Na Uy đóng băng viện trợ cho Myanmar
Tin thế giới
author18/02/2021 17:16

TDM – Na Uy quyết định đóng băng viện trợ song phương cho Myanmar sau cuộc đảo chính quân sự ở quốc gia Đông Nam Á hồi đầu tháng.

“Cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2 đã thay đổi các điều kiện cho sự can dự của Na Uy vào Myanmar và là lý do khiến Na Uy đóng băng chương trình hợp tác chuyên môn giữa các cơ quan nhà nước Na Uy và Myanmar”, Bộ Ngoại giao Na Uy hôm nay cho biết trong một tuyên bố.

Viện trợ của Na Uy cho người dân Myanmar, được phân phối thông qua các cơ quan và tổ chức từ thiện của Liên Hợp Quốc, không bị ảnh hưởng bởi quyết định này và sẽ được duy trì, bộ cho biết thêm.

Người Myanmar biểu tình phản đối đảo chính tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của đất nước, hôm nay. Ảnh: AFP.


Quốc gia Bắc Âu giàu có chi ngân sách 66,5 triệu kroner (7,84 triệu USD) cho năm 2021 để giúp thúc đẩy hoạt động các tổ chức công của Myanmar trong các lĩnh vực, gồm năng lượng tái tạo, môi trường và bảo vệ đại dương. Số tiền bị đóng băng liên quan chủ yếu đến việc thanh toán của các chuyên gia Na Uy tham gia chương trình hợp tác và ở một mức độ nhỏ hơn khoản thanh toán cho các tổ chức của Myanmar.

Quân đội Myanmar hôm 1/2 tiến hành cuộc đảo chính chớp nhoáng, bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và một loạt quan chức chính phủ. Hàng chục nghìn người Myanmar đã xuống đường trong những ngày qua để biểu tình phản đối cuộc đảo chính, bất chấp lệnh giới nghiêm và các hạn chế của quân đội.

Mỹ, Anh, Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu đã lên án cuộc đảo chính, kêu gọi quân đội Myanmar sớm trao trả quyền lực cho chính phủ dân sự. New Zealand là chính phủ nước ngoài đầu tiên có hành động cụ thể nhằm phản đối đảo chính Myanmar, khi tuyên bố ngừng tiếp xúc quân sự và chính trị cấp cao với Myanmar.

Trung Quốc trong khi đó tỏ ra thận trọng hơn, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định, kêu gọi cộng đồng quốc tế không “làm trầm trọng thêm căng thẳng và phức tạp thêm tình hình Myanmar”.

Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN) mà Myanmar là thành viên đưa ra những phản ứng trái chiều. Indonesia, Malaysia và Singapore bày tỏ lo ngại về việc quân đội Myanmar giành quyền lực, trong khi Philippines ban đầu nói vấn đề là “chuyện nội bộ”, sau đó kêu gọi “khôi phục hoàn toàn” hiện trạng ở Myanmar. Campuchia và Thái Lan cũng coi cuộc đảo chính là vấn đề nội bộ.

(Nguồn: Vnexpress)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil