Ngày của Cha: Chân dung một ông bố đơn thân nhưng không đơn độc
CỘNG ĐỒNG, Tin nổi bật, Người Việt tại Séc
author10/06/2021 11:30

Nhân Ngày của Cha năm nay vào chủ nhật 13.6, TamdaMedia xin chia sẻ với độc giả câu chuyện của ông bố đơn thân tự mình nuôi nấng chăm sóc hai cô con gái – anh Trần Ngọc Anh, 39 tuổi, nhân viên khu Drogerie của công ty Tamda.

“Mẹ đơn thân” đã trở thành một cụm từ quen thuộc, thậm chí là một xu hướng mới trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Thế nhưng ngược lại “bố đơn thân” vẫn chỉ là một tỉ lệ nhỏ trong xã hội và thường được nói tới với sự thương cảm nhiều hơn qua sự ví von “gà trống nuôi con” bởi việc chăm sóc con cái thường không được coi là thế mạnh của đàn ông.

Làm bố đơn thân đã khó, làm bố đơn thân nuôi con gái càng khó hơn. Bố đơn thân nuôi con gái luôn được xem là hành trình khó khăn hơn mẹ đơn thân nuôi con gái bởi nhiều yếu tố như sự khác biệt về suy nghĩ, tâm lý giới tính, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề…

PV: Chào anh, rất cám ơn anh đã nhận lời chia sẻ câu chuyện của mình với độc giả TamdaMedia. Anh có thể giới thiệu qua về hoàn cảnh của mình được không ạ?

Chào em, hiện tại anh đang sống ở Praha và làm việc tại công ty Tamda Foods. Hai vợ chồng anh chia tay nhau khá lâu rồi, từ khi con bé thứ hai mới hơn 1 tuổi. Hiện giờ cháu lớn 10 tuổi, cháu bé 7 tuổi. Anh sang Séc được hơn 4 năm thì cũng là hơn 4 năm xa các con. Anh cũng đã nộp đơn xin đoàn tụ với hai cháu, nhưng vì dịch Covid nên chưa thực hiện được.

PV: Vậy là trước khi sang đây anh cũng đã có hai năm làm ông bố bỉm sữa phải không ạ?

Đúng vậy, hồi đó ở Việt nam công việc của anh rất là bận, phải giao ban đúng giờ. Ở Việt Nam thì thường đi làm sớm từ 7 giờ sáng nên anh phải dậy trước để lo cho các cháu rồi gửi các cháu đến chỗ mình thuê họ trông. Chiều về sẽ làm thêm những việc khác như tắm rửa, giặt giũ, nấu cơm cho con ăn, lúc đó đứa thứ hai nó vẫn còn uống sữa đêm. Sau hơn một năm ông bà nội về hưu lên trông giúp các cháu thì anh mới nhàn hơn.

PV: Lý do gì khiến anh quyết định sang Séc thay vì tiếp tục cuộc sống mà theo như anh kể thì đã khá là ổn định ở Việt Nam?

Đúng là công việc ở Việt Nam lúc đó không những ổn định mà còn đang phát triển rất tốt. Nhưng anh vẫn quyết định sang đây vì muốn thay đổi môi trường sống, để giải tỏa những buồn phiền trong lòng. Mặc dù rất là thương con nhưng vì bệnh dịch chưa cho phép bố con được đoàn tụ.

PV: Tại sao anh lại chọn công việc hiện tại ở Tamda?

Ban đầu mới sang thì anh làm nhà máy, sau đó chuyển sang Tamda vì anh muốn làm việc trong môi trường cộng đồng, tiếng Séc mình chưa tốt mà được làm trong môi trường này thì sẽ tự tin hơn, cũng thấy vui vẻ hơn.

PV: Trong những năm ba bố con xa nhau thì cuộc sống của các cháu như thế nào ạ?

Các cháu hiện tại ở với ông bà, mẹ các cháu thì bận việc nên cũng chỉ sang chơi gặp các cháu vào cuối tuần được thôi, nên việc học hành tạm thời cũng là do ông bà giúp đỡ bảo ban. Các con anh ở nhà so với các bạn đồng lứa khác thì cũng có thể coi là có chút đảm đang hơn. Anh rất lo việc học của các cháu.

PV: Xa nhau đã 4 năm, vậy chắc là ba bố con chỉ có thể liên lạc qua mạng internet thôi anh nhỉ?

Vâng, một tuần anh gọi về nói chuyện với con 3,4 lần. Cũng bị ảnh hưởng bởi lệch múi giờ nữa, lúc con dậy đi học thì mình vẫn ngủ, lúc mình đi làm về thì con đã đi ngủ. Anh rất là nhớ con, mỗi lần gọi điện về thì mình đều phải cố gắng nói chuyện hài hước cho con vui, để cho các con nguôi ngoai, chứ nếu mà nói chuyện bình thường hỏi han thì một lúc là lại muốn khóc.

PV: Thế còn về cá nhân anh, những năm ở Séc có giúp anh được nhiều không?

Thời gian sẽ làm nguôi ngoai tất cả. Điều này anh thấy người ta nói đúng. Anh cảm thấy đã nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Anh cũng suy nghĩ và tính toán nhiều rồi, nếu tiếp tục làm việc ở Tamda thì đón thêm hai con sang vẫn sẽ đủ chi phí. Anh cũng có kế hoạch là khi nào các con chuẩn bị sang thì sẽ thuê một căn hộ ở riêng vì hiện tại anh đang ở ghép với hai người khác. Về mặt chăm sóc con thì bên này có một lợi thế là đi làm muộn, 9h mới đi làm nên buổi sáng mình vẫn có thể dậy chuẩn bị cơm nước và đưa con đi học. Những năm đầu ở đây thi thoảng anh cũng đi thăm quan được một vài chỗ gần gần, còn chưa đi du lịch ở xa vì mọi tâm trí đều dồn cho công việc và lo cho các con.

PV: Anh có thấy cuộc sống của một ông bố đơn thân khó khăn không? Có lúc nào anh thấy nản không?

Lúc mới chia tay anh cũng lo lắng nhiều thứ, nhưng cuộc sống như vậy nó đến với mình thì mình phải chấp nhận và đối mặt. Xong rồi công việc cực kì bận bịu lại còn phải chăm sóc con cái, thời gian trôi qua quá nhanh, bỏ qua luôn cả những cảm giác, những băn khoăn đấy. Đến lúc mọi thứ trở nên quen thuộc đâu vào đấy thì phải một năm sau anh mới ngồi nhìn lại. Thấy là thế nào rồi mình cũng làm được, nếu mà cố gắng thì không có gì là khó, chẳng qua mình có chịu cố gắng hay không. Anh cũng tin là đàn ông trên thế giới này ai cũng vậy thôi, nhìn thấy con cái như vậy cũng sẽ làm được hết. Cái ý chí của mình nó quan trọng, không biết thì học dần rồi cũng sẽ biết.

PV: Em xin phép hỏi anh một câu hỏi hơi riêng tư một chút nhé, anh có từng nghĩ đến chuyện đi bước nữa chưa ạ?

Tất nhiên là có. Ông bà nội cũng nói nếu gặp được người hợp ý thì cứ tiến tới. Nhưng với anh quan trọng nhất là sau này nếu có quen ai, thì việc đầu tiên sẽ phải là cho người đó hoặc các con của người đó gặp và tiếp xúc với con anh. Bởi vì nếu chẳng may sau này chuyển về sống với nhau, mình nhỡ thương người ta rồi mà người ta lại không thương con mình hoặc ngược lại con mình không hợp với họ thì sẽ rất tội nghiệp. Nếu có chuyện gì xảy ra, anh thì có thể bỏ qua được nhưng các con thì sẽ bị thiệt thòi. Bây giờ anh có đưa ra lựa chọn gì cho bản thân thì cũng phải đặt sau lợi ích của con mình. Mình có thể hi sinh hạnh phúc của bản thân nhưng không thể đánh đổi hạnh phúc của con cái mình được. Và cái này anh nghĩ là phải do duyên số nữa.

PV: Vâng, em cũng hi vọng mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với ba bố con. Một lần nữa cám ơn anh đã dành thời gian cho TamdaMedia. Nhân Ngày của Cha, xin chúc anh thật nhiều sức khỏe, và chúc ba bố con sớm đoàn tụ với nhau.

(BBT TamdaMedia)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil