Theo báo cáo công bố ngày 22/11 của Cơ quan Thống kê Đức, trong quý 3/2024 kinh tế nước này đã tăng trưởng 0,1%, giảm so với mức ước tính sơ bộ 0,2% trước đó.
Theo báo cáo công bố ngày 22/11 của Cơ quan Thống kê Đức, trong quý 3/2024 kinh tế nước này đã tăng trưởng 0,1%, giảm so với mức ước tính sơ bộ 0,2% trước đó.
Đây là tin xấu đối với Đức, vốn được dự báo là quốc gia có tốc độ tăng trưởng thấp nhất Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Nhà kinh tế Claus Vistesen tại công ty tư vấn Pantheon Macroeconomics cho rằng kinh tế Đức tăng trưởng rất yếu trong quý 3/2024.
Quốc gia này đã tụt lại phía sau mức tăng trưởng trung bình của Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2021 và dự báo sẽ thu hẹp năm thứ hai liên tiếp trong năm 2024.Theo nhà phân tích Jens-Oliver Niklasch của ngân hàng LBBW, dữ liệu tăng trưởng quý 3 một lần nữa nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng hiện tại ở Đức. Số liệu tăng trưởng đã chỉ rõ mức độ Đức đang tụt lại phía sau so với các nền kinh tế lớn khác.
Chuyên gia Carsten Brzeski thuộc tập đoàn tài chính ING nhận định mặc dù kinh tế Đức đã tránh được một cuộc suy thoái trong mùa Hè, nhưng một cuộc suy thoái trong mùa Đông đang đến gần. Trong quý 3/2024, tiêu dùng hộ gia đình đã tăng 0,3% so với quý trước và chi tiêu của chính phủ tăng 0,4%.
Ông Brzeski cho rằng trong những tháng tới, triển vọng tăng trưởng của kinh tế Đức sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng của chính phủ mới trong việc củng cố nền kinh tế trước khả năng xảy ra cuộc chiến thương mại và các chính sách công nghiệp mạnh mẽ hơn của Mỹ.
Kinh tế Đức đã chịu ảnh hưởng nặng nề dochi phí thực phẩm và năng lượng tăng vọt sau khi bùng nổ xung đột Nga-Ukraine vào năm 2022, cùng với những vấn đề trong chuỗi cung ứng hậu đại dịch.
Đức là nền kinh tế lớn duy nhất rơi vào suy thoái trong năm 2023. Chính phủ nước này đã dự báo nền kinh tế sẽ tiếp tục suy giảm nhẹ trong năm 2024, trước khi phục hồi vào năm 2025.
Các thách thức cấu trúc kéo dài đã làm sâu sắc thêm những khó khăn của Đức, trong đó phải kể đến thủ tục hành chính phức tạp, thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng, lực lượng lao động già hóa và quá trình chuyển đổi năng lượng tốn kém.
Sự bất ổn chính trị trong và ngoài nước đang gia tăng thêm những thách thức. Đức đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào tháng Hai, sớm hơn bảy tháng so với kế hoạch ban đầu, sau khi liên minh ba đảng của Thủ tướng Olaf Scholz sụp đổ vào đầu tháng này.
Trong khi đó, chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp Đức, khi Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với các sản phẩm Đức.
Tuần trước, ông Joachim Nagel, người đứng đầu Ngân hàng trung ương Đức, cảnh báo nếu ông Trump thực thi cam kết áp thuế đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu, điều này có thể làm sản lượng kinh tế của Đức giảm 1%.
Phát biểu ngày 22/11 tại một hội nghị ở thủ đô Berlin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi cải cách quy định "phanh nợ" để có thêm nguồn quỹ đầu tư cho cơ sở hạ tầng và trả các khoản nợ cần thiết.
Ông cho biết mức nợ công của Đức đang giảm xuống quanh mức 60% GDP, trong khi các nước nhóm G7 khác như Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Italy và Anh đều có mức nợ công cao hơn nhiều. Do đó, nước Đức cần một cuộc cải cách vừa phải về quy định "phanh nợ" để có thêm tiền cho các khoản đầu tư cần thiết.
Theo: Vietnam+
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này