Bộ Công an đề xuất cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam
Người Việt 5 châu
author15/03/2023 15:35

Bộ Công an đề xuất cấp số định danh và giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.


Bộ Tư pháp mới đây công bố tài liệu họp thẩm định luật Căn cước công dân (CCCD) sửa đổi. Luật này do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ 1.7.2024.

Trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất một nội dung mới so với quy định hiện hành tại luật CCCD năm 2014, đó là về giấy chứng nhận căn cước.

Ai sẽ được cấp giấy chứng nhận căn cước?
Bộ Công an cho biết, luật Quốc tịch Việt Nam không có khái niệm về “người chưa xác định được quốc tịch”. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay ở nước ta có 31.117 người gốc Việt Nam không xác định được quốc tịch.

Trong số này, 775 trường hợp là con lai giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài chưa xác định được quốc tịch, tập trung tại Gia Lai, Bạc Liêu, Vĩnh Long…; 10.650 trường hợp người không xác định được quốc tịch, chưa được đăng ký cư trú tập trung tại TP.HCM, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai…

Ngoài ra, còn có 16.161 trường hợp không có giấy tờ tùy thân tập trung tại TP.HCM Minh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương…

Vì vậy, Bộ Công an đề xuất bổ sung một điều trong dự thảo luật CCCD sửa đổi về quản lý người gốc Việt Nam.

Theo đó, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch gồm: người từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống; hoặc con ruột, cháu ruột của những người này.

Người gốc Việt Nam được cấp số định danh dành cho người gốc Việt Nam và giấy chứng nhận căn cước. Đây sẽ là giấy tờ tùy thân của người gốc Việt Nam, có giá trị chứng minh thông tin về căn cước của người đó để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu người gốc Việt Nam xuất trình giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra; được sử dụng số định danh của người gốc Việt Nam trên giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra thông tin của người đó trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Nhà nước bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật.

Cần thiết và không trái với luật khác
Bộ Công an cho hay, đề xuất nêu trên nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến yếu tố lịch sử, chiến tranh. Theo đó, cần có chính sách, quy định pháp luật để quản lý, giải quyết bất cập trong công tác quản lý dân cư; nhất là quy định về quản lý trường hợp người gốc Việt Nam không quốc tịch nhưng đang sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam.

Việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam sẽ bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước công dân trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số.

Người gốc Việt Nam khi được cấp giấy chứng nhân căn cước có thể sử dụng giấy này để tham gia các giao dịch dân sự, nhất là các giao dịch thiết yếu phục vụ cuộc sống.

Thông qua đó, Nhà nước cũng quản lý được toàn bộ dân cư sinh sống tại địa phương; tạo thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Theo Bộ Công an, nếu không quy định như đề xuất thì không có điều kiện để quản lý được toàn bộ dân cư sinh sống ở Việt Nam; gây khó khăn cho công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội.

Trường hợp người gốc Việt Nam không được thu thập thông tin, dữ liệu và quản lý mà vi phạm pháp luật, cơ quan nhà nước sẽ không có thông tin để tra cứu, xác minh, nhất là thông tin sinh trắc học về vân tay, ảnh chân dung, gây khó khăn cho việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Vì vậy, đề xuất như đã nêu là phù hợp và cần thiết, không trái với quy định của luật Quốc tịch và luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

(Nguồn: Thanhnien)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil