Cách tính ‘mức sống tối thiểu’ gây tranh cãi
Tin tức, Tin Việt Nam
author31/03/2022 10:45

Để đưa 0,7 lạng thịt bò vào rổ hàng hóa làm cơ sở tính lương tối thiểu, công đoàn mất nhiều năm đấu tranh với đại diện doanh nghiệp, chứng minh đó không phải hàng xa xỉ.

Mức sống tối thiểu là cơ sở quan trọng để xây dựng lương tối thiểu, cũng là yếu tố gây tranh cãi nhiều nhất mỗi kỳ điều chỉnh lương. Các năm qua, theo tính toán của Tổ kỹ thuật thuộc Hội đồng tiền lương quốc gia, mức sống tối thiểu một tháng của người lao động gồm các chi phí dành cho lương thực, thực phẩm (rổ hàng hóa gồm 53 món hàng); nhóm phi lương thực, thực phẩm (áo quần, đi lại, giải trí…); nuôi một con nhỏ; nhà ở và chỉ số giá tiêu dùng CPI. Trong đó cơ cấu phần trăm (%) giữa nhóm lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm là 48-52. Chi phí nuôi con nhỏ bằng 70% của người lớn.

Mức lương tối thiểu vùng 10 năm qua. Đồ hoạ: Khánh Hoàng

Tại kỳ họp hồi tháng 7/2019 của Hội đồng tiền lương quốc gia, mức sống tối thiểu được Tổ kỹ thuật tính cho một người trưởng thành ở vùng I (Hà Nội, TP HCM…) là 4,428 triệu đồng. Trong đó, tiền ăn được tính dựa vào rổ hàng hóa là 1,198 triệu đồng, chi phí phi lương thực, thực phẩm 1,298 triệu đồng, người phụ thuộc 1,648 triệu đồng và nhà ở là hơn 400.000 đồng. Tương ứng, mức sống thấp nhất của gia đình 4 người (hai người đi làm nuôi hai con nhỏ) là 8,856 triệu đồng. Cũng tại kỳ họp này, lương tối thiểu năm 2020 được xác lập mức 4,42 triệu đồng (cao hơn 240.000 đồng so với năm 2019), giữ nguyên cho đến nay.

Hơn hai năm qua dịch lan rộng, người lao động phát sinh nhiều khoản chi cho y tế, giá cả tăng cao kéo dài khoảng cách giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu hơn 10% (năm 2021), theo tính toán của Viện Công nhân và Công đoàn. Do đó, tại phiên họp về lương tối thiểu vùng chiều 28/3, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị cần điều chỉnh lương từ ngày 1/7, song chưa công bố mức tăng cụ thể.

TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia, nói cần xem lại cách tính mức sống tối thiểu để có điều chỉnh phù hợp. Bởi theo quy luật, khi xã hội phát triển, đời sống con người được nâng cao thì chi phí dành cho nhóm phi lương thực, thực phẩm sẽ tăng lên, tỷ lệ phần trăm thu nhập dành cho ăn uống giảm xuống. Đặc biệt, hai năm qua, dịch lan rộng, công nhân tốn rất nhiều tiền cho y tế, chăm sóc sức khỏe. Do đó, nếu giữ cơ cấu 48-52 không còn phù hợp.

Nữ công nhân Phùng Thị Tình thuê trọ ở quận Bình Tân là mẹ đơn thân, thường xuyên tăng ca để có đủ chi phí. Ảnh: An Phương

Không chỉ năm nay Tổng liên đoàn lao động Việt Nam bày tỏ sự không hài lòng với tỷ lệ này mà nhiều năm qua đã kiến nghị thay đổi. Đơn cử, năm 2018, Tổng liên đoàn lao động đã đề xuất cơ cấu giữa hai nhóm này là 45-55. Tuy nhiên, đề xuất này không được thông qua, kéo theo mức sống tối thiểu do Hội đồng tiền lương công bố thấp hơn mức công đoàn đề nghị 300.000 đồng.

Ngoài ra, phía công đoàn cho rằng nhiều mặt hàng trong rổ hàng hóa gây thiệt thòi cho người lao động. Ví dụ ở nhóm thực phẩm chứa đạm, để mỗi tháng công nhân được ăn 0,7 lạng thịt bò tương ứng số tiền 14.300 đồng, công đoàn phải đấu tranh nhiều năm để các bên chấp nhận đó không phải là hàng xa xỉ. Rổ hàng hóa được tính dựa trên lượng Kcal nạp vào mỗi ngày, vì vậy bên muốn kéo giảm chi phí sẽ tìm loại hàng rẻ nhất miễn đảm bảo năng lượng tương ứng. Ví dụ gạo luôn được đưa lên mức tối đa nhưng cá, thịt lại cực thấp.
“Nếu không thay đổi, rổ hàng hóa chỉ đủ để công nhân tồn tại chứ không phải để sống và làm việc”, ông Tiến nói.

Trong khi đó, từ góc nhìn doanh nghiệp, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), cho rằng phương pháp tính mức sống tối thiểu được tham vấn nhiều phía. Việc lựa chọn những mặt hàng trong rổ hàng hóa dựa theo khuyến nghị của chuyên gia dinh dưỡng. Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng liên đoàn đều cử thành viên tham gia vào Tổ kỹ thuật.

Công nhân Công ty gỗ Lâm Việt (Bình Dương) trong giờ sản xuất. Ảnh: Đình Trọng

Với tư cách là thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia, bà Xuân cho rằng phương pháp tính mức sống tối thiểu có cơ sở khoa học, nhưng có sát thực tế hay không còn “tùy thuộc vào thông số đưa vào”. Đơn cử chỉ số CPI, tăng trưởng GDP trong các đợt xét tăng lương trước đây thường được dự kiến cao hơn thực tế nên có lợi cho cách tính mức sống tối thiểu.

Cụ thể, năm 2013 khi họp xét tăng lương tối thiểu cho năm 2014, hội đồng dự kiến CPI tăng 7% nhưng thực tế chỉ 4%; tương tự giai đoạn 2015-2020 dự kiến CPI năm tăng cao nhất là 5%, thấp nhất 4%, song thực tế năm cao nhất 4,74%, thấp nhất là 0,63%.

“Mọi con số chỉ mang tính dự báo nên phải chấp nhận sai lệch trong giới hạn cho phép để người lao động sống được và phù hợp khả năng chi trả của doanh nghiệp”, bà Xuân nói.

Ông Tống Văn Lai, Phó cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), nói rằng trong các cuộc họp bên nào cũng đưa ra lý lẽ để giành phần lợi cho mình. Yếu tố gây tranh cãi nhiều nhất là làm rõ “mức sống tối thiểu”. Các bên đều đồng thuận với phương pháp tính, nhưng không thống nhất được thông số đưa vào và tranh luận gay gắt về rổ hàng hóa.

PGS.TS Vũ Quang Thọ, nguyên viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, nhiều năm là thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia, cho rằng mức sống tối thiểu đã được luật hóa từ Bộ luật lao động (năm 2012). Do đó, rất cần một cơ quan độc lập, trực thuộc Chính phủ, chịu trách nhiệm tính toán, công bố mức sống tối thiểu hàng năm. Điều này hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách tiền lương.

“Nếu tiếp tục để Tổ kỹ thuật thực hiện sẽ còn tranh cãi”, ông Thọ nói.

Để có cơ sở cho việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng vào năm 2023, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ dành một tháng, bắt đầu từ 1/4/2022, để khảo sát về lao động, tiền lương và mức sống, chi tiêu của người lao động tại 18 tỉnh thành như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh…

(Nguồn: Vnexpress)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil