Tranh cãi về tuyên bố giảm giao tranh của Nga ở Ukraine
Tin thế giới
author31/03/2022 15:11

Nga tuyên bố giảm hoạt động quân sự ở miền bắc Ukraine như một “cử chỉ thiện chí”, song giới chuyên gia cho rằng đây có thể chỉ là động thái trì hoãn.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 29/3 tuyên bố sẽ “giảm các hoạt động quân sự” quanh thủ đô Kiev và thành phố Chernihiv ở miền bắc Ukraine. Lực lượng Nga sẽ “tái tập kết” và dành ưu tiên cho nhiệm vụ “giải phóng Donbass” ở miền đông, tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, giải thích.

Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin cũng tuyên bố quyết định giảm quy mô tác chiến quanh Kiev một mặt là vì quá trình thảo luận với Ukraine đã “bước vào giai đoạn thực tế” sau cuộc đàm phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3. Mặt khác, do Nga mong muốn “tăng cường tin cậy lẫn nhau và tạo điều kiện để đàm phán tiếp tục phát triển”, nên quyết định giảm giao tranh này được coi là một “cử chỉ thiện chí” của Moskva.

Xe thiết giáp của lực lượng Nga tại thành phố Mariupol, phía đông nam Ukraine. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, động thái của Nga lập tức vấp phải sự hoài nghi của Ukraine. Tỉnh trưởng Chernihiv cho biết thủ phủ tỉnh này vẫn hứng chịu pháo kích suốt đêm sau khi Nga tuyên bố giảm giao tranh. Vadym Denysenko, cố vấn Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, nói rằng một số đơn vị Nga gần Kiev đã được rút về Belarus, nhưng đây chỉ là động thái “đảo quân” và củng cố lực lượng, không phải chấm dứt chiến sự.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tối 30/3 cũng nhận định lực lượng Nga không phải chủ động rút khỏi khu vực gần thủ đô Kiev và Chernihiv, mà là do bị lực lượng Ukraine đẩy lùi.

Konrad Muzyka, chuyên gia tình báo quân sự, chủ tịch công ty tư vấn độc lập về hàng không và quốc phòng Rochan Consulting, trụ sở ở Ba Lan, thì cho rằng thông báo “giảm quy mô hoạt động” là một chiến thuật trì hoãn của lực lượng Nga, trong lúc tìm cách tái triển khai các đơn vị tác chiến tới khu vực Donbas và giành thêm lợi thế ở miền đông Ukraine trước khi đạt được bất cứ thỏa thuận nào.

Sau 5 tuần giao tranh gần như liên tục ở phía bắc Kiev, sức chiến đấu của quân đội Nga ít nhiều sẽ bị suy giảm, đặc biệt là khi lực lượng phòng thủ Ukraine được trang bị nhiều loại tên lửa chống tăng, phòng không hiện đại của phương Tây, giới chuyên gia đánh giá.

Nếu giảm đà tiến công, lực lượng Nga có thể tranh thủ nghỉ ngơi lấy lại sức chiến đấu và bổ sung lại lực lượng, trang bị vật chất, Muzyka nhận định. Nhưng khi đó, Moskva có lẽ lo ngại các lực lượng gần Kiev sẽ dễ bị Ukraine phản công dẫn tới tổn thất không đáng có. Bởi vậy, với tuyên bố giảm quy mô hoạt động, Nga dường như muốn chủ động tránh kịch bản này xảy ra.

Theo Moscow Times, tình hình chiến sự ở Ukraine tuần qua cho thấy lực lượng Nga gặp nhiều trở ngại trong nỗ lực khép vòng vây Kiev. Việc Ukraine giành lại quyền kiểm soát thành phố Irpin đã gần như phá vỡ cánh cung phía bắc Kiev của lực lượng Nga, vốn đang gặp nhiều trở ngại về hậu cần.

“Chiến dịch đã không đi theo kế hoạch ngay từ đầu”, chuyên gia phân tích quân sự người Nga Pavel Luzhin nói. “Tuy nhiên, lực lượng Nga vẫn duy trì khả năng chiến đấu và dù có chịu tổn thất, họ không bao giờ cạn kiệt nguồn lực hoàn toàn”.

Chuyên gia này cho rằng thông báo giảm quy mô hoạt động chỉ là cách Nga “tung hỏa mù” để tổ chức lại lực lượng và quay lại tấn công mạnh mẽ hơn.

“Tôi không thấy quân đội Nga rút hoàn toàn khỏi các vị trí gần Kiev. Một số đơn vị có rời đi, nhưng nó giống như hoạt động luân chuyển lực lượng, thay thế những binh sĩ không còn khả năng chiến đấu”, Luzhin nói. “Tôi cho rằng đây là động thái chuẩn bị cho một vòng tiến công tiếp theo”.

Giới quan sát đánh giá tuyên bố giảm quy mô hoạt động ở gần Kiev cũng tạo điều kiện để lực lượng Nga dồn sức cho mục tiêu hàng đầu hiện nay là giành quyền kiểm soát toàn bộ hai tỉnh Luhansk và Donetsk thuộc vùng Donbass ở miền đông Ukraine, nối thông hành lang trên bộ từ biên giới Nga đến bán đảo Crimea.

Denis Pushilin, lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng được Nga hậu thuẫn, ngày 30/3 cho biết các hoạt động tấn công ở khu vực này đang được tăng cường. “Chúng tôi nhận thức rõ rằng càng mất nhiều thời gian để giải phóng lãnh thổ của mình, những khu vực hiện nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine, thì càng có nhiều nạn nhân và mức độ tàn phá càng nghiêm trọng”, Pushilin nói.

Trong một bài đăng trên Twitter, Michael Kofman, chuyên gia về quân đội Nga tại viện nghiên cứu CNA ở Washington, Mỹ, lưu ý dấu hiệu các lực lượng Nga chuyển hướng về phía đông đã xuất hiện khoảng hai tuần qua.

Dù vậy, ít có khả năng Nga sẽ rút lui hoàn toàn khỏi mặt trận phía bắc, bởi điều đó chỉ đơn giản là sẽ giúp các lực lượng Ukraine rảnh tay để tham gia thế trận phòng thủ ở Donbass, ông cho biết thêm.

“Chúng ta sẽ thấy quân đội Nga tiếp tục củng cố lực lượng quanh Kiev để kiềm chế các lực lượng Ukraine ở đó, đồng thời di chuyển phần lớn sức mạnh chiến đấu sang Donbass”, Kofman nói.

Phương Tây đang phản ứng thận trọng với tuyên bố “giảm hoạt động” của Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden nói ông sẽ chờ xem Điện Kremlin có dùng hành động để chứng minh cho tuyên bố hay không.
Nhưng theo Alexei Mukhin, chuyên gia từ Trung tâm Thông tin Chính trị có trụ sở ở Moskva, quyết định giảm các hoạt động quân sự gần Kiev là một bước đi cần thiết.

“Đây chắc chắn là một tín hiệu tích cực. Nga đang cho Ukraine cơ hội để giải quyết tình thế khó khăn hiện nay. Nga đang chìa cành ô liu, vì lợi ích của Ukraine”, ông nhận xét.

Với Mukhin, cam kết giảm hoạt động quân sự ở mặt trận phía bắc mà các nhà đàm phán Nga đưa ra phù hợp với kế hoạch đã được cân nhắc kỹ lưỡng của Điện Kremlin. “Rõ ràng đây là một phần trong kế hoạch. Mọi chiến dịch đặc biệt đều cần điều chỉnh, nhưng nhìn chung, chúng ta đều đang đạt được các mục tiêu đề ra”, ông nói.

(Nguồn: Vnexpress)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil