Chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ giải pháp đưa cọc bê tông lên
Tin Việt Nam
author06/01/2023 09:19

Chuyên gia Nhật đề xuất buộc dây cáp vào 3 đầu cọc bê tông cạnh các mối nối thành một trục, cùng trụ thép dựng thẳng bên cạnh tạo lực kéo thẳng bằng kích thuỷ lực.

Sáng 6/1, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết hôm qua, đoàn chuyên gia Nhật Bản có mặt hiện trường nơi bé Hạo Nam bị rơi xuống cọc bê tông. Sau khi khảo sát, họ đưa ra phương án, kỹ thuật cứu hộ khả thi, song thiết bị chưa đầy đủ nên chưa thể thực hiện.

Cụ thể, các chuyên gia Nhật đề xuất dùng ống thép đường kính lớn hơn cọc bê tông đưa xuống độ sâu 24 m, tiếp tục lấy hết đất bên trong ra. Sau đó, cứu hộ sẽ đưa dây cáp xuống buộc vào ba đầu cọc cạnh các mối nối (24 m, 12 m và đầu cọc gần mặt đất nhất) kết nối thành một trục cùng với trụ thép dựng thẳng bên cạnh tạo thành lực kéo thẳng bằng kích thuỷ lực.

Hiện trường tai nạn. Ảnh: Hoàng Nam
Hiện trường tai nạn. Ảnh: Hoàng Nam

“Hiện trường thực tế tại chỗ rất quan trọng, cần phải có đủ thiết bị, lực lượng ứng cứu mới có thể chọn phương án đạt kết quả và an toàn nhất”, ông Bửu cho biết sáng nay, mặt bằng đã chuẩn bị hoàn tất chỉ chờ chốt phương án sẽ tiến hành ngay.

Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp đã tính đến phương án cuối cùng là mở rộng miệng hố hàng chục mét để nhổ cọc lên, việc này có thể sẽ phải lấp dòng kênh bên cạnh. Nguyên nhân do cọc bêtông này cắm cách kênh chừng 5 m, muốn khoét sâu xuống phải có mặt bằng rất lớn ước tính khoảng 60 m.

“Dù có khó khăn, tốn kém cỡ nào chúng tôi cũng sẽ làm tới cùng chứ không phải khó khăn rồi bỏ cuộc”, ông Bửu nói và cho biết những ngày qua có rất nhiều ý kiến, giải pháp từ chuyên gia cứu hộ trong, ngoài nước đóng góp cho tỉnh với tinh thần thiện nguyện.

Tối 4/1, tỉnh Đồng Tháp thông tin em Thái Lý Hạo Nam – nạn nhân mắc kẹt trong cọc bêtông đã tử vong sau khi liên ngành pháp y, y tế và chính quyền địa phương hội chẩn dựa trên kết quả điều tra, thu thập. Trưa 31/12/2022, Nam cùng bạn vào dự án cầu nhặt sắt vụn, bị tai nạn, kẹt sâu trong lòng đất từ đó đến nay.

Cảnh sát cứu hộ, cứu nạn tỉnh Đồng Tháp phối hợp Quân khu 9 và nhiều lực lượng đã điều các thiết bị chuyên dụng đến đào bới, tìm kiếm nạn nhân. Do trụ bê tông cắm sâu, tiết diện nhỏ, nhân viên cứu hộ không thể chui lọt. Chính quyền tỉnh nhìn nhận, việc thiếu kinh nghiệm, hạn chế máy móc, nhân lực khiến công tác cứu hộ nạn nhân gặp khó khăn, kéo dài.

Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất bê tông nói việc nhổ trụ bêtông lên khó gấp nhiều lần so với khi đóng. Ví dụ khi đưa xuống, nhà thầu chỉ cần lực 50 tấn, nhưng nhổ lên cần lực gấp 4-5 lần. Hiện, trong nước và thế giới chưa có đơn vị nào chế tạo thiết bị chuyên dụng rút cọc bê tông do trụ đã đóng ít phải kéo lên.

(Nguồn: Vnexpress)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil