Tin tức thế giới 28-4: Quan hệ Mỹ – Hàn đang mạnh nhất; Nga làm hạt nhân cho Thổ Nhĩ Kỳ
Tin nổi bật, Tin thế giới, Tin tức
author28/04/2023 10:00

Hàn Quốc kêu gọi đẩy mạnh hợp tác với Mỹ đối phó Triều Tiên; Thỏa thuận ngừng bắn ở Sudan được gia hạn; Ông Putin ca ngợi dự án hạt nhân ‘lớn nhất thế giới’ ở Thổ; Châu Âu định hình quy định về AI… là những tin tức thế giới đáng chú ý ngày 28-4.

Tổng thống Hàn Quốc ca ngợi quan hệ với Mỹ
Ngày 27-4, phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống Yoon Suk Yeol khẳng định mối quan hệ đồng minh Mỹ – Hàn bắt đầu 70 năm qua đang “mạnh hơn bao giờ hết”.

Cùng lúc, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Mỹ – Hàn.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (giữa) phát biểu tại Quốc hội Mỹ ngày 27-4 – Ảnh: REUTERS

Cũng trong bài phát biểu, ông Yoon kêu gọi đẩy mạnh hợp tác ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc để đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.

Trước đó, trong cuộc gặp giữa ông Yoon và người đồng cấp Mỹ Joe Biden, cả hai đã cảnh báo Triều Tiên sẽ đối mặt với hậu quả thảm khốc nếu dùng vũ khí hạt nhân.

Washington cũng đồng ý hợp tác nhiều hơn với Seoul về các vấn đề hạt nhân và triển khai thường xuyên các khí tài chiến lược tới Hàn Quốc.

Đối với cuộc xung đột tại Ukraine, nhà lãnh đạo Hàn Quốc chỉ trích Nga vi phạm luật pháp quốc tế và cam kết hành động vì tự do của Ukraine cũng như giúp Kiev tái thiết.

  • Gia hạn thỏa thuận ngừng bắn ở Sudan, giao tranh vẫn tiếp diễn. Quân đội Sudan và Các Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự đồng ý gia hạn thỏa thuận ngừng bắn đang diễn ra, do Mỹ và Saudi Arabia làm trung gian, thêm 3 ngày tính từ thời gian kết thúc thỏa thuận vào nửa đêm 28-4.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoan nghênh việc gia hạn ngừng bắn, cho biết thỏa thuận “không hoàn hảo” nhưng “dù vậy đã làm giảm bạo lực”. Trong khi đó, các nước vẫn tiếp tục di tản công dân khỏi Sudan.

Mặc dù giao tranh tạm lắng phần nào kể từ khi lệnh ngừng bắn kéo dài 72 giờ đầu tiên bắt đầu, các cuộc không kích và hỏa lực phòng không vẫn vang rền tại thủ đô và các thành phố lân cận Omdurman và Bahri vào ngày 27-4, theo Hãng tin Reuters.

Nhà Trắng quan ngại sâu sắc về những vi phạm lệnh ngừng bắn, đồng thời cảnh báo tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn bất cứ lúc nào và kêu gọi công dân Mỹ rời đi trong vòng 24 đến 48 giờ.

  • Ông Putin chúc mừng khánh thành nhà máy hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi mối quan hệ kinh tế với Ankara khi phát biểu trực tuyến tại buổi lễ khánh thành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhà lãnh đạo Nga mô tả Akkuyu, do công ty năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga xây dựng, là “dự án xây dựng hạt nhân lớn nhất thế giới”.

“Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được hưởng lợi thế của một quốc gia có năng lượng hạt nhân của riêng mình và năng lượng hạt nhân, như bạn biết, là một trong những loại năng lượng rẻ nhất”, ông nói.

  • Ông Trump cảnh báo thảm họa cho nước Mỹ nếu ông Biden lại thắng. Trong chiến dịch vận động tranh cử đầu tiên kể từ khi đối thủ đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức bước vào cuộc đua bầu cử 2024, cựu tổng thống Donald Trump cho rằng Mỹ sẽ rơi vào “hỗn loạn” và “xung đột” nếu ông Biden lại thắng.

“Sự lựa chọn bầu cử này bây giờ là giữa mạnh hay yếu, giữa thành công hay thất bại, giữa an ninh hay vô chính phủ, giữa hòa bình hay xung đột, thịnh vượng hay thảm họa.

Với lá phiếu của bạn vào ngày 5-11-2024, chúng ta sẽ đè bẹp Joe Biden”, Hãng tin Reuters dẫn phát biểu của ông Trump tại New Hampshire ngày 27-4.

  • Nga lập bảo tàng về cuộc chiến ở Ukraine. Tổng thống Vladimir Putin đã yêu cầu các cơ quan Chính phủ Nga bắt đầu xây dựng các bảo tàng dành riêng cho cuộc xung đột, theo thông tin được công bố trên trang của Điện Kremlin.

Nga bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại nước láng giềng Ukraine từ cuối tháng 2-2022.

Theo Điện Kremlin, ông Putin cho biết nên xem xét cách chuyển “các đồ tạo tác liên quan đến hoạt động quân sự đặc biệt” đến bảo tàng để trưng bày.

“Chính phủ cũng nên xem xét việc tổ chức nghiên cứu lịch sử của chiến dịch quân sự đặc biệt trong hệ thống giáo dục”, ông Putin nêu ý kiến.

  • Châu Âu vạch quy định cho trí tuệ nhân tạo. Các nghị sĩ thuộc Nghị viện châu Âu (EP) đạt được thỏa thuận sơ bộ về Đạo luật Trí tuệ nhân tạo (AI) mang tính bước ngoặt, mở đường cho một bộ luật toàn diện đầu tiên trên thế giới về công nghệ này.

Theo các đề xuất, các công cụ AI sẽ được phân loại theo mức độ rủi ro nhận thức được: từ tối thiểu đến hạn chế, cao và không thể chấp nhận được.

Các công ty phát triển công cụ AI, chẳng hạn như ChatGPT hoặc trình tạo hình ảnh Midjourney, sẽ công khai mọi tài liệu có bản quyền có được sử dụng để phát triển hệ thống của họ.

Đề xuất dự kiến sẽ được đưa ra bỏ phiếu ở EP vào tháng 6-2023.

(Nguồn: Tuoitre)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil