Thế giới được cứu sống nhờ những phát kiến từng bị ‘ghẻ lạnh’
Tin thế giới
author17/01/2022 09:57

Thành quả khoa học trong đại dịch Covid-19 không chỉ bắt đầu từ năm 2020, mà là kết quả của những nghiên cứu nối tiếp trong nhiều thập niên của các nhà khoa học khắp thế giới.

Chưa bao giờ trong lịch sử, nhân loại chứng kiến thế giới thay đổi dữ dội và nhanh chóng như hai năm qua: Trong mùa xuân 2020, chúng ta nhìn thấy các đường bay quốc tế vốn đều đặn bị cắt đứt, rồi cuộc sống thường ngày tấp nập bỗng trở nên vắng lặng khi mọi người phải ở trong nhà để chặn đà lây của virus. Một loại virus từ dơi biến thế giới đang phẳng thành bị chia tách.

Nhưng cũng trong thời gian đó, chúng ta chứng kiến nhân loại bắt đầu đảo ngược cuộc chiến với virus như thế nào, khi trường học và công sở được mở lại, những kỳ nghỉ được gặp người thân, máy bay có thể cất cánh.

Dù con đường thoát khỏi đại dịch còn xa, cuối cùng con người đã tìm thấy vũ khí đương đầu với virus: Vaccine. Bất chấp thời gian ngắn ngủi và sự ngờ vực khoa học trỗi dậy ở nhiều nơi, các nhà khoa học từ khắp thế giới đã chạy đua với thời gian để tạo nên những kỳ tích khoa học: 8 loại vaccine[1] đã được WHO phê chuẩn để sử dụng và đang phát huy tác dụng.

Những thành quả khoa học trong đại dịch Covid-19 không chỉ bắt đầu từ năm 2020, thay vào đó, nó là kết quả của những nghiên cứu nối tiếp nhau trong nhiều thập niên của các nhà khoa học trên khắp thế giới.

Để các nhà khoa học Trung Quốc có thể giải trình tự gene virus SARS-CoV-2 trong vài tuần sau khi bệnh nhân đầu tiên được phát hiện cần đến những bước tiến trong công nghệ giải trình tự gene từ đầu những năm 2000.

Để công nghệ mRNA được ứng dụng thành công trong vaccine Covid-19 của Pfizer và Moderna cần khám phá của hai nhà khoa học Jacques Monod và François Jacob vào năm 1961, sau đó là nghiên cứu của Katalin Kariko và Drew Weissman từ thập niên 1980.

Và trong những năm dài đó, không phải lúc nào các công trình nghiên cứu cũng được đón nhận xứng đáng.

giai thuong anh 2
Margaret Keenan, cụ già 90 tuổi người Anh, là người đầu tiên ở Anh được tiêm vaccine Covid-19. Loại vaccine bà được tiêm là Pfizer-BioNTech. Ảnh: AP.

Những năm dài bị thờ ơ

Vào năm 2022, phần lớn dân số thế giới đều từng nghe qua, hoặc biết đến công nghệ mRNA. Họ có thể là người đã được tiêm một trong 2 loại vaccine làm từ công nghệ này là Pfizer và Moderna. Nhưng vào năm 2004, lúc tiến sĩ Katalin Kariko muốn nộp bằng sáng chế cho công nghệ mà bà đã theo đuổi gần 20 năm, đối diện với bà là sự thờ ơ của một viên chức phụ trách đăng ký sở hữu trí tuệ của Đại học Pennsylvania (Mỹ) – nơi bà làm việc.

“Ông ấy không nhiệt tình lắm, ông liên tục hỏi ‘Nghiên cứu này giúp ích được gì?’. Tôi rất thất vọng vì ông ấy không nhận thấy được sự tuyệt vời của nó”, bà Kariko nhớ lại.

Cuối cùng thì bà Kariko cũng đăng ký được bằng sáng chế cho công nghệ của mình, nhờ thuyết phục vị viên chức kia rằng công nghệ này sẽ giúp ích cho tóc. Thế nhưng phát kiến vẫn không thu hút được công ty dược nào đổ tiền vào, mãi đến năm 2010 với sự ra đời của Moderna.

Có rất nhiều phát kiến khoa học có khởi đầu tương tự công nghệ mRNA. Từ năm 1974 đến năm 1990, nhà khoa học người Mỹ Mary-Claire King đã tiến hành hàng loạt nghiên cứu về khả năng di truyền của ung thư vú. Thế nhưng, hiểu biết thống trị vào thời đó về ung thư là một căn bệnh do nhiễm khuẩn, và rất nhiều đồng nghiệp đã xem thường, thậm chí tấn công giả thuyết của King.

Đến King cũng ngờ vực chính mình. Nhưng bà vẫn thử và bỏ hơn 150 biến dị di truyền trước khi phát hiện được gene mà bà đặt tên là BRCA1. BRCA1 có chức năng ức chế khối u nằm trên nhiễm sắc thể số 17, loại biến dị đầu tiên cho thấy rằng nguy cơ gây ung thư có thể là di truyền.

Nghiên cứu về BRCA1 của Mary-Claire King sau đó đã giúp tạo ra những công cụ sàng lọc, xét nghiệm cho phép các bác sĩ sớm tìm ra dấu hiệu ung thư vú và ung thư buồng trứng ở phụ nữ, từ đó có thể ngăn chặn bệnh hiệu quả.

giai thuong anh 3
Nhà khoa học người Mỹ Mary-Claire King nổi tiếng với những nghiên cứu về khả năng di truyền của ung thư vú. Ảnh: New York Genome Center.

Sự dòm ngó và tấn công

Stanley Perlman, người nghiên cứu virus corona trong 39 năm và là giáo sư virus học tại Đại học Iowa, đã nhận được một email với nội dung châm biếm: “Bác sĩ Frankenstein chỉ muốn tiền từ công chúng và muốn nghiên cứu những thứ mà ông ta không nên rớ tới. Cám ơn rất nhiều vì corona, đồ thất bại”.

Frankenstein là tên vị bác sĩ trong tiểu thuyết cùng tên của tác giả Mary Shelley và là người đã tạo ra con quái vật để về sau giết chết chính ông. Đó chính là cách nhìn lệch lạc của một số người đối với đại dịch Covid-19: Một đại dịch được tạo ra trong phòng thí nghiệm bởi các nhà khoa học. Và cuối cùng, những nhà khoa học như giáo sư Perlman phải trả giá cho quan điểm đó.

Khi đại dịch Covid-19 ập đến, sau nhiều năm thầm lặng trong các phòng thí nghiệm và viện nghiên cứu, một số nhà khoa học bỗng thấy mình trở thành tâm điểm của sự chú ý. Họ trở thành gương mặt được báo giới theo đuổi, các chính phủ dựa vào để tham vấn, và công chúng cũng tìm đến họ để có một lời trấn an trong cơn hoang mang. Các nhà dịch tễ học và virus học lên truyền hình cùng quan chức chính phủ, đưa ra thông tin về đại dịch và trấn an người dân. Những người điều chế vaccine và thuốc trị bệnh trở thành anh hùng quốc dân.

Nhưng ở mặt khác, đại dịch lại phô bày làn sóng chống khoa học âm ỉ bên trong nhiều nước. Những kiến thức mới liên tục thay đổi cách con người nhìn nhận về virus cộng thêm thông điệp đôi khi trái ngược từ các quan chức y tế đã khiến người dân thêm tức giận. Khi họ mệt mỏi vì những biện pháp chống dịch thay đổi liên tục hoặc không mang lại hiệu quả mong muốn, nhà khoa học phải hứng chịu chỉ trích.

giai thuong anh 4
Một cuộc biểu tình chống lệnh bắt buộc tiêm vaccine ở Rome, Italy. Ảnh: AP.

Các công trình khoa học thường diễn ra trong nhiều năm dài, với quy trình bình duyệt gắt gao, nhưng đại dịch đã buộc phô bày những tri thức còn rất mới ra trước công chúng ngay lập tức.

“Đột nhiên mọi người nhìn vào các nhà khoa học, và họ cũng thấy sự lộn xộn của việc làm khoa học”, giáo sư về truyền thông sức khỏe của Trường Y tế Công cộng T.H.Chan thuộc Đại học Harvard, ông Kasisomayajula “Vish” Viswanath cho biết trên Chemical & Engineering News.

Vào năm thứ hai của đại dịch, khi nhân loại đã tìm được vũ khí chống virus là vaccine, họ lại đối mặt với một thách thức mới: Sự hoài nghi khoa học tiếp tục qua các phong trào chống vaccine. Sự bất bình đẳng về vaccine và một phần không nhỏ dân số từ chối tiêm chủng đã kéo dài đại dịch thêm một năm nữa với các biến chủng mới không ngừng xuất hiện, tiếp tục đặt thêm thách thức cho các nhà khoa học.

Trong hành trình nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo nhiều chông gai, những câu chuyện truyền cảm hứng của các nhà khoa học tên tuổi nói trên, về nỗ lực bền bỉ của họ để tạo ra những phát minh làm thay đổi cuộc sống của nhân loại, là lý tưởng mà VinFuture Prize mong muốn hướng đến.

VinFuture Prize được lập ra để nuôi dưỡng những ý tưởng tưởng chừng điên rồ, nhưng có thể giúp ích cho nhân loại trong lâu dài, với tiêu chí trao giải thưởng cho các nghiên cứu đột phá và đổi mới công nghệ đi trước thời đại, đồng thời hỗ trợ các nhà nghiên cứu, nhà sáng chế trong giai đoạn then chốt của sự nghiệp để giúp họ phát huy hết tiềm năng.

Diễn ra từ ngày 18 đến 21/1, Tuần lễ trao giải VinFuture bao gồm các sự kiện: Giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo (sáng 18/1), Tọa đàm “Khoa học vì Cuộc sống” (ngày 19/1). Tâm điểm của chuỗi sự kiện là Lễ trao giải thưởng VinFuture được tổ chức vào tối 20/1 tại Nhà hát lớn Hà Nội và truyền hình trực tiếp trên VTV1 cùng các nền tảng mạng xã hội lớn trong nước và quốc tế.

(Nguồn: Zing)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil