Trung Quốc thẳng tay loại bỏ trình duyệt web nổi tiếng của Alibaba
KINH TẾ
author17/03/2021 17:10

TDM – Trình duyệt UC Browser đã bị xóa khỏi các kho ứng dụng tại Trung Quốc, cho thấy chính quyền nước này vẫn tiếp tục quá trình kiểm soát các công ty công nghệ lớn.


Một ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố muốn kiểm soát chặt hơn các công ty công nghệ lớn của nước này, sản phẩm tiếp theo của Alibaba đã gặp rắc rối.

Trình duyệt UC Browser, do công ty con của Alibaba UCWeb phát triển, đã bị xóa khỏi hàng loạt kho ứng dụng lớn tại Trung Quốc, bao gồm cả Play Store và kho trên smartphone Huawei, Xiaomi.

UC Browser là sản phẩm mới nhất của Alibaba gặp rắc rối tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.


Tuy nhiên, một số người dùng smartphone Samsung cho biết họ vẫn tìm thấy trình duyệt này ở kho ứng dụng của hãng. UC Browser cũng chưa bị xóa khỏi App Store trên iOS.

Trước khi gặp rắc rối, UC Browser bị đưa lên một chương trình truyền hình của CCTV, và bị chỉ trích vì hiện các quảng cáo y tế sai sự thật. Tại chương trình này, những vị khách mời cho rằng UC Browser đã để cho các bệnh viện tư mua quảng cáo để hiển thị khi người dùng tìm tên các bệnh viện lớn, khiến họ truy cập nhầm vào trang web bị quảng cáo.

Trả lời về vấn đề này, một đại diện của nhóm phát triển UC Browser cho biết họ đang tìm cách khắc phục. Người này cũng cho biết quảng cáo sai sự thật đã bị UC Browser xóa ngay sau khi lên truyền hình.

Theo Financial Times, bị xóa khỏi kho ứng dụng là hình thức trừng phạt quen thuộc đối với các công ty công nghệ Trung Quốc. UC Browser bị xóa chỉ một ngày sau khi chính quyền Trung Quốc yêu cầu Alibaba rút vốn khỏi các tờ báo, bao gồm South China Morning Post, và mạng xã hội vì lo ngại ảnh hưởng của tập đoàn công nghệ khổng lồ này.

Nguồn tin của WSJ cho biết chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu Alibaba thoái vốn khỏi một số tài sản truyền thông. Ngoài mảng kinh doanh cốt lõi, Alibaba sở hữu nhiều tài sản truyền thông gồm báo in, báo điện tử, truyền hình, mạng xã hội và công ty quảng cáo.

UC Browser bị xóa chỉ một ngày sau khi chính quyền Trung Quốc yêu cầu Alibaba thoái vốn khỏi các nền tảng mạng xã hội, báo chí. Ảnh: Reuters.



Alibaba sở hữu 30% cổ phần tại Weibo Sina – nền tảng mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc – và sở hữu tờ báo Hong Kong South China Morning Post. Ngoài ra, Alibaba còn có trong tay hãng điện ảnh Alibaba Pictures Group Ltd. và nền tảng phát video trực tuyến lớn nhất Trung Quốc Youku Tudou Inc.

Theo giới quan sát, chính quyền Trung Quốc lo ngại Alibaba có thể tận dụng sức mạnh truyền thông để thao túng dư luận. Tháng 5/2020, nhiều bài đăng trên mạng xã hội Weibo về việc một giám đốc điều hành của Alibaba bị cáo buộc ngoại tình đột nhiên biến mất.

Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc ngay sau đó đã gửi báo cáo lên chính quyền Bắc Kinh, nêu rõ: “Alibaba sử dụng sức mạnh truyền thông để thao túng dư luận”.

Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì một cuộc họp để bàn về ảnh hưởng của các công ty công nghệ lớn nhất nước này.

“Một số công ty nền tảng đang phát triển không đúng hướng và mang lại nhiều rủi ro. Đây là vấn đề lớn mà cơ chế hiện tại chưa kiểm soát được”, báo cáo của hội nghị này nêu rõ, đồng thời cho biết Trung Quốc sẽ tăng mức độ kiểm soát đối với các công ty Internet lớn của nước này.

(Nguồn: Zing)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil