Mỹ, EU tính trừng phạt những người dính líu đảo chính ở Myanmar
Tin thế giới
author23/02/2021 09:54

TDM – Liên minh châu Âu (EU) xác nhận đang xem xét các biện pháp trừng phạt nhắm vào các công ty dính líu quân đội Myanmar. Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ tiếp tục trừng phạt những ai liên quan đảo chính để “hỗ trợ người Myanmar”.

Các nhà sư Myanmar xuống đường tuần hành ngày 22-2 tại Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar – Ảnh: REUTERS



“Chúng ta không nên bàng quan đứng nhìn”, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas phát biểu trong cuộc họp với những người đồng cấp EU tại Brussels (Bỉ) ngày 22-2. Ông Maas kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền quân sự Myanmar nếu các giải pháp ngoại giao thất bại.

Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp, các ngoại trưởng EU nhấn mạnh khối này “sẵn sàng áp dụng các biện pháp hạn chế” như cấm đi lại và đóng băng tài sản những cá nhân dính líu cuộc đảo chính ngày 1-2 ở Myanmar. EU cũng sẽ xem xét lại quan hệ hợp tác với Myanmar và các ưu đãi thương mại dành cho quốc gia này.

Tuy nhiên, đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại và an ninh EU, ông Josep Borrell, khẳng định EU sẽ không rút các ưu đãi thương mại đặc biệt dành cho Myanmar.

Theo ông Borrell, biện pháp trừng phạt kiểu này có thể gây ảnh hưởng đến tất cả người dân Myanmar, bao gồm cả những người nghèo kiếm sống trong ngành dệt may.

“Chúng tôi sẽ không làm điều đó. Nó chỉ gây hại cho người dân chứ không phải quân đội Myanmar”, quan chức EU lập luận.

Một nhà ngoại giao EU nhận xét biện pháp cấm đi lại và đóng băng tài sản là một hướng đi “khả thi”, chỉ ra việc Mỹ đã đi trước EU trong vấn đề này.

Trong một cuộc họp báo sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Washington đang tìm kiếm các công cụ chính sách để gia tăng áp lực lên chính quyền quân sự. Vị này cũng lên án các hành động “đàn áp biểu tình ôn hòa” đã khiến ít nhất 4 người chết.

Cuộc lật đổ chính quyền dân bầu của bên quân đội tại Myanmar vào ngày 1-2 đã dẫn tới phong trào biểu tình và bất tuân dân sự trên khắp Myanmar trong suốt 3 tuần qua. Những người biểu tình kêu gọi trả tự do cho các lãnh đạo dân sự, trong đó có cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, và phản đối quân đội cầm quyền.

Theo Hãng tin Reuters, mặc dù hình ảnh của bà Aung San Suu Kyi đã bị suy giảm ở phương Tây vì cuộc khủng hoảng người Rohingya, EU và các nước khác giờ đây trở thành tiếng nói quốc tế mạnh mẽ nhất kêu gọi trả tự do cho bà. Các ngoại trưởng EU tiếp tục kêu gọi phóng thích nữ lãnh đạo dân sự của Myanmar trong tuyên bố chung ngày 22-2.

(Nguồn: tuoitre)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil