Thiếu kho hàng hóa khổng lồ của Nga: Nhiều quốc gia “khóc dở mếu dở” vì cú sốc kinh tế
Kinh tế thế giới
author27/03/2022 08:57

Chuỗi liên kết giữa Nga với nền kinh tế toàn cầu từ lâu đã rất phức tạp khi Moscow lần lượt xếp thứ nhất, nhì và ba trong số các nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên, dầu mỏ và than đá.

Việc Nga thông báo cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng có thể làm giá hàng hóa toàn cầu tăng lên.

Đáp trả các lệnh trừng phạt mạnh mẽ, Nga cũng đã ra đòn mạnh không kém khi thông báo cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng nhằm vào phương Tây.

Dù không bao gồm ngành năng lượng nhưng động thái này đã đủ có thể làm gia tăng giá hàng hóa trên toàn cầu. Tờ Economist cũng cho rằng, việc phương Tây “nghiền nát” nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, có quy mô tương đương với Úc, có nguy cơ gây ra tình trạng hỗn loạn toàn cầu.

Khi chuỗi phụ thuộc vào Nga tăng lên

Theo Bloomberg, Nga đã công bố lệnh cấm xuất khẩu đối với hơn 200 sản phẩm từ thiết bị y tế và máy móc nông nghiệp cho đến toa xe lửa, tuabin, màn hình và máy chiếu…

Chỉ thị do Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ký ban hành nhấn mạnh: “Biện pháp này là cần thiết để duy trì sự ổn định trên thị trường Nga”.


Châu Âu vẫn phụ thuộc phần lớn vào khí đốt Nga. Ảnh: Reuters

Lệnh cấm được áp dụng cho đến hết năm 2022. Và lệnh cấm sẽ không áp dụng với các thành viên Liên minh kinh tế Á – Âu (EEU) do Nga dẫn đầu và vùng Nam Ossetia, Abkhazia, mặc dù Moscow cũng áp đặt lệnh tạm dừng xuất khẩu ngũ cốc sang các nước EEU cho đến ngày 31/8.

Tuy nhiên, các nước Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Hiện nay, chuỗi phụ thuộc liên kết Nga với nền kinh tế thế giới đã tăng lên đáng kể và ngày càng phức tạp hơn.

Nga vẫn là nhà cung cấp năng lượng quan trọng cho các nước Liên minh châu Âu, mặc dù khối này đang thực hiện các bước để giảm bớt sự phụ thuộc. Moscow cũng là nguồn cung cấp 1/10 lượng nhôm và đồng cho thế giới, 1/5 niken cấp độ sản xuất pin.

Sự thống lĩnh của Nga về các kim loại quý như palladium – thành phần chủ chốt trong ngành công nghiệp ô-tô và điện tử – thậm chí còn lớn hơn. Nga cũng là nước xuất khẩu quan trọng về lúa mì và phân bón.

Cho đến nay, xuất khẩu nguyên liệu thô của Nga vẫn chưa bị phương Tây đưa vào các danh sách trừng phạt toàn diện như hàng loạt lĩnh vực khác. Mỹ công bố lệnh cấm vận nhập dầu mỏ của Nga vào ngày 8/3, nhưng nước này mua rất ít; trong khi Anh sẽ loại bỏ dần việc mua mặt hàng trong năm nay.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu về việc phương Tây có thể tiến xa hơn nữa đã gây sốc cho thị trường hàng hóa.

Lo ngại giá cả tăng cao

Các biện pháp trừng phạt do Mỹ và các đồng minh áp đặt đã phần lớn cô lập quốc gia này khỏi nền kinh tế toàn cầu, ngăn chặn khả năng tiếp cận nguồn dự trữ ngoại hối và ngăn nhiều ngân hàng Nga giao dịch bằng các loại tiền dự trữ chính của thế giới.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, Mỹ và các đồng minh phương Tây “đã tính toán sai lầm” khi trừng phạt Nga.


Giá cả hàng hóa đang tăng trên khắp thế giới. Ảnh : Bloomberg

Ông Putin đã tự tin khẳng định, các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga sẽ gây tác dụng ngược với phương Tây như khiến giá thực phẩm và năng lượng leo thang, trong khi Nga sẽ trỗi dậy mạnh mẽ.

Ông cho rằng giá lương thực toàn cầu sẽ còn cao hơn nữa nếu phương Tây tiếp tục gia tăng sức ép kinh tế thông qua các biện pháp cô lập về tài chính và hậu cần với Nga và Belarus, những quốc gia vốn xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới.

Các chuyên gia cũng lo ngại tương tự trong bối cảnh cuộc chiến trừng phạt chưa có dấu hiệu dừng lại.

Thực tế là không chỉ thực phẩm, nhiều hàng hóa khác như kim loại quý, kim loại công nghiệp và gỗ, niken và nhiều kim loại khác đã tăng kỷ lục trong tuần qua.

Sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 6/3 cho biết đang bàn chuyện với các đồng minh về lệnh cấm chung, dầu thô Brent đã tăng lên 139 USD /thùng, gấp đôi giá của ngày 1/12/2021 – mặc dù vào ngày 10/3, giá đã giảm trở lại 113 USD.

Giá khí đốt cũng biến động dữ dội. Cùng ngày, Sở giao dịch kim loại London (LME) đã đình chỉ giao dịch niken lần thứ hai trong lịch sử 145 năm sau khi kim loại này tăng gấp đôi mức giá kỷ lục trước đó. Trong tuần thứ 2 của tháng 3, các kim loại khác đạt hoặc gần đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Một cú sốc ảnh hưởng sâu rộng như vậy là chưa có tiền lệ.

Chỉ số hàng hóa cốt lõi do Thomson Reuters tổng hợp đã tăng hơn bất kỳ giai đoạn nào kể từ năm 1973, trên cơ sở 3 tháng. Trong tuần kết thúc vào ngày 4/3, các con số cho thấy mức tăng lớn nhất kể từ ít nhất là năm 1956.

Ngoài các sàn giao dịch, sự hoảng loạn vẫn chưa xuất hiện nhưng xu hướng này khó duy trì được lâu.


Ảnh: Economist

“Hiện tại, giá cả được in trên màn hình. Trong 4 tuần nữa, nó sẽ trở thành hiện thực. Nếu căng thẳng tăng hơn nữa, năng lượng và kim loại có thể sẽ bị giới hạn. Các công ty tư và các cá nhân sẽ phải điều chỉnh một cách đau đớn. Thế giới giàu có sẽ thay đổi. Các nước nghèo có thể bị phá sản…”, tờ Economist dẫn lời một thương gia nhận định.

Nguyên nhân do đâu?

Thị trường hàng hóa đang hoảng loạn vì hai lý do.

Thứ nhất, nhiều nơi đã khan hàng ngay cả trước khi bùng nổ giao tranh Ukraine, do nhu cầu mạnh mẽ. Sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch đã thúc đẩy nhu cầu đối với năng lượng và kim loại tăng cao, khiến các kho dự trữ xuống mức thấp kỷ lục.

Lý do thứ hai là do nguồn cung biến mất, vốn là vấn đề chính kể từ khi bùng nổ khủng hoảng Ukraine. Số lượng dầu từ Nga vẫn tuôn chảy, với hàng triệu thùng đang vượt Đại Tây Dương. Nhưng hầu hết số này đã được mua và thanh toán từ ít nhất hai tuần trước. Các nguồn cung dầu thô Urals mới hơn không còn hoạt động nữa.

Vấn đề đặc biệt là thiếu tài chính. Hầu hết các ngân hàng nước ngoài, thậm chí cả các ngân hàng Trung Quốc, đã ngừng phát hành thư tín dụng cho các giao dịch của Nga. Sau một thập niên phải trả các khoản phạt cao vì vi phạm cấm vận đối với Iran và một số nước khác, nhiều ngân hàng không muốn tiếp tục giao dịch với Nga.

Các vấn đề về hậu cần cũng không kém phần quan trọng. Không có được bảo hiểm, các tàu nước ngoài đang tránh Biển Đen. Tuần trước, Maersk và MSC, cùng chiếm 1/3 hoạt động vận tải container ở Nga, đã rút khỏi nước này…

Hàng hóa bị treo trong khi giá cả biến động thất thường càng kéo căng cơ sở hạ tầng vật chất và tài chính của giao dịch hàng hóa. Một số cảng châu Âu bị tắc nghẽn nghiêm trọng. Giá nhiên liệu tăng 1/3 sau ngày 24/2 đã khiến cho hoạt động vận tải toàn cầu gặp nhiều khó khăn.

Đối với các nước nghèo hơn, mối đe dọa trước mắt là thâm hụt tài khoản vãng lai tăng cao. Phân tích của Economist cho thấy, giá dầu ở mức 150 USD/thùng trong một năm sẽ khiến số dư tài khoản vãng lai của 37 nhà nhập khẩu dầu giảm trung bình 2,3 điểm phần trăm.

Điều đó sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia đang căng thẳng, chẳng hạn như Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Ngay cả những nước xuất khẩu hàng hóa lớn như Chile cũng có thể bị ảnh hưởng do kim loại không tăng giá nhiều.

Các nước xuất khẩu dầu sẽ tăng trưởng nhưng vẫn phải đối mặt với các vấn đề, chẳng hạn như đồng tiền tăng giá ảnh hưởng đến xuất khẩu phi năng lượng.

(Nguồn: Cafebiz)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil