Mỹ ra báo cáo bác bỏ yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông
Tin thế giới
author13/01/2022 09:50
Chính quyền Mỹ ra văn bản trong đó phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh đang có cách hành xử “cưỡng ép và phi pháp”. 
Mỹ ra báo cáo bác bỏ yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông - 1
Các chiến hạm Mỹ hoạt động ở Biển Đông (Ảnh minh họa: Hải quân Mỹ).

Cục Đại dương và Môi trường Quốc tế và Khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12/1 đã công bố một tài liệu nghiên cứu dài 47 trang trong đó nêu quan điểm phản đối của Washington với các yêu sách chủ quyền trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, về cả cơ sở địa lý và lịch sử.

Cụ thể, cơ quan trên cho rằng, Trung Quốc không có bất cứ cơ sở nào theo luật pháp quốc tế để đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi pháp tại Biển Đông.

“Ảnh hưởng tổng thể của những yêu sách hàng hải này là việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền một cách bất hợp pháp đối với hầu hết Biển Đông. Những tuyên bố này làm suy yếu nghiêm trọng pháp quyền trên các đại dương và nhiều quy định được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế được phản ánh trong Công ước”, nghiên cứu viết, đề cập đến Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) vốn cũng đã được Trung Quốc phê chuẩn.

Khi công bố nghiên cứu, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát đi thông điệp một lần nữa kêu gọi Trung Quốc “ngừng các hành vi phi pháp và cưỡng ép trên Biển Đông”.

Nghiên cứu này là phiên bản cập nhật so với nghiên cứu năm 2014, trong đó Mỹ cũng phản đối cái gọi là “đường chín đoạn” mà Trung Quốc nêu ra để tuyên bố chủ quyền phi lý với hầu hết Biển Đông.

Năm 2016, Trung Quốc tuyên bố họ có “quyền lịch sử” tại khu vực này. Nghiên cứu từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, những tuyên bố như vậy là “không có cơ sở pháp lý” và Trung Quốc đã không đưa ra chi tiết cụ thể liên quan tới yêu sách của họ tại vùng biển giàu tài nguyên và là tuyến giao thương quan trọng của thế giới.

Để thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc, Mỹ liên tục điều các tàu đến vùng biển trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, để thực hiện các chuyến tuần tra tự do hàng hải.

Trước đó, nhiều nước cũng đã lên tiếng liên quan tới các động thái của Trung Quốc tại Biển Đông. Tháng 9 năm ngoái, Mỹ và Australia đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng đây là những tuyên bố không có căn cứ về mặt pháp lý, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh thực hiện các điều luật có liên quan trong nước – bao gồm cả Luật An toàn Giao thông Hàng hải – theo một cách thức nhất quán với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển.

Tháng 9/2020, Anh, Pháp, Đức đã gửi công hàm chung phản đối yêu sách của Bắc Kinh lên Liên Hợp Quốc. “Yêu sách (của Trung Quốc) không tuân thủ luật pháp quốc tế và các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển. Mọi tuyên bố trên Biển Đông cần được đưa ra và giải quyết một cách hòa bình theo đúng những nguyên tắc và luật lệ của UNCLOS”, tuyên bố khẳng định.

Tháng 1/2021, trong một công hàm được gửi lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, phái bộ thường trực của Nhật Bản tại Liên Hợp Quốc tuyên bố rằng “việc Trung Quốc vẽ các đường cơ sở lãnh hải trên các đảo và các đá ở Biển Đông” không thỏa mãn các điều kiện được nêu rõ trong Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc. Công hàm cũng cáo buộc Trung Quốc hạn chế tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Theo www.straitstimes.com

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil