WHO kêu gọi các nước ‘thức tỉnh’, COVID-19 sẽ không ‘biến mất kỳ diệu’
Tin thế giới
author12/07/2020 04:05

TTO – Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng “quá nhiều nước đang bỏ ngoài tai cảnh báo từ dữ liệu thực tế”, vẫn bỏ phong tỏa bất chấp dịch bùng phát và khẳng định dịch “sẽ không biến mất một cách kỳ diệu”.

Từ trái qua: Ông Michael Ryan, giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp y tế của WHO, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và chuyên gia Maria Van Kerkhove trong cuộc họp báo ngày 3-7-2020 tại Geneva, Thụy Sĩ – Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin AFP, phát biểu trước các nhà báo tại Geneva, giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan, nói: “Mọi người cần thức tỉnh. Dữ liệu đang không nói dối. Tình huống trên thực tế không nói dối”.

Kể từ sau khi bùng phát tại Trung Quốc cuối năm ngoái, tới nay đại dịch COVID-19 đã lan tới gần như mọi quốc gia trên thế giới.

Theo thống kê thời gian thực về dịch bệnh của trang Worldometers, tới 6h sáng nay 4-7 giờ Việt Nam, toàn cầu đã có hơn 11.169.000 người nhiễm bệnh, hơn 528.000 người đã chết.

Châu Mỹ là khu vực bị ảnh hưởng dịch nặng nhất. Hầu hết số người mắc bệnh và người chết ghi nhận tại Mỹ và những số liệu thống kê này cũng tăng vọt tại nhiều nước ở châu Mỹ Latin.

Brazil tới sáng 4-7 (giờ Việt Nam) cũng đã có tổng cộng hơn 1,5 triệu ca bệnh và hơn 63.000 người đã chết, theo trang Worldometers.

Khi được hỏi về tình hình dịch bệnh đang xấu đi tại những nước như Brazil và Mexico, đó cũng là những nơi vẫn tiếp tục gỡ bỏ phong tỏa bất chấp dịch vẫn rất nóng, ông Ryan cảnh báo “quá nhiều nước đang phớt lờ những gì dữ liệu đang nói với họ”.

“Có những lý do kinh tế đúng đắn để các nước cần hoạt động lại – ông Ryan nói – Chuyện đó có thể hiểu được, nhưng quý vị cũng không thể phớt lờ vấn đề dịch bệnh. Vấn đề đó sẽ không biến mất một cách kỳ diệu”.

Ở diễn biến khác liên quan, theo AFP, Chính phủ Anh đã công bố miễn yêu cầu cách ly y tế với hành khách đến từ 50 quốc gia từ ngày 10-7, trong đó có những nước như Úc, Pháp, Ý, New Zealand và Tây Ban Nha, nhưng không có Mỹ. Scotland, Xứ Wales và Bắc Ireland sẽ công bố chính sách riêng của họ.

Liên minh châu Âu cũng đã cấp phép sử dụng có điều kiện thuốc kháng virus remdesivir điều trị bệnh COVID-19 như là loại thuốc đầu tiên trị bệnh này.

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil