Hồng tỷ Nam Kinh là cái tên đang gây náo động dư luận Trung Quốc với vụ lừa tình 1.691 đàn ông, người này là ai, nhờ đâu mà có thể tác quái đến vậy?
Cái tên Hồng tỷ Nam Kinh gắn liền với vụ giả gái lừa tình 1.691 đàn ông và đang là từ khóa cực "hot" trên mạng xã hội. Trung Quốc gần đây có rất nhiều vụ lừa đảo tình – tiền gây xôn xao dư luận nhưng ít vụ việc nào khiến công chúng sững sờ như trường hợp “Hồng tỷ Nam Kinh”, không chỉ do số nạn nhân khổng lồ còn vì "mỹ nhân" khiến hàng nghìn chàng trai bị dắt mũi lại cũng là đàn ông.
Sáng 8/7, truyền thông Trung Quốc đưa tin về một người đàn ông 38 tuổi ở Nam Kinh đội tóc giả, xây dựng hình tượng nữ, tự xưng là "Hồng tỷ" để trò chuyện thân mật với hàng nghìn nam thanh niên. Sau khi dụ dỗ họ đến căn hộ riêng, hắn lén quay clip và đăng lên nền tảng thu phí để kiếm tiền. Cảnh sát đã bắt kẻ lừa đảo này và đang điều tra mở rộng.
Những video bị phát tán dài từ vài phút đến hơn 10 phút quay rõ mặt các nạn nhân và hành vi quan hệ của họ với "Hồng tỷ".
Kẻ giả gái lừa tình hàng nghìn đàn ông.
Theo cảnh sát địa phương, Hồng Tỷ tên thật là Jiao, người tỉnh khác đến Nam Kinh sinh sống và làm việc. Hắn từng có gia đình nhưng vợ đã mất, con cái đang ở nước ngoài. Để lừa đảo, tên này xây dựng tài khoản mạng xã hội, sử dụng bức ảnh được chỉnh sửa kỹ lưỡng để gây ấn tượng với người khác. Ở phần tiểu sử, Hồng Tỷ chú thích mình là phụ nữ ly hôn, muốn tìm kiếm bạn đời mới.
Hằng ngày, đúng 5h, Hồng tỷ thức dậy, dành 2 tiếng trang điểm, đội tóc giả, phủ ba lớp phấn, độn ngực, mặc váy rồi quay video nấu ăn, gấp quần áo, trồng hoa trên ban công, sử dụng hiệu ứng để hình ảnh đẹp hơn. Những clip ngắn thể hiện hình ảnh “người phụ nữ đảm đang” nhanh chóng thu hút nam giới độc thân theo dõi, nhiều người làm quen và bản thân Jiao cũng chủ động bắt quen với họ.
Sau khi làm quen, Hồng tỷ chủ động tán tỉnh các chàng trai rồi hẹn gặp và đề nghị mang quà theo. Suốt ba năm, Jiao lập lịch tiếp khách chi tiết, mỗi người được sắp giờ riêng để tránh chạm mặt. Một số người khi biết hóa ra Hồng tỷ là đàn ông vẫn muốn tiếp tục mối quan hệ tình cảm, thậm chí giới thiệu thêm bạn, một số người bỏ đi.
Khi vụ việc trở nên ầm ĩ, nhiều nạn nhân cố tìm cách để giấu danh tính, xóa tài khoản hay phủ nhận, thế nhưng một nam TikToker lại chủ động tuyên bố mình là “một trong những người liên quan đến vụ Hồng tỷ Nam Kinh”. Trên Weibo, anh ta đặt tiêu đề cho buổi livestream là “Người tham gia vụ việc Hồng tỷ Nam Kinh", dùng sự xấu hổ của bản thân để đổi lấy số lượt xem khổng lồ.
Sáng 5/7, cảnh sát Giang Ninh kiểm tra căn hộ, tịch thu các tang vật gồm tóc giả, silicon độn ngực, sáu điện thoại và cuốn sổ tay ghi tên 1.691 nạn nhân.
Hiện cảnh sát vẫn tiếp tục điều tra, giám định y tế. Từ 6 chiếc điện thoại bị thu giữ, họ phân tích dữ liệu để xác định số lượng nạn nhân chính xác và truy xuất lịch sử liên lạc.
Thành phố Nam Kinh lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh từ người dân liên quan đến vụ việc. Cơ quan điều tra dự kiến công bố kết luận chính thức vào cuối tháng 8.
Tuy nhiên, câu hỏi được dư luận đặt ra là một người đàn ông 38 tuổi, vóc dáng to lớn, bàn tay thô ráp, làn da nhăn nheo, yết hầu lộ rõ - tại sao lại có thể khiến hàng nghìn người đàn ông tin rằng mình là phụ nữ?
Sohu bình luận, thực tế, không ít người từng nghi ngờ khi gặp mặt. Nhưng vì “đã mất công tới nơi”, vì tò mò, vì ngại từ chối hoặc đơn giản là vì bị “Hồng tỷ” giận dỗi đòi đuổi về, nhiều người đành ở lại, nghĩ rằng chỉ cần trò chuyện thì chẳng hại gì.
Một số ít dù đã nhận ra sự thật khi gặp "Hồng tỷ" nhưng vẫn chấp nhận “đi đến cùng”, bị cuốn theo dục vọng mà bỏ qua ranh giới đạo đức.
Truyền thông Trung Quốc nhận định: đây là chiếc bẫy được giăng ra từ cả hai phía.
Ông Jiao, vì cô đơn đã "giăng lưới" để có người trò chuyện. Còn những người đàn ông kia, vì tò mò, vì ham muốn, họ vô tình tự nguyện rơi vào lưới tình của Jiao.
Một bên là sự trống rỗng trong tâm hồn, một bên là thiếu kiểm soát bản thân - cả hai tạo nên một bi kịch xã hội kỳ quặc nhưng không hiếm trong thời đại số.
Vụ việc cũng đặt ra hồi chuông cảnh báo về sự lệch chuẩn tâm lý của người trung niên sống cô lập, về sự nhẹ dạ và mù quáng của giới trẻ trong không gian ảo, và về ranh giới mong manh giữa thật và giả - thứ ngày càng bị xóa nhòa bởi công nghệ, filter và lòng tin đặt sai chỗ.
(Nguồn: VTCnews/Laodong)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này