Nga hồi phục từ cú sốc trừng phạt của phương Tây
Kinh tế thế giới
author31/03/2022 10:55

Giá trị đồng ruble hồi phục sau hơn một tháng phương Tây áp loạt biện pháp trừng phạt mạnh tay, phần nào cho thấy sức chống chọi của nền kinh tế Nga.

Để phản ứng với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, phương Tây đã phát động một “cuộc chiến” nhằm bóp nghẹt nền kinh tế Nga. Mỹ và các đồng minh đóng băng khoảng 60% dự trữ quốc tế của Ngân hàng Trung ương Nga, cấm giao dịch vàng với nước này, loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT và trừng phạt loạt công ty, tổ chức, cá nhân Nga.

Mục tiêu của hàng loạt biện pháp trừng phạt là gây “cú sốc” chưa từng có lên nền kinh tế Nga, buộc Moskva phải kết thúc chiến dịch quân sự ở Ukraine. Trong một tuần sau đó, đồng ruble của Nga giảm 1/3 giá trị so với đồng USD và giá cổ phiếu của nhiều công ty Nga lao dốc.

Tuy nhiên, Nga dường như không nao núng. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin ngày 13/3 tuyên bố Moskva sẽ không thay đổi đường lối trước các lệnh trừng phạt “bất hợp pháp và vô tác dụng”. “Chúng tôi đơn giản là sẽ phát triển hơn nữa khả năng kinh tế của mình và năng lực phát triển độc lập, đồng thời dựa vào bạn bè và những bên cùng chí hướng”, ông Vershinin nói.

Một tuần sau, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev khẳng định “nền kinh tế sẽ không sụp đổ” trước các lệnh trừng phạt, bởi Nga “có tất cả khả năng để phát triển riêng” cũng như có nhiều đối tác quan trọng như Trung Quốc hay các nước ở châu Á, châu Phi.

Những gì đang diễn ra cho thấy các quan chức Nga đã đúng và “cuộc chiến kinh tế” của phương Tây không hiệu quả như họ kỳ vọng. Những hỗn loạn trên thị trường Nga dường như đã lắng xuống.

Đồng ruble hiện được giao dịch ở mức khoảng 85 ruble đổi 1 USD, gần bằng mức trước khi Nga bắt đầu chiến dịch ở Ukraine tháng trước. Hôm 7/3, đồng ruble giảm xuống mức thấp nhất, khoảng 150 đổi 1 USD, khi tin tức về lệnh cấm nhập khẩu năng lượng Nga của chính quyền Tổng thống Joe Biden rộ lên.

Người Nga đã bắt đầu nạp lại tiền vào tài khoản ngân hàng, sau khi khoảng 31 tỷ USD bị rút vì những hỗn loạn trong những tuần đầu chiến dịch.


Người dân Nga xếp hàng chờ rút tiền tại Moskva hôm 27/2. Ảnh: AP.

Một loạt chính sách được Moskva tung ra đã giúp bình ổn thị trường. Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất từ 9,5% lên 20%. Chính phủ yêu cầu các nhà xuất khẩu chuyển đổi 80% số ngoại tệ thu được thành đồng ruble.

Theo một ước tính sử dụng dữ liệu tìm kiếm Internet của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), GDP của Nga trong tuần gần cuối tháng 3 đã cao hơn khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước. Các dữ liệu thời gian thực khác được Economist thu thập, như lượng tiêu thụ điện và vận tải hàng hóa đường sắt, vẫn ổn định.

Chi tiêu của người Nga đã tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là cho các thiết bị gia dụng, theo Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga. Chi tiêu cho dịch vụ giảm nhẹ, nhưng vẫn ở mức tốt hơn nhiều so với phần lớn thời kỳ đại dịch.

“Nền kinh tế sẽ phải trải qua một thời kỳ thích ứng nhất định, một giai đoạn tái tổ chức tất cả các quá trình. Đó sẽ là cú sốc nghiêm trọng mà chúng tôi phải đối mặt. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có khả năng tăng trưởng và phát triển. Nhiều thị trường vẫn mở cửa. Hơn nữa, biên độ an toàn của nền kinh tế Nga là rất lớn”, Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov nói tháng này.

Ông lưu ý rằng dự đoán nền kinh tế Nga sẽ tan vỡ là không đúng, thêm rằng không có vấn đề nào là không thể giải quyết được.

Alexander Borisov, chủ tịch hội đồng phát triển thị trường tiêu dùng thuộc hội đồng thương mại và công nghiệp Nga, nhấn mạnh nước này sẽ duy trì cân bằng giữa sản xuất trong nước và nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong khi đó, nhiều công ty sản xuất của Nga cũng chuyển hướng sang thị trường sang châu Á để tránh các lệnh trừng phạt và biến động tiền tệ.

Chính phủ Nga đã cam kết hỗ trợ các nhà sản xuất địa phương thông qua các chính sách cho vay ưu đãi và trợ cấp, đồng thời giảm thuế cho hàng hóa nhập khẩu từ nhóm “các nước thân thiện”, những quốc gia không áp đặt lệnh trừng phạt với Nga.

Giới quan sát nhận định nền kinh tế Nga có thể vẫn bước vào giai đoạn suy thoái trong năm nay, nhưng không tồi tệ như dự đoán. Nhiều doanh nghiệp đã quen với việc duy trì hoạt động mà không cần nhập khẩu. Họ cho rằng nền kinh tế Nga hoàn toàn có thể đối phó với việc bị cắt đứt khỏi thế giới.

Bất chấp loạt lệnh trừng phạt chưa từng có, Nga vẫn bán khoảng 10 tỷ USD dầu mỗi tháng cho khách hàng nước ngoài, tương đương 1/4 lượng xuất khẩu trước xung đột. Điều này mang về nguồn ngoại tệ lớn, giúp Nga có thể mua một số hàng tiêu dùng và các mặt hàng nhập khẩu khác từ các quốc gia độc lập.

Tuy nhiên, giới quan sát ở Nga cũng tỏ ra thận trọng với những hậu quả tiềm tàng mà nước này có thể gánh chịu do lệnh trừng phạt phương Tây.

“Chúng ta sẽ chưa biết rõ tác động thực sự của các lệnh trừng phạt hiện tại đối với nền kinh tế trong thời gian tới. Ảnh hưởng thực sự sẽ chỉ hiển hiện sau 3-6 tháng”, Sergey Aleksashenko, cựu phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, nhận định.

Nhà Trắng và các nhà kinh tế cũng lập luận rằng các biện pháp trừng phạt cần có thời gian để phát huy hiệu quả, có thể là vài tuần và vài tháng. Nhưng những người chỉ trích cho rằng sự phục hồi của đồng ruble cho thấy Mỹ cần làm nhiều hơn nữa.

“Đà phục hồi của đồng ruble dường như chỉ ra các lệnh trừng phạt của Mỹ không làm tê liệt nền kinh tế Nga một cách hiệu quả”, thượng nghị sĩ Mỹ Pat Toomey nói.


Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva, Nga hồi tháng 1. Ảnh: Reuters.

Một số đồng minh của Mỹ cũng thừa nhận chính phủ của họ có thể phải cần tăng cường biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga. Thủ tướng Anh Boris Johnson tuần này cho biết nhóm G7 nên gia tăng sức ép trừng phạt cho đến khi lực lượng Nga rút khỏi Ukraine.

Nhưng đó là một yêu cầu khó khăn với nhiều nước châu Âu, trong đó có Đức, vốn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung khí đốt và dầu mỏ từ Nga. Liên minh châu Âu cũng nhận 10% lượng dầu và hơn 30% lượng khí đốt từ Nga. Nhiều quốc gia trong đó đã cam kết thoát khỏi tình trạng phụ thuộc năng lượng Nga, nhưng không phải ngay lập tức.

Nếu các quốc gia châu Âu nhanh chóng tách rời năng lượng Nga, “một lệnh cấm toàn diện hơn từ châu Âu sẽ đe dọa nguồn thu của Nga”, theo Charles Lichfield, nhà phân tích của Hội đồng Đại Tây Dương. “Nhưng phương Tây sẽ không thể đi đến một kết quả đồng thuận như vậy”.

(Nguồn: Vnexpress)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil