Tính năng tiêm kích mới Nga kỳ vọng bán cho Việt Nam
KINH TẾ, Kinh tế thế giới, Kinh tế Việt Nam,
author23/07/2021 09:39

Tiêm kích Checkmate có giá khoảng 30 triệu USD, mang được khoảng 7,5 tấn vũ khí, trong đó gồm 3 tên lửa RVV-BD với tầm bắn gần 400 km.

Tập đoàn Máy bay Thống nhất Nga (UAC) hôm 20/7 ra mắt nguyên mẫu tiêm kích tàng hình “Checkmate” (Chiếu tướng) trong khuôn khổ triển lãm hàng không MAKS 2021. Phó thủ tướng Nga Yuri Borisov cho biết mẫu chiến đấu cơ này hướng tới những khách hàng tiềm năng như Ấn Độ, Việt Nam và các nước châu Phi, với nhu cầu ước tính ít nhất 300 chiếc trong những năm tới.

Cửa hút gió của máy bay là một trong những yếu tố được giới quân sự đề cập nhiều nhất từ khi Checkmate xuất hiện lần đầu hồi tuần trước. Hình ảnh tại lễ ra mắt cho thấy Checkmate có khe hút gió lớn với hình dạng góc cạnh, bao trọn nửa dưới mũi máy bay, gần giống nguyên mẫu X-32 của Boeing, ứng dụng thiết kế cửa hút siêu âm không có bộ chuyển hướng không khí (DSI).

Phần mũi với cửa hút gió DSI của tiêm kích Checkmate. Ảnh: Xuân Hoàn.


Cửa hút khí dạng DSI đã xuất hiện trên tiêm kích F-35 Mỹ và J-20 Trung Quốc, giúp tăng khả năng tàng hình trước radar và cắt giảm khối lượng so với những kết cấu kiểm soát dòng khí vào động cơ của nhiều tiêm kích hiện nay.
Máy bay Checkmate được trang bị ba khoang vũ khí trong thân, trong đó khoang bụng rộng nhất với khả năng mang tối đa 3 tên lửa đối không RVV-BD, phiên bản xuất khẩu của tên lửa R-37M có tầm bắn tối đa gần 400 km. Hai khoang vũ khí nhỏ hơn được đặt hai bên sườn mũi máy bay, có thể chứa tên lửa đối không tầm ngắn R-73.

Ngoài tên lửa đối không, tiêm kích Checkmate cũng có thể sử dụng hàng loạt vũ khí đối đất với độ chính xác cao như Kh-38MLE/MTE và Kh-59MK, tên lửa diệt radar Kh-58UShKE, tên lửa và bom liệng dẫn đường bằng vệ tinh GROM E-1/2, K08BE và K029BE. Máy bay cũng mang được bom và rocket không điều khiển và một pháo GSh-30-1 cỡ nòng 30 mm, tương tự tiêm kích Su-57.

Về hệ thống cảm biến, Checkmate sử dụng radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) nhưng chưa rõ chủng loại, có khả năng dẫn đường cho tên lửa tấn công 6 mục tiêu cùng lúc trong môi trường bị gây nhiễu điện tử mạnh. Đây là một phần trong hệ thống cảm biến thống nhất của máy bay, kết hợp với tổ hợp theo dõi và bám bắt hồng ngoại (IRST) gắn trước buồng lái và nhiều thiết bị cảnh báo khác.

Nhà sản xuất Sukhoi cho biết Checkmate có khả năng cất hạ cánh trên đường băng ngắn, tầm bay 3.000 km và bán kính chiến đấu khoảng 1.500 km, mang được tối đa 7,5 tấn vũ khí. Khung thân máy bay có thể chịu tải gấp 8 lần trọng lực Trái đất (8G), kém hơn một chút so với mức 9G của tiêm kích hạng nặng Su-35S. Điều này cho thấy nhà sản xuất ưu tiên tính năng tàng hình và tầm bay cho Checkmate, thay vì tập trung vào khả năng cơ động cao như dòng Su-35S.

Mức giá của tiêm kích Checkmate vào khoảng 30 triệu USD, nhưng dường như đây là chi phí cho riêng máy bay, chưa tính tới vũ khí và những dịch vụ hậu mãi đi kèm.

Động cơ cho Checkmate chưa được công bố, nhưng nhà sản xuất cho biết nó có thể tạo lực đẩy 14,5-16 tấn, sử dụng các linh kiện sẵn có trên thị trường. Chỉ số này gần ngưỡng sức đẩy tối đa của động cơ AL-41F1 triển khai trên nguyên mẫu Su-57 và ở mức gần thấp nhất của mẫu Izdeliye 30 đang được Nga phát triển cho tiêm kích thế hệ 5.

Máy bay sẽ ứng dụng nhiều công nghệ từ dự án tiêm kích tàng hình Su-57. Điều này không chỉ giúp cắt giảm chi phí phát triển, mà còn cho phép khách hàng lựa chọn nhiều cấu hình theo yêu cầu, nhất là khi ứng dụng cách tiếp cận dựa trên cấu trúc mở và có thể trang bị linh kiện ngoài thị trường.

Các vũ khí đối đất có thể trang bị trên tiêm kích Checkmate. Ảnh: Rostec.

Tài liệu của tập đoàn nhà nước Nga Rostec cho thấy Checkmate được trang bị “trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ nhiệm vụ cho phi công”, nhưng không tiết lộ ứng dụng cụ thể của nó. Đã có một số đề xuất về khả năng vận hành Checkmate theo phương án kết hợp giữa tiêm kích có người lái và phi cơ không người lái (UAV) như mô hình Su-57 và Okhotnik, cũng như phát triển biến thể Checkmate không người lái và phiên bản hải quân.

Tập đoàn Rostec cho biết Checkmate có khả năng thu hút nhiều khách hàng nhờ chi phí vận hành rẻ, cũng như hỗ trợ hậu mãi và bảo đảm chuỗi cung ứng trong điều kiện cơ sở hạ tầng thiếu thốn ở nhiều nước. Đây là điểm khác biệt với những dòng tiêm kích tàng hình hiện nay, vốn đòi hỏi quy trình bảo dưỡng và cơ sở hạ tầng kỹ thuật phức tạp.


(Nguồn: Vnexpress/Theo Drive)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil