Ai muốn xài ‘bom bẩn’ ở Ukraine?
Tin nổi bật, Tin thế giới, Tin tức
author27/10/2022 10:14

Trong khi chiến sự đang dồn về vùng Kherson ở miền nam Ukraine thì Nga với Mỹ và phương Tây đấu khẩu căng thẳng về cáo buộc “bom bẩn” mà bên nào cũng cho rằng bên kia lợi dụng để đổ trách nhiệm cho mình.


Ngày 26-10, chính quyền Ukraine cảnh báo “những trận chiến ác liệt nhất” sắp diễn ra tại Kherson khi lực lượng Nga đang dồn lực để giữ thành phố lớn nhất mà họ đã sáp nhập vào lãnh thổ trong tháng 9.

Trên mặt trận ngoại giao, cáo buộc giữa các bên về “bom bẩn”, loại bom chứa chất phóng xạ hoặc các chất hóa học và sinh học nguy hiểm, ngày càng phức tạp.

Cáo buộc lẫn nhau

Các bên đều có lý do để tin rằng bên kia sẽ sử dụng “bom bẩn” ở Ukraine. “Ukraine có tất cả lý do để làm như vậy, bởi chúng tôi biết rằng chế độ Volodymyr Zelensky trước hết là muốn tránh thất bại, thứ hai là muốn lôi kéo NATO vào một cuộc đụng độ trực tiếp với Nga”, Phó đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Dmitry Polyanskiy phát biểu sau cuộc họp kín của LHQ ngày 25-10.

Ông Konstantin Vorontsov, phó vụ trưởng Vụ Không phổ biến và kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga, thậm chí cho rằng một số nước phương Tây có thể đang giúp Kiev chế tạo loại bom mà theo Nga là không quá khó để chế tạo này.

“Theo thông tin của chúng tôi, phía Ukraine đã bắt đầu triển khai kế hoạch. Ví dụ nhà máy làm giàu quặng miền đông ở thành phố Zhyoltye Vody và Viện Nghiên cứu hạt nhân ở Kiev đã được giao nhiệm vụ chế tạo loại bom đó.

Chúng tôi không loại trừ việc một số quốc gia phương Tây hỗ trợ việc này, mà theo báo cáo chúng tôi nhận được, họ đang đàm phán với Ukraine để cung cấp các thành phần cho bom bẩn”, Hãng tin Tass dẫn lời ông Vorontsov.

Ngược lại, Mỹ và các đồng minh nghi ngờ Matxcơva có thể dàn dựng một vụ tấn công bằng “bom bẩn” trên lãnh thổ Ukraine rồi sau đó đổ trách nhiệm cho Kiev. Nói về khả năng Nga đang chuẩn bị một cuộc tấn công “bom bẩn”, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Ukraine sẽ là “một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng của Nga”.

Ukraine khẳng định không có kế hoạch phát triển loại bom này và cho biết đã mời Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đến kiểm tra hai địa điểm nói trên.

Theo Ukraine, “bom bẩn” là màn kịch “bẩn” của Nga giữa lúc lực lượng Nga đang bị quân Ukraine phản công quyết liệt và Nga đang bị LHQ chỉ trích vì cuộc chiến tại Ukraine cũng như việc sáp nhập bất hợp pháp bốn vùng của Ukraine.
“Bom bẩn” không gây hủy diệt trên diện rộng giống như vũ khí hạt nhân nhưng làm nhiễm xạ trên các khu vực trải rộng hàng chục, thậm chí hàng trăm kilômet vuông về lâu dài.

Cuộc chiến ác liệt nhất

Quân đội Ukraine cho biết trong 24 giờ qua, phía Nga đã bắn 5 quả rocket, thực hiện 30 cuộc không kích và hơn 100 cuộc tấn công bằng hệ thống rocket phóng loạt trên toàn lãnh thổ Ukraine.

Ở vùng Donetsk thuộc miền đông, lãnh đạo địa phương của chính quyền Kiev nói rằng Matxcơva tiếp tục nhắm vào các thành phố chiến lược như Bakhmut và Avdiivka. Cảnh báo không kích cũng được kích hoạt tại Kiev và một số vùng như Kharkov, Poltava, Dnepropetrovsk và Sumy.

Nhưng tại Kherson, Hãng tin Reuters cho biết không có tiếng pháo nào trên tiền tuyến trong cả ngày 25-10 dù chính quyền thân Nga nói lực lượng của Matxcơva đã chặn bước tiến của Ukraine tại đây.

Các lực lượng Nga tại đây đã bị đẩy lùi trong những tuần qua và có nguy cơ bị mắc kẹt ở bờ tây sông Dnipro. Chính quyền thân Nga vẫn đang kêu gọi người dân chạy sang bờ phía đông.

Tuy nhiên, ông Oleksiy Arestovych, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy lực lượng Nga đang chuẩn bị rời đi.

“Với Kherson, mọi thứ đều rõ ràng. Nga đang bổ sung, củng cố lực lượng của họ ở đó. Điều đó nghĩa là họ không chuẩn bị rút lui. Ngược lại, trận chiến nặng nề nhất sẽ diễn ra ở Kherson”, ông Arestovych nói vào tối 25-10 (giờ địa phương).

Trong số bốn khu vực của Ukraine mà Nga sáp nhập vào tháng 9-2022, Kherson được cho là quan trọng nhất về mặt chiến lược. Nó kiểm soát cả tuyến đường bộ duy nhất đến bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập năm 2014 và cửa sông Dnipro – con sông lớn chia đôi Ukraine.

(Nguồn: Tuoitre)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil