Tiêm kích có thay đổi được cục diện chiến trường Ukraine?
Tin nổi bật, Tin thế giới, Tin tức
author18/03/2023 16:35

Là quốc gia đầu tiên bàn giao xe tăng Leopard 2 cho Ukraine, giờ đây Ba Lan cũng là nước đầu tiên sắp chuyển tiêm kích MiG-29. Liệu Mỹ, Anh, Đức sẽ nối gót?

Hôm 16-3, Ba Lan cam kết sẽ gửi bốn tiêm kích MiG-29 tới Ukraine, trở thành thành viên đầu tiên của liên minh quân sự NATO cam kết cung cấp máy bay chiến đấu cho Kiev. Ngay hôm sau, Thủ tướng Eduard Heger của Slovakia cho biết chính phủ nước này cũng đã chấp thuận gửi tiêm kích MiG-29 tới Ukraine.

Áp lực cho phần còn lại của NATO
Thời gian qua Ukraine liên tục kêu gọi các đồng minh phương Tây cung cấp chiến đấu cơ, nhưng Mỹ, Anh và Đức do dự vì nhận thấy nguy cơ leo thang phản ứng từ Nga. Điện Kremlin từng cảnh báo các cuộc thảo luận về cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine cho thấy phương Tây đang tiến gần hơn đến một cuộc chiến trực tiếp chống lại Nga.

Nguồn: BBC – Dữ liệu: BẢO ANH – Đồ họa: T.ĐẠT

Nhưng với thông báo của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda về việc bàn giao chiến đấu cơ cho Kiev “trong những ngày tới”, ông George Barros, nhà phân tích chuyên về Nga và Ukraine tại Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW), nhận định: “Đây có thể là bước ngoặt khi các nước phương Tây bắt đầu đánh giá lại các quyết định trước đây của họ về việc từ chối gửi máy bay cánh cố định cho Ukraine”.

Warsaw hiện có 28 chiếc MiG-29 và có kế hoạch thay thế dần bằng tiêm kích F-35 của Mỹ và FA-50 của Hàn Quốc. Slovakia có khoảng 12 chiếc MiG-29. Lực lượng không quân các nước NATO khác có máy bay này bao gồm Bulgaria, Croatia, Romania…

Ba Lan, vốn có quan hệ căng thẳng với Nga lâu nay, là quốc gia NATO đi đầu trong việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev. Ba Lan từng muốn gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine cách đây một năm, nhưng Washington không ủng hộ. Ba Lan cũng là nước đầu tiên bàn giao xe tăng chiến đấu Leopard 2 (do Đức sản xuất) cho Kiev.

Việc Ba Lan cam kết gửi MiG-29 tới Ukraine có thể gây áp lực lên các quốc gia thành viên NATO khác để làm điều tương tự. Tuy nhiên, ngày 16-3, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nói rằng quyết định của Ba Lan sẽ “không ảnh hưởng và không làm thay đổi” quá trình ra quyết định của Mỹ về việc cung cấp F-16.

Mang tính biểu tượng?
Ukraine được cho là đang nỗ lực tạo bước đột phá quân sự bằng cuộc phản công lớn vào mùa xuân và mùa hè, đồng thời đang cố gắng xây dựng lực lượng được trang bị tốt với các binh sĩ do phương Tây đào tạo và vũ khí do phương Tây cung cấp. Tuy nhiên, quá trình bàn giao xe tăng Leopard và các thiết bị khác mà các nước phương Tây cam kết đã chậm hơn so với Kiev mong đợi.

Tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đánh giá thành công của cuộc phản công của Ukraine sẽ phụ thuộc vào việc buộc quân đội Nga phải chuyển sang thế phòng thủ cũng như phụ thuộc vào việc phá vỡ các tuyến tiếp tế của đối phương và vô hiệu hóa ưu thế trên không của Nga.

Ông Reznikov chỉ ra việc cung cấp máy bay chiến đấu sẽ đẩy nhanh quá trình giải phóng lãnh thổ Ukraine. Ông nói: “Chúng tôi nhận được máy bay chiến đấu càng sớm thì sẽ cứu được càng nhiều mạng sống”.

Tuy nhiên, bốn chiếc MiG-29 của Ba Lan được cho là sẽ không đủ làm thay đổi cục diện chiến trường, chưa kể thời gian bàn giao vẫn không rõ ràng.

Chính Kiev cũng cho rằng các tiêm kích MiG-29 mà Ba Lan cam kết tặng “mang tính biểu tượng” hơn là mang giá trị trên chiến trường.

Người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine Yuriy Ihnat nhận định “không thể nói máy bay MiG-29 (vốn do Liên Xô thiết kế) sẽ dẫn đến bất kỳ thay đổi nào ở phía trước”, mà đúng hơn là “chỉ đơn giản sẽ củng cố năng lực của chúng tôi xét về công nghệ Liên Xô”. Tuy nhiên, ông đánh giá động thái của Ba Lan có thể khuyến khích các nước khác nối gót cung cấp máy bay chiến đấu.

Hiện nay Ukraine muốn được cung cấp các máy bay hiện đại do Mỹ sản xuất chẳng hạn như tiêm kích F-16, nhưng vấn đề nằm ở chỗ phi công Ukraine vốn được đào tạo để lái máy bay MiG từ thời Liên Xô và việc vận hành tiêm kích phương Tây không phải chuyện ngày một ngày hai. Với máy bay F-16 của Mỹ và Typhoon của Anh đòi hỏi nhiều thời gian đào tạo phi công, công tác hỗ trợ trên mặt đất, đường băng dài và trơn tru…

(Nguồn: Tuoitre)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil