WTO bị chia rẽ khi đề xuất dỡ bỏ độc quyền sáng chế vaccine Covid-19
Tin thế giới
author02/06/2021 09:20

Độc quyền sáng chế vaccine liệu có phải là nguồn gốc của những căng thẳng trong việc phân phối vaccine trên thế giới hay không? Đây là vấn đề đang làm nóng các cuộc tranh luận tại Tổ chức Thương mại Thế giới-WTO nhằm dỡ bỏ những rào cản trong việc tiếp cận vaccine.


Trong khi Mỹ và Trung Quốc sẵn sàng thảo luận về đề xuất này, thì Liên minh châu Âu, Anh và Nhật Bản lại tỏ ra hoài nghi.

Đồ họa minh họa việc tiêm vaccine Covid-19 cho toàn cầu. Nguồn: STAT News.



Nam Phi và Ấn Độ đang dẫn đầu một chiến dịch kêu gọi tạm thời dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19 để các nước có nhu cầu, đặc biệt là những nước nghèo có thể tự sản xuất. Dù 63 nước đã bày tỏ sự ủng hộ, song theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, bất kỳ thỏa thuận nào muốn được thông qua cũng phải nhận được sự tán đồng của tất cả 164 nước thành viên. Những nước như Australia, Nhật Bản, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ hay một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đều tỏ ra khá dè dặt, thậm chí là phản đối mạnh mẽ ý tưởng này.

Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng sẵn sàng xem xét các lựa chọn, miễn là chúng đóng góp vào mục tiêu mở rộng sản xuất và tạo điều kiện tiếp cận công bằng đối với vaccine và phương pháp điều trị. Về mặt này, Liên minh châu Âu sẵn sàng tham gia một cách xây dựng để xem xét mức độ mà các đề xuất liên quan đến việc từ bỏ có mục tiêu và có giới hạn thời gian đối với quyền sở hữu trí tuệ nhằm hướng tới các mục tiêu này.”

Đề xuất không dừng lại ở việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với bằng sáng chế vaccine, mà cả điều trị, chuẩn đoán, máy móc y tế, trang thiết bị bảo hộ và thậm chí là những vật liệu và thành phần quan trọng để chế tạo vaccine. Theo dự thảo đề xuất, việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ này sẽ kéo dài ít nhất 3 năm trước khi Đại hội đồng Tổ chức Thương mại Thế giới quyết định về khả năng gia hạn.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 5 vừa qua tuyên bố sẵn sàng đàm phán về bất kỳ đề xuất nào giúp tìm kiếm giải pháp cho tình trạng thiếu hụt vaccine hiện nay và lập trường đã nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc.

Trong khi thái độ của Mỹ có thể kéo theo sự đồng thuận từ các nước phát triển khác, giới chuyên gia và hoạt động cảnh báo dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ chỉ là một trong nhiều điều cần làm để thực sự thúc đẩy nguồn cung vaccine trên thế giới. Là một trong những phản đối đề xuất, Thụy Sĩ cho rằng, Tổ chức Thương mại Thế giới nên tận dụng tính linh hoạt của các hiệp định sẵn có về quyền sở hữu trí tuệ. Trong khi đó Đức và nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu thì kêu gọi, thay vì miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ, thì Tổ chức Thương mại Thế giới nên tập trung ưu tiên vào việc sản xuất và dỡ bỏ những hạn chế đối với xuất khẩu vaccine.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn manh: “Chúng ta phải đảm bảo có thể tiêm được vaccine cho nhiều người dân nhất có thể. Một lực lượng đặc nhiệm đã được thành lập tại Liên minh châu Âu cũng như tại chính phủ Đức để tăng cường sản xuất vaccine và tìm ra cách để tất cả các nơi trên thế giới có thể tiếp cận với các nhà máy sản xuất vaccine. Nhưng việc dỡ bỏ độc quyền sáng chế không phải là con đường tốt nhất để đạt được mục tiêu ngày càng nhiều vaccine tốt hơn.”

Theo ước tính của AFP, hơn 1,9 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 đã được tiêm trên khắp thế giới. Tuy nhiên chỉ 0,3% trong số này là tại 29 quốc gia nghèo nhất, vốn chiếm tới 9% dân số toàn cầu. Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala mới đây thừa nhận, việc dỡ bỏ độc quyền sáng chế vaccine không phải là việc có thể thực hiện được trong một sớm một chiều và điều quan trọng nhất hiện nay vẫn là giải quyết được nhu cầu cấp thiết sản xuất nhanh và nhiều liều lượng vaccine hơn./.

(Nguồn: VOV)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil