Ai sẽ cán đích trước trong cuộc đua chế tạo thuốc điều trị Covid-19?
Tin thế giới, Tin tức
author26/07/2021 10:54

Các hãng dược phẩm lớn của phương Tây đang gấp rút thử nghiệm thuốc trên người, với kỳ vọng có thể tung ra sản phẩm điều trị Covid-19 vào cuối năm nay.

Cuộc đua chế tạo thuốc điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 đang bắt đầu nóng lên, trong bối cảnh biến chủng Delta bùng phát mạnh ngay tại các khu vực đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao như Mỹ hay EU.

Lúc này, các hãng dược phẩm của Mỹ và Nhật Bản đang dẫn đầu trong cuộc đua điều chế thuốc trị Covid-19, dù rằng thời điểm một loại thuốc được bán ra trên quy mô đại trà vẫn chưa chắc chắn.

Cuộc chạy đua tỷ USD

Shionogi là tập đoàn dược phẩm mới nhất tuyên bố nhảy vào cuộc đua sản xuất thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19.

Hãng dược phẩm của Nhật Bản, đặt trụ sở tại Osaka, chính là nhà sản xuất loại thuốc giảm cholesterol Crestor nổi tiếng.

Shionogi cho biết thuốc do hãng này phát triển là loại viên uống mỗi ngày một lần, giúp thuận tiện cho người điều trị tại nhà. Tuy nhiên, việc điều trị bằng thuốc chỉ áp dụng cho người mắc Covid-19 dạng nhẹ hoặc trung bình.

Quy trình thử nghiệm thuốc, xác định các tác dụng phụ, đã được khởi động trong tháng 7. Tuy nhiên, thời gian thử nghiệm thuốc của Shionogi nhiều khả năng sẽ kéo dài sang năm 2022.

Hãng dược phẩm Nhật Bản tham gia vào cuộc đua điều chế thuốc điều trị Covid-19 tương đối muộn và đang bị các đối thủ phương Tây bỏ lại với thời gian là nhiều tháng.

thuoc dieu tri covid-19 anh 2
Pfizer là một trong các hãng dược phẩm đi đầu nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19. Ảnh: Reuters.

Pfizer, gã khổng lồ dược phẩm của Mỹ phát triển thành công vaccine sử dụng công nghệ mRNA, đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm đầu tiên với thuốc điều trị Covid-19 từ tháng 3.

Thử nghiệm của Pfizer được tiến hành với hai loại thuốc, một loại là viên uống có ký hiệu PF-07321332, một loại thuốc truyền tĩnh mạch ký hiệu PF-07304814. Pfizer tiến hành thử nghiệm trên các bệnh nhân mắc Covid-19 nhập viện ở Mỹ.

Các nghiên cứu ban đầu cho thấy loại thuốc uống hai viên mỗi ngày của Pfizer có nhiều tiềm năng trong điều trị Covid-19, bởi có hoạt tính kháng virus mạnh.

Pfizer cho biết hãng kỳ vọng tung sản phẩm ra thị trường trong năm nay. Lúc này, Pfizer chuẩn bị tiến hành thử nghiệm quy mô lớn trên 2.000 bệnh nhân.

Một hãng dược phẩm Mỹ khác là Merck & Co. đã ký hợp đồng cung cấp thuốc điều trị Covid-19 cho chính phủ Mỹ, trị giá 1,2 tỷ USD, nếu sản phẩm được cấp phép sử dụng.

Loại thuốc mà Merck đang phát triển có tên Molnupiravir. Theo thỏa thuận, Merck sẽ cung cấp 1,7 triệu liệu trình điều trị cho chính phủ Mỹ. Molnupiravir sẽ được dùng trong điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ và vừa.

Merck cho biết các kết quả thử nghiệm lâm sàng sẽ có trong tháng 9 hoặc tháng 10. Sản phẩm của hãng này dự kiến đến tay nhà chức trách quản lý của Mỹ ngay trong năm nay. Merck kỳ vọng có thể sản xuất 10 triệu liệu trình điều trị vào cuối năm 2021.

Thuốc điều trị Covid-19 như thế nào?

Mục tiêu của các loại thuốc điều trị Covid-19 là ngăn chặn virus tự sao chép và nhân bản trong cơ thể con người.

Một số loại thuốc kháng virus được phát triển ức chế virus bằng cách làm tràn ngập bộ gene của virus bằng các đột biến lỗi, khiến bộ gene của virus mất tác dụng. Như thế, virus không thể tiếp tục đột biến và dần giảm số lượng. Đây là phương pháp được sử dụng trên thuốc Molnupiravir của Merck.

Trong khi đó, thuốc của Pfizer và Shionogi ngăn chặn sự phát triển của virus bằng cách ức chế một loại enzyme có tên protease. Đây là loại enzyme thiết yếu mà virus sử dụng để tự sao chép trong tế bào con người.

thuoc dieu tri covid-19 anh 3
Virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Ảnh: AFP.

Ngoài Pfizer và Shionogi, hãng dược phẩm Roche Holding AG của Thụy Sĩ cũng đang phát triển loại thuốc ức chế enzyme protease. Thử nghiệm lâm sàng trên người cho thấy thuốc của Roche giúp làm giảm nồng độ virus ở các bệnh nhân.

Ức chế enzyme protease là phương pháp được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh do nhiễm virus, như HIV/AIDS. Tuy nhiên, rào cản trong điều trị bằng phương pháp này là khả năng chống chịu của virus với thuốc.

“Đối với HIV/AIDS, chúng tôi đã sớm nhận ra rằng nếu không chú tâm tới sức kháng cự của virus, thuốc mà chúng ta phát triển sẽ rất nhanh lỗi thời và bị virus vượt qua”, Daria Hazuda, khoa học gia đứng đầu nhóm nghiên cứu của Merck cho biết.

Isao Teshirogi, giám đốc điều hành của Shionogi, khẳng định kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy virus SARS-CoV-2 sẽ không dễ đột biến để có thể vượt qua tác dụng của thuốc do hãng này phát triển.

Vẫn còn những rào cản

Lúc này, các loại vaccine cho thấy vẫn có hiệu quả trong ngăn chặn các biến chủng mới như Delta. Các nghiên cứu cho thấy vaccine giúp giảm mạnh tỷ lệ người nhiễm virus nhập viện cũng như tử vong.

Tuy nhiên, vaccine không giúp ngăn chặn 100% nguy cơ nhiễm virus.

Các liệu pháp điều trị hiện nay, như kháng thể đơn dòng hoặc sử dụng steroid, nhìn chung chỉ phù hợp để điều trị trong bệnh viện. Các liệu pháp này không trực tiếp nhắm vào virus, mà chủ yếu là để điều trị các triệu chứng của người đã nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, phương pháp điều trị bằng steroid liều cao thực chất là ức chế hệ miễn dịch của cơ thể. Dù nó phát huy hiệu quả giúp giảm các triệu chứng như viêm phổi, steroid có nguy cơ khiến con người lây nhiễm các loại nấm và vi khuẩn khác. Dịch bệnh nấm đen đang hoành hành ở Ấn Độ là một ví dụ.Remdesivir là thuốc kháng virus duy nhất được Mỹ cấp phép sử dụng điều trị Covid-19.

thuoc dieu tri covid-19 anh 4
Remdesivir là thuốc kháng virus duy nhất được Mỹ cấp phép sử dụng điều trị Covid-19. Ảnh: AP.

Lúc này, loại thuốc kháng virus duy nhất đã được cấp phép tại Mỹ trong điều trị Covid-19 là Remdesivir của Gilead Sciences. Tuy nhiên, đây là loại thuốc được truyền qua tĩnh mạch, và chỉ sử dụng cho các bệnh nhân đã nhập viện, trong khi không phát huy hiệu quả với người đang ở giai đoạn nhẹ.

Các công ty dược phẩm lúc này đều hướng tới mục tiêu phát triển loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị tại nhà cho những người mắc Covid-19 nhẹ và vừa, giúp ngăn bệnh diễn biến nặng.

“Dữ liệu đến nay cho thấy chúng ta càng can thiệp muộn, kết quả thu được sẽ càng thấp”, ông Hazuda cho biết.

“Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra loại thuốc uống an toàn, như các loại thuốc cúm Tamiflu (của Roche Holding AG), hay Xofluza (của Shionogi)”, ông Teshirogi nói, cho biết viên uống Covid-19 của Shionogi có khả năng vô hiệu hóa virus 5 ngày sau khi bệnh nhân uống thuốc.

Nhưng vẫn còn rất nhiều rào cản trước mặt các hãng dược phẩm, nhất là trên phương diện khoa học.

Phát triển thuốc kháng virus phức tạp hơn nhiều so với chế tạo vaccine, bởi mục tiêu lúc này là tiêu diệt virus đã xâm nhập vào tế bào con người và đang nhân bản mà không làm hại các tế bào khỏe mạnh.

Thử nghiệm của Pfizer cho thấy thuốc của hãng này hiệu quả trong tiêu diệt virus SARS-CoV-2, nhưng nồng độ không đủ mạnh để đối phó với virus trong cơ thể người. Nếu tăng nồng độ dược liệu, có nguy cơ gây hại cho cơ thể người.

Trong khi đó, thuốc của Merck cho thấy nó không phát huy hiệu quả với các bệnh nhân đã trở nặng đến mức phải nhập viện hay ngăn ngừa nguy cơ tử vong. Hãng này đã dừng nghiên cứu liệu trình Molnupiravir cho người bị bệnh nặng.

Nhìn chung, tỷ lệ thất bại trong thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc điều trị bệnh do virus là khá cao. Bất cứ tác dụng phụ nào, dù rất nhẹ như buồn nôn, cũng có thể khiến thuốc điều trị Covid-19 không được cấp phép sử dụng tại nhà.

(Nguồn: Zing)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil