Thiệt hại kinh tế nặng nề vì Thế vận hội không khán giả ở Tokyo
KINH TẾ, Kinh tế thế giới, Tin thế giới,
author23/07/2021 16:04

Các doanh nghiệp e ngại tài trợ cho Thế vận hội không khán giả ở Tokyo. Giới quan sát ước tính thiệt hại kinh tế có thể lên đến hàng tỷ USD.

Nói với CNN, ông Takeshi Niinami, Giám đốc điều hành Suntory – một trong những lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng nhất Nhật Bản – nhận định Thế vận hội đã mất giá trị thương mại.

Ông Niinami tiết lộ công ty của ông đã không tài trợ cho Thế vận hội Tokyo sắp tới vì “quá đắt đỏ”. “Chúng tôi đã nghĩ đến việc trở thành nhà tài trợ cho Thế vận hội nhưng nhận thấy không thích hợp về kinh tế”, ông chia sẻ.

“Tôi từng nghĩ rằng đây sẽ là một dịp tốt để giới thiệu về chúng tôi. Tôi đã mong đợi có nhiều khán giả nước ngoài”, ông Niinami nói thêm.Thế vận hội khai mạc chậm một năm và vào thời điểm Tokyo ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch Covid-19. Các khán giả địa phương cũng bị cấm tham gia.

The van hoi Tokyo anh 1
Thế vận hội khai mạc chậm một năm và vào thời điểm Tokyo ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch Covid-19. Các khán giả địa phương cũng bị cấm tham gia. Ảnh: Wall Street Journal.
Lợi ích kinh tế bốc hơi

Thế vận hội khai mạc chậm một năm và vào thời điểm Tokyo ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch Covid-19. Các sân vận động và nhà thi đấu – đã tiêu tốn hơn 7 tỷ USD để xây dựng và cải tạo – hoang lạnh vì cấm khán giả.

Các khán giả quốc tế bị cấm từ hồi tháng 3. Khi số ca nhiễm mới tăng vọt, chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tiếp tục không cho phép cư dân địa phương tham gia Thế vận hội.

Du khách quốc tế – bao gồm vận động viên, huấn luyện viên, phóng viên và những người khác – phải tránh xa cư dân địa phương. Họ có nguy cơ bị trục xuất nếu vi phạm quy định.

“Thiệt hại kinh tế sẽ rất nặng nề”, ông Niinami nhận định. Các doanh nghiệp Nhật Bản có thể tăng doanh thu khoảng 10% nếu người hâm mộ được phép tham gia Thế vận hội.

Theo ước tính của nhà kinh tế Takahide Kiuchi tại Viện nghiên cứu Nomura, việc cấm khán giả trong nước có thể khiến nền kinh tế Nhật Bản thiệt hại 146,8 tỷ yên (1,3 tỷ USD).

Trong báo cáo hồi tháng 6, ông nhấn mạnh rằng “phần lớn lợi ích kinh tế từ Thế vận hội Tokyo đã bốc hơi vào tháng 3, khi Nhật Bản quyết định cấm khán giả nước ngoài”. Ông Kiuchi ước tính rằng động thái đó đã gây thiệt hại kinh tế lên đến 1,4 tỷ USD.

“Đây là lúc chúng ta cần nghĩ về giá trị của Thế vận hội”, Giám đốc điều hành Suntory chia sẻ. “Tôi cho rằng Thế vận hội đã mất giá trị”, ông khẳng định.

Thế vận hội Tokyo đã gây tranh cãi dữ dội. Vô số cuộc biểu tình của cư dân địa phương yêu cầu hủy bỏ sự kiện. Hàng nghìn tình nguyện viên rút lui.

Bất chấp mối quan hệ thân thiết giữa ông Niinami và chính quyền Nhật Bản, vị giám đốc điều hành không tránh né việc chỉ trích Thế vận hội. “Tôi không hiểu vì sao sự kiện không bị trì hoãn”, ông thẳng thắn.

“Thế vận hội nên bị hoãn lại, ít nhất là 2 tháng”, ông nhận định và đề cập đến việc triển khai vaccine chậm ở Nhật Bản, cũng như đợt nắng nóng tại Tokyo.

E ngại tài trợ

Trong tháng này, Nhật Bản xác nhận vẫn tổ chức Thế vận hội bất chấp tình trạng khẩn cấp vì đại dịch. Đó là một đòn giáng mạnh vào những công ty như Suntory. Tính đến nay, hơn 60 doanh nghiệp Nhật Bản đã chi số tiền cao kỷ lục 3 tỷ USD cho Thế vận hội. Giờ đây, nhiều trong số đó lo ngại về lợi nhuận của khoản đầu tư.

Khi được hỏi liệu Thế vận hội có thể giúp ích cho các doanh nghiệp Nhật Bản hay không, ông Niinami chia sẻ: “Tôi ngày càng không nghĩ như vậy”.

Một số doanh nghiệp đã phải cân nhắc về việc có tham gia hay không. Ông Akio Shinya – Giám đốc điều hành của Tokyo Skytree – tiết lộ hồi năm ngoái, công ty của ông phải đứng trước câu hỏi: “Liệu chúng ta có nên trở thành nhà tài trợ trong tình huống này hay không?”.

Gần 80% người Nhật Bản cho rằng không nên tiếp tục tổ chức Thế vận hội, theo một cuộc khảo sát được Ipsos Mori công bố hồi tuần trước.Khảo sát chỉ ra đa số người Nhật Bản không muốn Thế vận hội được tổ chức ở thời điểm hiện tại.

The van hoi Tokyo anh 2
Khảo sát chỉ ra đa số người Nhật Bản không muốn Thế vận hội được tổ chức ở thời điểm hiện tại. Ảnh: Reuters.

Điều đó khiến sự kiện trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết. Tuần này, Toyota – một trong những nhà tài trợ lớn nhất của Thế vận hội – cho biết họ sẽ không phát hành quảng cáo liên quan đến sự kiện ở Nhật Bản.

Theo bộ phận Bắc Mỹ của nhà sản xuất ôtô, quyết định được đưa ra dựa trên “tình hình Covid-19” tại quốc gia này. “Không có gì để tô vẽ trong thời điểm này. Đây không phải là một tình huống lý tưởng”, ông Michael Payne, cựu Giám đốc tiếp thị của Ủy ban Olympic Quốc tế, nhận định.

Nhưng theo ông Payne, các công ty vẫn có thể ngạc nhiên bởi những lợi ích tiềm năng từ Thế vận hội năm nay. “Vẫn còn một cơ hội quan trọng. Tôi vẫn chưa tính hết”, ông bình luận.

Theo nhà kinh tế Takahide Kiuchi tại Viện nghiên cứu Nomura, du khách nước ngoài có thể xem Thế vận hội Tokyo và đến Nhật Bản sau đại dịch. “Các nhà hàng và khách sạn đã cải tạo cơ sở vật chất của họ để chào đón du khách nước ngoài sẽ không uổng công”, ông khẳng định.

(Nguồn: Zing)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil