Hai kịch bản để ông Trump cản đường đối thủ Biden
Tin nổi bật, Tin thế giới
author05/11/2020 03:07

TDM – Người ủng hộ ông Biden đang lạc quan về chiến thắng cho cựu phó tổng thống, nhưng điều này có thể bị cản trở bởi cuộc chiến pháp lý mà chiến dịch của ông Trump đã tiến hành.


Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đã giành thắng lợi quan trọng ở hai bang Michigan và Wisconsin hôm 4/11, tiến gần thêm một bước đến Nhà Trắng. Đến hiện tại, con đường tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump đang bị thu hẹp.

Cuộc bầu cử Mỹ giờ đây sẽ được định đoạt bằng kết quả ở các bang chiến trường còn lại, bao gồm Nevada – nơi nắm giữ 6 phiếu đại cử tri vừa đủ để mang lại chiến thắng cuối cùng cho ông Biden.

Dù vậy, cựu phó tổng thống cũng phải chuẩn bị cho cuộc chiến pháp lý mà phía ông Trump đã bày ra.

Nevada có thể là bang quyết định
Với chỉ 6 đại cử tri, bang sa mạc miền Tây hầu như chưa bao giờ là một bang quan trọng trong các mùa bầu cử ở Mỹ, dù đây có thể là bang dao động.

Song tình hình đã thay đổi hoàn toàn vào năm nay.

Lá phiếu của cử tri Nevada có thể là đòn quyết định bầu cử Mỹ 2020. Ảnh: AFP.


Với 26 phiếu đại cử tri giành được từ 2 bang Wisconsin và Michigan trong ngày 4/11, ông Biden hiện nắm giữ 264 phiếu đại cử tri, vì ứng viên chỉ cần tối thiểu 270 phiếu để đắc cử. Cửa vào Nhà Trắng giờ đây chỉ cách ông Biden 6 lá phiếu, đúng bằng số đại cử tri của Nevada.

Nếu ông Biden giành chiến thắng ở Nevada, con đường để ông Trump tiếp tục ở lại Nhà Trắng gần như kết thúc.

Hiện tại, thế trận tại Nevada có xu hướng “ngả xanh”, dù vẫn rất sít sao. Với 86% số phiếu đã được kiểm trên toàn bang, ông Biden đang tạm dẫn trước ông Trump với tỷ lệ phiếu bầu tương ứng là 49,3% và 48,7%.

Tâm điểm chú ý đang dồn vào hạt Clark, nơi có thành phố Las Vegas, vốn chiếm hơn 70% lượng phiếu bầu tại Nevada, theo nhà phân tích John Kings của CNN. Hạt này đã kiểm được 84% số phiếu và dự kiến kết quả cuối cùng sẽ có vào sáng 5/11 (giờ địa phương).

Trong 10 cuộc bầu cử gần nhất, số lần chiến thắng của ứng viên hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Nevada là 5 – 5. Dù vậy, cử tri Nevada đã liên tục lựa chọn ứng viên đảng Dân chủ kể từ năm 2008.

Nếu ông Biden không thắng ở Nevada?
Nếu Nevada không về tay ông Biden, cuộc đua sẽ càng trở nên kịch tính hơn ở các bang chiến trường còn lại, bao gồm Georgia, North Carolina và Pennsylvania.

Diễn biến tại Pennsylvania, nơi mà cả hai ứng viên đã dồn tâm sức để vận động trong mùa bầu cử này, đang rất sít sao. Với 84% số phiếu đã được kiểm, ông Trump đang tạm dẫn trước với tỷ lệ 51,9%, trong khi ông Biden nhận được 46,8%, theo Edison Research.


Ông Biden trong cuộc gặp cử tri tại Philadelphia, Pennsylvania, hôm 3/11. Đây là bang ông dành nhiều thời gian vận động hơn cả so với các bang khác. Ảnh: AFP.

Pennsylvania, với 20 đại cử tri, là một trong các bang “bức tường xanh” ở phía bắc. Đây là thành trì lâu đời của đảng Dân chủ nhưng đã rơi vào tay ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016, cùng với Michigan và Wisconsin.

Một quan chức cấp cao bang Pennsylvania, Kathy Boockvar, hôm 4/11 nói cần thêm “vài ngày trước khi đa số phiếu được kiểm xong”. Do số phiếu chưa được kiểm chủ yếu là phiếu gửi qua đường bưu điện, cơ hội lật ngược tình thế cho ông Biden vẫn còn.

Các khảo sát trước đó chỉ ra rằng đa số những người bỏ phiếu qua đường bưu điện ủng hộ ông Biden.

Tại Georgia và North Carolina, hai ứng viên vẫn bám đuổi sát nút và ông Trump cũng tạm dẫn trước với cách biệt không quá lớn (lần lượt là 1 và 1,4 điểm phần trăm, với 95% số phiếu đã được kiểm ở cả hai bang).

Với 214 phiếu đại cử tri đã có được, ông Trump sẽ cần ít nhất 56 phiếu nữa để giành chiến thắng cuối cùng. Điều này đồng nghĩa với việc ông sẽ cần phải thắng ở cả 4 bang Nevada, Pennsylvania, Georgia (16 phiếu) và North Carolina (15 phiếu), con đường vất vả hơn rất nhiều so với đối thủ.

Song ông Trump dường như đã tìm cách khác để có thể chiến thắng: kiện ra tòa.

Cuộc chiến pháp lý
Ban vận động tranh cử của ông Trump đã đệ nhiều đơn kiện lên tòa án, mở đường cho việc phản đối kết quả tại các bang chiến trường có thể quyết định kết cục cuộc đua Nhà Trắng.

Phía ông Trump hôm 4/11 tìm cách can thiệp vào Pennsylvania với lá đơn gửi Tòa án Tối cao Mỹ, yêu cầu phân xử việc các lá phiếu nhận được vào giai đoạn ba ngày sau ngày bầu cử có được coi là hợp lệ hay không, Reuters cho hay.


Ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 4/11. Ảnh: AFP.


Phía ông Trump cũng thông báo sẽ yêu cầu kiểm phiếu lại ở Wisconsin, đồng thời đã đệ đơn kiện ở Michigan và Pennsylvania nhằm dừng việc kiểm phiếu tại hai bang này, với lý do không được tiếp cận và giám sát một cách công bằng.

Luật Wisconsin cho phép một ứng viên đề nghị kiểm phiếu lại nếu cách biệt phiếu phổ thông nhỏ hơn 1%. Theo hãng nghiên cứu Edison Research, ông Biden hiện dẫn trước ông Trump tại bang bang này với cách biệt hơn 20.000 phiếu, tức 0,6%.

Trong khi đó, ông Biden được cho là giành chiến thắng ở Michigan với cách biệt 67.000 phiếu, tương đương 1,2%.

Việc kiểm phiếu năm nay tại một số bang diễn ra chậm hơn mọi năm vì lượng phiếu bầu vắng mặt và phiếu bầu được gửi qua đường bưu điện rất lớn.

Tại nhiều bang, việc kiểm đếm các lá phiếu trong nhóm này chỉ được thực hiện kể từ ngày bầu cử (3/11). Phiếu gửi đi mà có dấu bưu điện là ngày bầu cử vẫn được tính.

Chính điều này khiến phe ông Trump cho rằng việc gian lận phiếu bầu có thể xảy ra. Tuy nhiên, nhiều cử tri lựa chọn cách bỏ phiếu này vì lo ngại về dịch bệnh tại Mỹ – yếu tố làm thay đổi cục diện mùa bầu cử năm nay.

Việc đệ đơn kiện của phe ông Trump gợi nhớ đến cuộc bầu cử năm 2000.

Năm đó, tình thế bám đuổi sát nút giữa ông George W. Bush và ông Al Gore dẫn đến việc tái kiểm phiếu ở bang Florida. Chiến thắng cuối cùng cho ông Bush, với cách biệt chỉ 537 phiếu phổ thông ở Florida, được định đoạt bằng một phán quyết gây tranh cãi của Tòa án Tối cao Mỹ.

Không chỉ người Mỹ mà các nhà quan sát quốc tế cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ “khủng hoảng hiến pháp” hậu bầu cử Mỹ năm nay.

“Đây là một tình huống rất căng thẳng, và có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng hiến pháp ở Mỹ như các chuyên gia dự báo. Đó là điều khiến chúng tôi phải lo lắng rất nhiều”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer nói trên kênh truyền hình ZDF của Đức hôm 4/11.

(Nguồn: Zing)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil