Nga nhắc châu Âu về thiệt hại trừng phạt
Tin thế giới
author20/02/2021 08:38
TDM – EU đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga bất chấp thực tế EU đã thiệt hại nhiều hơn trong những năm qua.

“Châu Âu đã nhiều lần sai lầm”

Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Anton Krasovsky trên kênh YouTube “Antonyms” ngày 18/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Nga không muốn cắt đứt quan hệ với Liên minh châu Âu (EU). Bà Zakharova nêu rõ: “Chúng tôi không muốn điều này… Nếu họ thông báo điều đó vào ngày mai, sau đó chúng ta tiếp nhận và chấp nhận nó, đó là do quyết định của họ”.

Bà Zakharova cho rằng, trong vấn đề này, biện pháp đáp trả không quan trọng. Bà nhấn mạnh Nga “cũng là châu Âu”, và nước này “bị lãng quên phần nào” trong EU. Bà nói: “Trong lịch sử, châu Âu đã nhiều lần sai lầm, hành động đi ngược lại lợi ích của mình, đơn giản là vì họ bị đẩy tới điều đó”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga M. Zakharova

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow sẵn sàng cắt đứt quan hệ với EU nếu khối này áp đặt các biện pháp trừng phạt gây rủi ro cho những lĩnh vực nhạy cảm của nền kinh tế Nga.

Giữa lúc quan hệ Nga-EU căng thẳng, trang Sputnik của Nga cho biết EU đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga bất chấp thực tế EU đã thiệt hại nhiều hơn, ước tính hàng chục tỷ euro chỉ trong lĩnh vực kinh tế.

Sputnik dẫn lời ông Peter Stano – đại diện của cơ quan phụ trách chính sách đối ngoại EU – nói: “Các biện pháp trừng phạt như vậy không phải là mục tiêu của EU mà chỉ là công cụ hiệu quả để chống lại Nga”. Trong khi đó, Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại EU Josep Borrell nói thêm: “Sau vụ bắt giữ Alexei Navalny, Nga sẽ bị trừng phạt vì vi phạm nhân quyền”.

EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga kể từ mùa hè năm 2014 do cuộc xung đột ở Ukraine tiếp tục mở rộng các biện pháp sau đó. Tháng 3/2015, EU gắn các biện pháp này với việc thực hiện các thỏa thuận Minsk về Ukraine.ADVERTISING

Về phần mình, Moscow tuyên bố Nga không phải là một bên trong cuộc xung đột nội bộ ở Ukraine và cũng không phải là chủ thể trong các thỏa thuận Minsk, mà chỉ là nước trung gian tham gia tiến trình hòa giải. Và Nga sẽ áp dụng những biện pháp hạn chế đáp trả “có đi có lại”.

Theo Sputnik, hậu quả đối với EU đã được thể hiện ngay sau đó một năm. Từ tháng 3/2014 đến tháng 3/2015, Moscow thiệt hại 55 tỷ USD, còn EU là 110 tỷ USD. Đức bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, mất 700 triệu USD mỗi tháng do các lệnh trừng phạt song phương.

Nghị viện châu Âu (EP) khi đó khẳng định rằng các biện pháp trừng phạt theo ngành “gây đau đớn và làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế (ở Nga), vì sụt giảm giá dầu”. Và tác động ngắn hạn chính của các biện pháp “được thể hiện trong việc Nga bị hạn chế tiếp cận tín dụng, dòng vốn đầu tư từ phương Tây” và không thể quay trở lại thời kỳ có “tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn”.

Đến năm 2018, cũng chính cơ quan này lại thừa nhận “lệnh trừng phạt mang lại hiệu quả rất hạn chế”, rằng bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Moscow, Nga đang đóng một vai trò ngày càng nổi bật trên diễn đàn thế giới. Các biện pháp trừng phạt đáp trả đã giúp ích cho nền nông nghiệp của nước này”.

Những con số nhói lòng châu Âu

Sputnik dẫn đánh giá của hai nhà kinh tế Matthieu Crozet (trường Đại học Lĩnh Nam, Hong Kong) và Julian Hinz (Viện Kinh tế Thế giới Keele) hồi năm 2019 tổng kết “5 năm trừng phạt”. Theo đó, Nga gánh hơn một nửa số thiệt hại từ các lệnh trừng phạt của phương Tây (2,2 tỷ USD mỗi tháng). 45% còn lại với tổng 1,8 tỷ USD được chia sẻ cho những nước khởi xướng. Dữ liệu này được công bố trong nghiên cứu “Ngọn lửa thân thiện: Tác động đến thương mại từ lệnh trừng phạt chống Nga cũng như từ các biện pháp trả đũa”.

Mới đây, Bộ Kinh tế-Năng lượng Đức nêu rõ rằng các doanh nghiệp châu Âu đã lỗ hàng tỷ euro kể từ năm 2014 do lệnh trừng phạt chống Nga. Năm 2018, Đức đã đưa khoảng 485.000 euro vào cơ sở dữ liệu tài sản và quỹ bị “đóng băng” do trừng phạt, Ireland là 24.000 euro, Italy là 94.000 euro, Hà Lan là 806 euro. Cao nhất là Síp với hơn 3 triệu euro.

Năm 2019, con số tương tự ở Đức là 337.000 euro, Ireland là 77.000 euro, Italy 148.000 euro, Hà Lan 819 euro. Năm 2020, ở Đức là 341.000 euro, Hà Lan 761 euro. Tổng cộng, kể từ năm 2014, Đức đã đóng băng khoảng 1,8 triệu euro. Còn kim ngạch thương mại giữa Đức và Nga năm 2014 là 67,7 tỷ euro, năm 2015 là 51,5 tỷ euro, năm 2016 là 48 tỷ euro.

Theo Sputnik, Đức cũng nhiều lần công khai chịu nhiều thiệt hại nhất từ cuộc chiến trừng phạt lẫn nhau. Mùa hè năm 2020, nghị sỹ Quốc hội Đức Markus Fronmeier trích dẫn số liệu, đưa ra kết quả gần với nghiên cứu của Crozet và Hinz: 618 triệu euro mỗi tháng (7,4 tỷ euro mỗi năm, chiếm 40% tổng thiệt hại của EU).

Sputnik cũng dẫn đánh giá chi tiết của các nhà kinh tế từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Vienna (WIIW) về cuộc chiến giữa Brussels và Moscow. Theo ước tính của WIIW, việc giảm xuất khẩu sang Nga khiến Đức thiệt hại 0,2% GDP trong thời kỳ 2014-2018, Áo thiệt hại 0,5% GDP.

Trong số những nước có kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất có Cộng hòa Séc và Hungary (mỗi nước mất 0,6% GDP) và Slovakia (1% GDP). Tuy nhiên, về chỉ số tuyệt đối, Đức chính là nước chịu thiệt hại lớn nhất với 14 tỷ euro chỉ trong 2 năm đầu tiên thực hiện lệnh trừng phạt.

Những lĩnh vực bị thiệt hại nhiều nhất trong cuộc chiến trừng phạt là công nghiệp dệt may, dược phẩm, thiết bị điện, cơ khí và thiết bị giao thông. Nhóm tác giả nghiên cứu cũng lưu ý việc các sản phẩm thực phẩm (Nga áp đặt lệnh cấm vận nhập khẩu thịt, sữa, cá, trái cây, rau quả từ EU kể từ tháng 8/2014) “không đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu của châu Âu” (ngoại trừ các nước vùng Baltic, Phần Lan, Đức, Hà Lan và Ba Lan).

WIIW thừa nhận: “Ở Nga, người ta chỉ quan sát thấy lạm phát giá lương thực tăng vọt, nhưng việc đồng thời thay thế nhập khẩu góp phần vào sự hồi sinh của ngành nông nghiệp Nga, trở thành một trong những thành công rõ ràng của nền kinh tế”.

Chi tiết đáng chú ý được Sputnik nêu ra là tỷ trọng xuất khẩu của EU sang Nga đã giảm một nửa, trong khi sự phụ thuộc vào dầu mỏ, khí đốt của Nga đã tăng lên. Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) sắp hoàn thành bất chấp mọi nỗ lực “phá ngang” của Mỹ và một số nước châu Âu sẽ càng làm gia tăng thực tế này.

(Nguồn: Datviet)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil