Trung Quốc bị cáo buộc có đồn công an bất hợp pháp tại Hà Lan
Tin thế giới
author27/10/2022 09:19

Chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc thiết lập ít nhất hai “đồn công an” không công khai tại Hà Lan.

Truyền thông Hà Lan đã phát hiện bằng chứng về “những đồn công an ở nước ngoài” này, với cam kết cung cấp các dịch vụ ngoại giao, đang được sử dụng để bịt miệng những người bất đồng chính kiến Trung Quốc tại châu Âu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hà Lan nói sự tồn tại những đồn công an không chính thức như vậy là bất hợp pháp.

Một cuộc điều tra đã được tiến hành sau bản báo cáo với tựa đề Chinese Transnational Policing Gone Wild, do Safeguard Defenders, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Tây Ban Nha tiến hành.

Theo tổ chức này, thì các văn phòng công an từ hai tỉnh của Trung Quốc đã thiết lập 54 “trung tâm dịch vụ công an nước ngoài” tại khắp năm châu lục và 21 quốc gia. Hầu hết là ở châu Âu, bao gồm chín trung tâm ở Tây Ban Nha và bốn ở Ý. Ở Anh Quốc, cơ quan này phát hiện hai trung tâm ở London và một ở Glasgow.

Bề ngoài, các tổ chức này được tạo ra để giải quyết tội phạm xuyên quốc gia và tiến hành các nhiệm vụ hành chính, như làm mới bằng lái xe Trung Quốc.

Nhưng, theo Safeguard Defenders thì trên thực tế, họ tiến hành “các hoạt động thuyết phục”, như nhắm đến cưỡng ép những người bị tình nghi có phát ngôn chống lại chế độ ở Trung Quốc trở về quê hương.

Hãng tin RTL và nền tảng báo chí điều tra Follow the Money đã chia sẻ câu chuyện của Vương Tĩnh Vũ, một người bất đồng chính kiến Trung Quốc cho biết đã bị cảnh sát Trung Quốc theo dõi tại Hà Lan.

Trả lời bằng tiếng Anh với các nhà báo Hà Lan, Vương Tĩnh Vũ nói đã nhận một cuộc điện thoại hồi đầu năm nay từ một người tự xưng là gọi từ một đồn công an như vậy. Trong cuộc trao đổi, thì Vương nói đã bị ép trở về Trung Quốc để “giải quyết vấn đề của tôi. Và hãy nghĩ về cha mẹ của mình”.

Kể từ đó, Vương mô tả một chiến dịch có hệ thống về việc xâm hại và đe dọa, mà ông tin rằng là do các điệp viên của chính phủ Trung Quốc dàn dựng.

Phản hồi về các công bố, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Lan nói với hãng tin RTL là họ không biết về sự tồn tại của những đồn công an như vậy.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hà Lan Maxime Hovenkamp nói với BBC: “Chính phủ Hà Lan không được biết về những hoạt động như vậy thông qua các kênh ngoại giao với chính phủ Trung Quốc. Điều này là bất hợp pháp.”

Bà Maxime Hovenkamp cho biết phía Hà Lan sẽ phải điều tra và quyết định các phản ứng thích hợp. “Thật rất đáng lo ngại khi một công dân Trung Quốc rõ ràng đã trở thành đối tượng bị đe dọa và xâm hại ngay tại đây, tại Hà Lan. Cảnh sát đang xem xét các cách thức để bảo vệ anh ta,” bà cho biết thêm.

Các dịch vụ như làm mới hộ chiếu hoặc yêu cầu visa thường do các đại sứ quán hay lãnh sự quán thực hiện. Các quy định ngoại giao được áp dụng tại những nơi này, tuân theo Công ước Vienna, mà cả Hà Lan và Trung Quốc đều tham gia.

Các đồn công an mà Trung Quốc đang bị cáo buộc vận hành có thể vi phạm tính toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia sở tại khi lách luật quốc gia và những sự bảo vệ căn cứ theo luật trong nước…

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói hôm thứ Tư 26/10 rằng cái được mô tả là đồn công an Trung Quốc ở nước ngoài “thật sự là các trụ sở dịch vụ cho những công dân Trung Quốc ở nước ngoài”, và Trung Quốc hoàn toàn tôn trọng chủ quyền theo luật pháp của quốc gia khác.

Nhiều người Trung Quốc đã không thể trở về Trung Quốc vì Covid, ông Uông Văn Bân nói với các phóng viên: “Để giúp họ vượt qua khó khăn thì các chính quyền địa phương liên quan đã mở các dịch vụ trực tuyến. Những dịch vụ như vậy chủ yếu nhắm đến bài kiểm tra thể lực và thay bằng lái xe.”

Safeguard Defenders nói chiến thuật công an của Trung Quốc là “có vấn đề” khi nhắm đến những người bị tình nghi mà không chắc chắc có liên quan đến tội phạm hoặc tuân theo quy trình chuẩn của các quốc gia sở tại.

Điều này chủ yếu được thực thi thông qua việc cưỡng ép hoặc đe dọa nhằm vào các thành viên gia đình của người bị cáo buộc lẩn trốn, là một biện pháp để “thuyết phục” họ trở về, tổ chức này cho biết.

Hôm 02/09, Trung Quốc đã thông qua Luật Chống giả mạo Trực tuyến và Truyền thông, thiết lập một tuyên bố về quyền tài phán bên ngoài lãnh thổ, áp dụng đối với tất cả các công dân Trung Quốc trên toàn cầu, những người bị tình nghi có phạm tội dạng này.

Về mặt lý thuyết, luật mới – cùng lúc với các đơn vị công an Trung Quốc trên lãnh thổ nước ngoài – đã khiến các nhà bất đồng chính kiến không còn nơi lẩn trốn.

Áp lực giờ đây đè lên chính phủ Hà Lan để đảm bảo giới chỉ trích chính phủ Trung Quốc, những người được trao quyền tị nạn có thể được bảo vệ, và tại Hà Lan thì luật pháp Hà Lan là trên hết.

(Nguồn: BBC)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil