Hãng dược phẩm AstraZeneca hướng tới sản xuất thuốc dựa trên công nghệ RNA tự nhân bản
KINH TẾ, Kinh tế thế giới, Tin thế giới,
author23/09/2021 14:37

Ngày 23/9, hãng dược phẩm AstraZeneca Plc (Anh) đã ký thỏa thuận với công ty khởi nghiệp VaxEquity đứng đằng sau chương trình thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 của Đại học Hoàng gia London, để phát triển và bán các loại thuốc được sản xuất dựa trên công nghệ RNA tự nhân bản (saRNA) trong điều trị nhiều loại bệnh khác nhau.

Trụ sở hãng dược AstraZeneca tại Macclesfield, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thỏa thuận, công ty VaxEquity do nhà vaccine học Robin Shattock thuộc Đại học Hoàng gia London sáng lập, có thể nhận tới 195 triệu USD nếu đáp ứng được những tiêu chuẩn phát triển quan trọng. Ngoài ra, công ty này có thể nhận được tiền bản quyền đối với những loại thuốc được cấp phép sử dụng và được đầu tư thông qua bán cổ phiếu cho hãng AstraZeneca và nhà đầu tư Morningside Ventures.

Người phụ trách mảng nghiên cứu của AstraZeneca, Mene Pangalos cho biết sự hợp tác này với VaxEquity tạo thêm một nền tảng đầy hứa hẹn mới cho hoạt động sản xuất thuốc của hãng.

Hãng dược phẩm AstraZeneca đã sản xuất vaccine ngừa COVID-19 theo cơ chế véctơ và chú trọng vào tiềm năng mà công nghệ saRNA mang lại trong các chương trình chữa bệnh mới, ngoài bệnh COVID-19.

Vaccine dựa trên công nghệ saRNA hoạt động tương tự như vaccine sử dụng công nghệ RNA thông tin (mRNA) do hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech và Moderna sản xuất. Tuy nhiên, vaccine được bào chế dựa trên saRNA không thể giải mã chỉ dẫn của tế bào chủ để tạo ra protein của virus SARS-CoV-2, song có thể tạo ra nhiều phiên bản của RNA chứa những chỉ dẫn này. Điều này đồng nghĩa là vaccine dựa trên công nghệ saRNA cần ít liều hơn và có giá thành rẻ hơn.

Theo thỏa thuận, hãng AstraZeneca có quyền lựa chọn hợp tác với VacEquity để sản xuất 26 loại thuốc điều trị cho các bệnh khác ngoài COVID-19 như ung thư và các bệnh về gene hiếm gặp.

Trong khi đó, các hãng của Mỹ là Gritstone và Arcturus cũng đang phát triển vaccine ngừa COVID-19 dựa trên công nghệ saRNA tiên tiến nhất hiện nay.

(Nguồn: Baotintuc/TTXVN)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil