh: AFP
Trung Quốc vẫn theo đuổi Zero Covid-19

Dần dần từng nước, những nơi từng theo đuổi chiến lược “Zero Covid-19” như Singapore và Australia đã quyết định rằng cách tiếp cận này là không bền vững và thay vào đó chuyển hướng sang chiến dịch tiêm chủng để bảo vệ người dân khỏi nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do Covid-19, đồng thời nới lỏng các biện pháp hạn chế.

Ngược lại, giải pháp của Trung Quốc nhằm loại bỏ mọi ca mắc Covid-19 lại dường như ngày càng mạnh mẽ hơn, dù 75% dân số nước này đã được tiêm chủng đầy đủ.

Trung Quốc hiện đang đối phó với đợt bùng phát biến thể Delta lần thứ 4 trong 2 tháng qua, và trong tuần này đã phong tỏa một khu vực ở Tân Cương vì 2 ca mắc Covid-19 không triệu chứng. Đặc khu hành chính Hong Kong, cũng tuyên bố rằng, vị thế là một trung tâm tài chính toàn cầu của đặc khu này không quan trọng bằng những kết nối với đại lục và mục tiêu chung về loại bỏ Covid-19.

Nhiệm vụ này sẽ trở nên khó khăn hơn khi mùa đông sắp tới, khi điều kiện thời tiết lạnh khiến virus lây lan nhanh hơn. 3 tháng nữa, Bắc Kinh cũng sẽ đăng cai kỳ Thế vận hội mùa Đông và chào đón hàng nghìn vận động viên từ khắp nơi trên thế giới.

“Zero Covid-19 về trung hạn và dài hạn là không bền vững. Biến thể Delta cho thấy chiến lược này gần như bất khả thi. Sẽ rất khó để thấy Trung Quốc có thể đưa số ca mắc Covid-19 về 0 như thế nào trong mùa đông năm nay”, theo ông Peter Collignon, giáo sư, bác sỹ về các bệnh truyền nhiễm tại trường Y, Đại học quốc gia Australia nói.

Zero Covid-19 không sai hướng nhưng không còn phù hợp?

Sự chuyển hướng chiến lược của New Zealand cũng cho thấy chiến lược loại bỏ Covid-19 ngày càng không có hiệu quả. Giữa tháng 8, nước này áp dụng các biện pháp hạn chế ở mức cao nhất khi 1 người được chẩn đoán mắc Covid-19 ở Aukland. Người dân không được làm việc tại các công sở, không được ăn tối tại nhà hàng, tới phòng gym và nhà thờ…

7 tuần sau đó, New Zealand vẫn ghi nhận hơn 20 ca mắc Covid-19 mỗi ngày. Điều này khiến Thủ tướng Jacinda Ardern hôm 4/10 phải thừa nhận rằng “việc áp dụng các biện pháp hạn chế trong thời gian dài không giúp đưa số ca mắc Covid-19 về 0. Loại bỏ Covid-19 là quan trọng khi chúng ta chưa có vaccine. Nhưng giờ chúng ta đã tiêm chủng cho người dân, chúng ta có thể thay đổi cách thức đối phó với dịch bệnh này”.

Sự thay đổi chiến lược của New Zealand cũng tương tự như Singapore và Australia, 2 nước từng được xem là hình mẫu chống dịch Covid-19. Ở cả 2 nước này, sự mệt mỏi của người dân ngày càng gia tăng vì những lệnh phong tỏa lặp đi lặp lại, các biện pháp hạn chế đi lại, cùng với việc bắt buộc cách ly đối với người nhập cảnh…

Tại Đài Loan (Trung Quốc), giới chức nói rằng, việc loại bỏ Covid-19 là rất khó đạt được sau đợt bùng phát rộng hồi đầu năm nay.

Việc từ bỏ mục tiêu Zero Covid-19 không có nghĩa là chiến lược này sai hướng ngay từ đầu.

Biến thể Delta khiến nhiều nước cân nhắc lại về chiến lược “zero Covid”
VOV.VN – Biến thể Delta đang khiến các nước phải cân nhắc lại chiến lược “zero-Covid” (đưa số ca mắc Covid-19 về 0) nhất là trong bối cảnh các biện pháp đối phó đại dịch như phong tỏa và đóng cửa biên giới liên tục bị kéo dài.

Cách tiếp cận này cho phép các nền kinh tế kiềm chế số ca tử vong do Covid-19 ở mức rất thấp, vượt qua giai đoạn đại dịch chưa có vaccine với thiệt hại nhỏ nhất có thể – không giống như Mỹ và châu Âu.

New Zealand ghi nhận 27 ca tử vong liên quan đến Covid-19, trong khi Singapore ghi nhận 121 ca tử vong do Covid-19.

“Nếu New Zealand có thể tiêm chủng trên diện rộng, tiếp cận các phương pháp điều trị mới và mở cửa một cách thận trọng, họ có thể sẽ thoát khỏi đại dịch với những thiệt hại về kinh tế và y tế ở mức thấp. Họ đã tìm cách “tạm dừng” và chờ đợi các giải pháp khoa học hướng tới mục tiêu thoát khỏi đại dịch một cách chắc chắn”, ông Devi Sridhar, trưởng khoa y tế cộng đồng toàn cầu tại trường y khoa Đại học Edinburg ở Scotland đánh giá.

Trung Quốc sẽ thoát khỏi đại dịch Covid-19 như thế nào?

Câu hỏi đặt ra là: chiến lược thoát khỏi đại dịch của Trung Quốc sẽ ra sao. Trong đợt bùng phát mới nhất ở Tân Cương, hàng chục nghìn cư dân đã phải xét nghiệm Coivd-19, trong khi thành phố Y Ninh phải dừng tất cả các chuyến tàu và chuyến bay, đồng thời đóng cửa các tuyến đường cao tốc.

2 người được phát hiện mắc Covid-19 ở thành phố Horgos, giáp biên giới Kazakhstan, hôm 3/10. Dù 38.376 người đã được xét nghiệm và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 và 2 trường hợp ban đầu cũng chỉ là các ca không triệu chứng, nhưng tất cả khách du lịch ở Horgos cũng không được phép trở về nhà và được yêu cầu ở lại nơi đang lưu trú cho đến khi có thông báo tiếp theo.

Trước đó, thành phố Cáp Nhĩ Tân đã phải đóng cửa sau khi 1 ca mắc Covid-19 phải nhập viện hồi tháng 9. Cảng Ningbo, một trong những cảng đông đúc nhất thế giới cũng phải đóng cửa trong tháng 8, trong khi hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng vì các biện pháp hạn chế.

Theo các chuyên gia y tế, sẽ vẫn có các ca mắc Covid-19 lác đác tại các địa phương của Trung Quốc.

“Khả năng và mức độ kiểm soát mà họ có thể thực hiện là rất đáng kể. Nó vượt xa những gì chúng ta có thể làm, không chủ trên quan điểm về nguồn lực mà còn cả ở khía cạnh xã hội. Chúng ta không thể thực hiện những biện pháp kiểm soát mà Trung Quốc đã làm, cho dù để đạt được mục đích sau cùng là khống chế dịch bệnh”, ông Michael Baker, giáo sư tại khoa y tế cộng đồng, Đại học Otago ở Wellington đánh giá về chiến lược của Trung Quốc hiện nay. Ông Baker hiện là thành viên ban cố vấn chuyên môn Covid-19 của chính phủ New Zealand.

Giới chức Trung Quốc nói rằng họ sẽ không theo đuổi chiến lược zero Covid-19 mãi mãi, nhưng sẽ chỉ xem xét thay đổi khi cách tiếp cận này không còn hiệu quả hoặc cái giá phải trả quá cao.

Dù vậy, các chuyên gia nói rằng, các “thiên đường không Covid-19” vẫn chưa trở lại. Chính phủ các nước như New Zealand có thể lập lại mục tiêu này khi có nhiều các lựa chọn y khoa mới.

“Có thể chúng ta đang tới giới hạn về những gì có thể làm với những công cụ loại bỏ Covid-19 hiện nay. Nhưng rồi chúng ta có thể sẽ phát hiện ra rằng vaccine ngừa Covid-19 thế hệ tiếp theo hoặc các loại thuốc kháng virus mới đủ hiệu quả để chúng ta loại bỏ Covid-19 hoàn toàn”, ông Baker nói, đồng thời bày tỏ tin tưởng, chiến lược Zero Covid-19 sẽ vẫn là một lựa chọn được cân nhắc./.

(Nguồn: VOV)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil